Đưa hơi thở thời đại vào nghệ thuật rối

Yêu rối, muốn rối phát triển, nên NSND Nguyễn Tiến Dũng Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam) luôn nghĩ cách đưa nghệ thuật múa rối đến gần hơn với công chúng. Anh đã dành rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, làm mới những vở rối nước, làm sống lại rối cạn, rối dây… với nội dung hấp dẫn. Những vở diễn của anh đều dành được thành tích cao, được khán giả trong và ngoài nước yêu thích.

Từ nghệ sỹ kịch đến nghệ sỹ rối

NSND Nguyễn Tiến Dũng sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm rối. Bố anh là một trong 7 người đặt nền móng cho việc thành lập Nhà hát Múa rối Việt Nam. Từ nhỏ, Dũng đã theo bố cùng các cô chú đi khắp nơi biểu diễn, từ Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Hà Nam Ninh… xem bố làm thấy hay, về nhà, cậu bé Dũng cũng tự làm những con rối, thả xuống ao, rủ các bạn trong khu tập thể biểu diễn cho nhau xem. Thấy các con thích rối, bố anh đã tập hợp con em trong khu tập thể, thành lập một nhóm rối “nhí” thường xuyên tổ chức biểu diễn ở trong trường học…

Một cảnh trong vở “Giai điệu quê hương”.

Gắn bó với rối từ nhỏ, nhưng lớn lên, Dũng lại thi vào chuyên ngành kịch nói. Ra trường, anh về công tác tại Nhà hát Kịch quân đội. Tại đây, anh gặp và yêu một bạn diễn cùng đơn vị. Sau khi lập gia đình, cả 2 vợ chồng làm trong ngành quân đội, mỗi năm đi biểu diễn mấy tháng rất vất vả. Đúng lúc anh đang băn khoăn, nghệ sỹ Ngô Quỳnh Giao hỏi có muốn về Nhà hát Múa rối không, nên anh đã đồng ý chuyển về.

Là con nhà nòi, biết đến nghệ thuật múa rối từ khi còn nhỏ, nhưng khi chính thức đặt chân vào làm rối chuyên nghiệp, Nguyễn Tiến Dũng vẫn thấy khó quá. Nghệ thuật múa rối có những kỹ thuật, kỹ năng và tính đặc thù, khác hẳn với kịch nói, anh thấy chống chếnh và có phần hoang mang. Khi đó, nhà hát đang thiếu diễn viên, nên anh phải tham gia diễn ngay, không có nhiều thời gian để học hỏi. Anh chia sẻ: “Lúc đó tôi lo lắm. Đang là diễn viên có triển vọng, bố lại là nghệ sỹ rối có tiếng, nếu mình làm không tốt thì xấu hổ lắm. Nghĩ vậy nên tôi tự đặt cho mình quyết tâm, nhất định phải làm được, và phải cố gắng làm thật tốt”.

Trong điều kiện bắt buộc phải đứng lên, nghệ sỹ trẻ Nguyễn Tiến Dũng lao vào học tập. Anh lục tìm giáo trình dạy học ngày xưa của bố để tự học, tự điều khiển các con rối. Ban ngày đi tập với các cô chú, tối về lại tự tập ở nhà. Cũng may là anh đã được tiếp xúc với rối, biết rối từ nhỏ, nên nhanh chóng tiếp cận và hoàn thành vai diễn của mình.

Một cảnh trong vở “Hoa quỳnh” của NSND Nguyễn Tiến Dũng.

Sau một thời gian lăn lộn với kịch nói, đảm nhiệm nhiều vai diễn và có sự trưởng thành từ kịch, đến khi diễn rối, những kinh nghiệm từ diễn kịch rất thuận lợi cho anh. Anh cũng nhận thấy, do diễn viên rối học chuyên ngành kịch hát dân tộc, cơ bản là truyền nghề, vai mẫu, nên có một khoảng trống về đào tạo diễn kịch, về tư duy nhân vật. Đặc trưng của rối là diễn bằng con rối, đã là giả, diễn xuất lại giả nữa thì sẽ hỏng, khán giả không có cảm xúc khi xem, nghệ thuật rối sẽ không đi vào lòng khán giả được. Mang những băn khoăn của mình trao đổi với các nghệ sỹ, anh nhận được sự tán thành và hưởng ứng của mọi người. Thế rồi, vừa dựng vở, anh vừa đem những kiến thức mình học được từ kịch nói truyền lại cho các em, mang những cảm xúc từ nội tâm nhân vật, khóc thật, cười thật, vui thật… áp dụng vào trong vở diễn, đem lại những cảm xúc chân thật cho khán giả.

Đưa cốt truyện vào rối

Lăn lộn với rối, rồi “mê” rối, nên Nguyễn Tiến Dũng rất trăn trở với nghệ thuật rối. Anh luôn muốn tìm cách để múa rối đến gần hơn với công chúng. Anh nhận thấy, lâu nay chúng ta chưa có nhiều vở diễn dài, có nội dung cốt truyện sâu sắc, nên chưa để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng. Mong mỏi sẽ đưa rối đi lên, Nguyễn Tiến Dũng đi học thêm khóa đạo diễn, rồi tìm cách thực hiện mơ ước của mình. Kết thúc khóa học, anh bỏ tiền dựng vở rối A la đanh, lấy cốt truyện từ câu truyện cổ tích nước ngoài làm bài thi tốt nghiệp. Vở diễn thành công ngoài sức tưởng tượng, được nhiều người trong nghề khen ngợi khiến anh rất phấn khởi, tự tin hơn.

Sau thành công của vở A la đanh, anh dựng thêm nhiều vở rối khác từ cốt truyện nước ngoài như Tôn Ngộ Không, Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn… Vở diễn nào của anh cũng thành công, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Anh tiếp tục xây dựng vở rối cạn “Nhịp điệu quê hương”. Vở diễn được dàn dựng dựa trên một số làn điệu dân ca, gắn bó với cuộc sống người nông dân Việt Nam. Mỗi trò diễn là một bức tranh đa sắc, phong phú với những cảnh mò cua, bắt ốc, chăn trâu, hát xẩm, múa hoa sen, chầu văn… Vở diễn là chương trình rối cạn đậm chất dân gian, nhưng vẫn đầy hơi thở thời đại, đã mang đến sự bất ngờ, thích thú cho khán giả. Năm 2014, vở “Giai điệu quê hương” được mang đi tham gia biểu diễn tại Lễ hội Múa rối thế giới ở Thái Lan (Harmony World Pupet Carnival), đã vượt qua 856 vở diễn của 160 đoàn đến từ hơn 80 quốc gia để giành giải chính duy nhất.

Sau rối cạn, Nguyễn Tiến Dũng lại bắt tay vào thử nghiệm với rối dây, một loại hình múa rối tưởng chừng đã bị lãng quên từ lâu. Anh dựng vở rối dây “Vũ điệu hoa quỳnh” của tác giả Nguyễn Thùy Trang. Vở diễn kể một câu chuyện đầy tính nhân văn: Hoa quỳnh vì “quá xinh đẹp”, nên bị con bướm cùng lũ sâu độc ác bắt đem nộp cho chúa đất, vốn là một tên độc ác khét tiếng trong vùng. Nhưng rồi, trước vẻ đẹp thanh tú, trong trắng của hoa quỳnh, cùng những vũ điệu đẹp đến mê hồn của nàng đã cảm hóa được chúa đất. Từ một kẻ độc ác, chúa đất trở thành người bảo vệ cho hoa quỳnh… Câu chuyện được đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng “kể” lại một cách sinh động qua những mảng miếng tinh tế, độc đáo của nghệ thuật múa rối. Việc sử dụng chất liệu tạo hình con rối bằng mây, tre đã tạo sự gần gũi, thân thuộc với người Việt Nam, mang đậm hồn cốt Việt Nam. Trong Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ 4 hồi tháng 10/2015 vừa qua, vở rối dây “Vũ điệu hoa quỳnh” đã chinh phục đông đảo khán giả cùng toàn bộ ban giám khảo, giành Huy chương Vàng duy nhất của liên hoan.

Đến nay, NSND Nguyễn Tiến Dũng đã có trong tay hàng chục giải thưởng các loại, anh chia sẻ, những giải thưởng đó như những minh chứng cho mọi nỗ lực, cố gắng của anh, động viên anh rất nhiều trong quá trình làm nghề. Nhưng vượt lên trên tất cả, đó là sự yêu mến, động viên của khán giả ở mọi lứa tuổi. “Với một người nghệ sỹ như chúng tôi, việc chinh phục khán giả là điều quan trọng nhất và là đích đến cuối cùng”, NSND Nguyễn Tiến Dũng tâm sự.
Lan Phương
Khó mấy cũng phải giữ rối
Khó mấy cũng phải giữ rối

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Lương (ảnh), phường rối nước làng Ra (nay là làng Phú Hòa, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) đã có gần 70 năm theo nghề rối. Ông cũng là một trong những nghệ nhân cao tuổi nhất của phường rối nước làng Ra. Đến nay, dù đã ở tuổi 84, nhưng ông vẫn tâm huyết với rối và quyết tâm “bám” nghề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN