Đưa hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang vào khuôn khổ

Thời gian qua, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang liên tục có những sai phạm, gây bức xúc dư luận, trở thành vấn đề nhức nhối đối với công chúng. Các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ VH, TT & DL không thể đứng ngoài cuộc.

 

Các người mẫu trình diễn bộ sưu tập của nhà thiết kế trẻ Vân Võ. Ảnh: Thế Anh-TTXVN

 

Trong thời gian ngắn, Bộ VH, TT & DL đã có hàng loạt động thái nhằm chấn chỉnh tình trạng này như ban hành Chỉ thị 65 về chấn chỉnh hoạt động biểu diễn, tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về việc triển khai chỉ thị này. Hôm qua, 1/6/2012, Bộ VH, TT & DL tiếp tục tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 65 đến các công ty tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thời trang và các nghệ sỹ... Tất cả các động thái này của Bộ VH, TT & DL đã thể hiện quyết tâm đưa hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang vào khuôn khổ.


Rất nhiều ý kiến đưa ra tại hội nghị đều tập trung “mổ xẻ” những vấn nạn của hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang thời gian qua. Trong đó, có những ý kiến khá xác đáng. Bà Thúy Hằng, đại diện Công ty Elite Việt Nam chia sẻ: Người mẫu chỉ là những manơcanh sống, biểu diễn ý tưởng các nhà thiết kế, chính vì vậy, khi duyệt chương trình biểu diễn thời trang thì phải duyệt ý tưởng nhà thiết kế. Đồng thời, cũng cần xem xét trách nhiệm và việc xử phạt người thiết kế.


NSND Trần Bình cho rằng, không nên đổ hết trách nhiệm cho người mẫu, ca sĩ, nghệ sĩ vi phạm..., mà còn cả những người tổ chức cũng phải chịu trách nhiệm và phải bị phạt. Về vấn đề hát nhép, theo NSND Trần Bình, không thể cấm toàn bộ hát nhép. Những chương trình lớn, có tính truyền bá phổ biến, không bán vé, không kinh doanh mà có tới 2.000 - 3.000 diễn viên, hệ thống âm thanh không đầy đủ, trong khi đó truyền hình trực tiếp lại phải đảm bảo yếu tố đường truyền... có thể cho phép có đường âm thanh thay thế.


Theo NSND Thanh Hoa, nhiều năm nay, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã không có tiếng nói, hoặc chỉ có tiếng nói đối với các đoàn, nhà hát trực thuộc ngành. NSND Thanh Hoa cho rằng, mỗi năm một lần, Cục Nghệ thuật biểu diễn nên tập hợp những ca sĩ tự do để tập huấn cho họ ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, giúp họ nhận rõ vai trò trách nhiệm người nghệ sĩ trong xã hội và phải chặn từ gốc chứ không nên đợi họ làm sai rồi mới phê phán. Đối với vấn đề hát nhép, NSND Thanh Hoa cũng đồng tình với NSND Trần Bình rằng, đối với hát nhép thì trong những chương trình lớn truyền hình trực tiếp thì nên cân nhắc cho phép.


Về phía lãnh đạo các cơ quan chức năng, ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH, TT & DL) cho biết, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; đã xin ý kiến các bộ, ngành và nhận được sự ủng hộ của các thành viên Chính phủ. Trong thời gian sớm nhất, Bộ sẽ thành lập đoàn công tác kiểm tra, thanh tra một số điểm biểu diễn. Trong dự thảo Nghị định, có quy định, hành vi hát nhép bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu, để người biểu diễn ăn mặc phản cảm sẽ phạt 15 - 20 triệu. Bên cạnh việc phạt tiền, sẽ có các hình phạt bổ sung kèm theo là cấm biểu diễn 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc cao hơn nữa tùy theo mức độ vi phạm. Nếu vi phạm nhiều lần thì rút giấy phép.


Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH, TT & DL Hà Nội cho rằng, những đơn vị nghệ thuật, các đoàn nghệ thuật của Hà Nội có kinh nghiệm và thương hiệu gần như không vi phạm, mà vi phạm chủ yếu do các bầu sô. Chính vì vậy, phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc với người vi phạm. Theo ông Long, phạt tiền 15 triệu đồng như đề xuất của Cục Nghệ thuật biểu diễn vẫn rất ít, phải phạt nặng hơn để họ không vi phạm; đồng thời một đơn vị biểu diễn, ca sĩ vi phạm ít nhất phải phạt 6 tháng mới cấp phép trở lại.


Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VH, TT & DL khẳng định, tới đây Bộ sẽ tạo cơ chế phối hợp đa ngành trong quản lý (giữa Bộ VH, TT & DL, Bộ Thông tin Truyền thông) và đặc biệt là với các cơ quan báo chí, truyền hình, các trang mạng để việc đăng tải thông tin về biểu diễn nghệ thuật một cách phù hợp, chuẩn mực. Nếu phát hiện vi phạm, các cơ quan truyền thông cần góp sức phê phán và đưa thông tin với liều lượng phù hợp, nếu không lại vô tình cổ suý cho những vi phạm. Bên cạnh đó, hàng năm Bộ sẽ tổ chức gặp gỡ trao đổi và hướng dẫn các văn bản pháp lý mới đến các ca sĩ, người mẫu, các đơn vị nghệ thuật.


Dự kiến, trong tháng này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quản lý hoạt động biểu diễn. Nghị định ra đời sẽ là khung pháp lý quan trọng để đưa hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang ở Việt Nam vào khuôn khổ và chuyên nghiệp hơn.


Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN