Đừng bỏ phí những lời hát ru

Những bài hát ru ngọt ngào, êm ả, nồng nàn đã tồn tại từ ngàn xưa, lưu truyền trong nhân gian từ đời này sang đời nọ, hằng bao nhiêu thế kỷ. Song, ở thế kỷ XXI này, có nguy cơ dần biến mất và sẽ mất hẳn khi thế hệ những người đi trước không còn nữa.


Những lời hát ru mộc mạc rất dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát không cần phải qua trường lớp, sách vở, chỉ cần nghe bà nội, bà ngoại ru một vài lần là thuộc ngay. Những ngày khi con gái hoặc con dâu ở cữ, các bà nội, ngoại thường đưa con đưa cháu về chăm sóc nuôi dưỡng, mỗi lần đưa nôi đưa võng cho cháu ngủ, các bà cũng cất lên những lời ru ngọt ngào làm xao xuyến, bâng khuâng lòng người. Trước là ru cháu ngủ sau là truyền đạt lại cho người mẹ trẻ theo đó sau này biết mà ru con, những lời ru chân tình, mượt mà, dịu dàng êm ái không chỉ với những đứa trẻ trong nôi, mà cả những người lớn nghe những làn điệu lời ru cũng nhập vai, chợt cảm thấy tâm hồn thanh thoát nhẹ nhàng, cõi lòng lâng lâng êm ái, trong sâu thẳm “dấy” lên tình cảm con người yêu thiên nhiên yêu cuộc sống, theo âm điệu lời ru và cách diễn xuất của người hát ru, cũng lim dim đôi mắt muốn ngủ luôn cùng cháu.


Góp phần hình thành nhân cách


Lời hát ru khi con trẻ còn nằm trong nôi là rất quan trọng, đừng nghĩ trẻ con còn bé không biết gì, nó sẽ cảm nhận được tất cả vì đó là những lời yêu thương tha thiết dịu dàng, là những lời răn dạy bao hàm trong nhiều lĩnh vực, một điểm khởi đầu trong quá trình nuôi dạy con cái, hát ru thường xuyên sẽ truyền tải cho trẻ thấm sâu tình yêu con người, tình yêu quê hương đất nước, dân tộc, đồng loại… mai này khôn lớn chắp cánh bay cao bay xa nhưng sẽ luôn nhớ về quê hương, cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn…

Những làn điệu dân ca ngọt ngào luôn đi vào tâm khảm con nguời.


Nước Việt Nam ta có ba miền Bắc - Trung - Nam, miền nào cũng có những bài hát ru rất ý nghĩa mang đầy bản sắc văn hóa dân gian, chỉ khác ở chỗ lời ru cất lên theo âm điệu của từng vùng miền, nhưng toàn những câu răn dạy đạo làm người, đạo làm con cái, những lời ví von, tình yêu son sắt vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em… “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”; “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần…”; “Cái cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo nuôi chồng tiếng hát nỉ non....”; “Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon…”“ Anh em như thể tay chân, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau…” Ôi ! Những lời ru mượt mà và ý nghĩa biết bao. Những bà mẹ trẻ hãy ý thức gìn giữ và phát huy, con trẻ khi nghe những lời ru ấy cũng hằn sâu vào tâm khảm, nhen nhóm lên ngọn lửa yêu thương và bắt đầu hình thành nhân cách con người từ những lời hát ru của mẹ.


Những bà mẹ trẻ bây giờ, đa số, kể cả nông thôn cũng như thành thị, không còn dùng những lời hát ru để đưa con vào giấc ngủ, có người vì e thẹn khi ru, có người lại sợ con trẻ quen giọng khó rời xa, có người thì bảo không còn hợp thời, có người bảo mất thời gian… mà thay vào đó là mua những đĩa dân ca, đĩa Xuân Mai hoặc những đĩa nhạc loại hình văn hóa “lai căng” với điệu nhạc sôi động hip, hop… về ru con ngủ. Hoặc mở phim hoạt hình hay ca nhạc trên ti vi và phổ biến nhất hiện nay là chiếc điện thoại di động đặt gần bên để đưa con trẻ vào giấc ngủ.


Cần khơi dậy một “phong trào”


Thật đáng buồn biết bao khi ý thức của con người cũng đang dần biến dạng. Ngày xưa, người phụ nữ trước khi xuất giá, ngoài việc “học ăn học nói học gói học mở” còn phải học cả những lời hát ru, bất kể hát dở hát hay, thì khi người mẹ ru con cũng thể hiện được tình mẫu tử, lòng yêu thương con trẻ vô bờ bến của người mẹ và tính cách của người phụ nữ cũng được đánh giá qua lời ru. Mỗi khi ôm con vào lòng cất lên lời ru, người phụ nữ cũng bày tỏ được bao tâm tình, bao khát vọng đong đầy, bao nỗi niềm thương nhớ mênh mang mà trong cuộc sống không dễ gì bày tỏ “Chiều chiều ra đứng bờ sông/ Muốn về bên mẹ mà không có đò” có lẽ bây giờ chỉ trèo lên xe là chạy vù về nhà mẹ mà không cần đò nên cũng không cần lời ru chăng?


Vì hát ru mang tính truyền miệng, nếu mai này thế hệ người già đã “khuất núi” thì những bài hát ru liệu có còn tồn tại, truyền thống văn hóa dân gian xem như chấm dứt một cách vô cùng đáng tiếc.


Những bài hát ru một số cũng đã có trên mạng internet hoặc in thành sách, việc bảo tồn kho báu dân gian này là điều nên làm và đáng quý nhưng quan trọng là cần người thực hiện và người được thưởng thức cùng bổ sung và phát huy, mẹ tung con hứng cả hai cùng hòa chung một nhịp đập, và chủ yếu duy trì bền vững một nét văn hóa dân gian truyền thống đã có từ ngàn xưa, cho thế hệ mai sau không để mất đi một cách lãng phí.


Những bà mẹ trẻ hãy cất lên những lời ru ngọt ngào, phô diễn một trong những nét đẹp của người Phụ nữ Việt Nam, cho con trẻ đi vào giấc ngủ trọn vẹn, lớn dần lên với biết bao ước mơ, khát vọng. Nuôi dưỡng và vun đắp tâm hồn trong sáng, thanh thoát của tuổi trẻ, thế hệ tương lai của đất nước sau này.


Thiết nghĩ, Ngành văn hóa văn nghệ khi tổ chức những chương trình giao lưu văn nghệ, nhất là văn nghệ quần chúng ở địa phương cũng nên đệm vào một vài tiết mục hát ru để duy trì những lời ru và “khơi dậy” phong trào văn nghệ dân gian trong quần chúng nhân dân, để lời hát ru luôn ngân vang không bị rơi vào quên lãng, bỏ phí một nét đẹp văn hóa truyền thống, một “hồn cốt” vô cùng độc đáo của dân tộc Việt Nam.


Bài và ảnh:Xuân Sơn

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN