Đưa chèo đến gần hơn với giới trẻ

Không như nhiều bạn trẻ thường hòa mình vào các lớp học nhảy, khiêu vũ hay các môn thể thao sôi động, dịp hè này các bạn yêu nghệ thuật truyền thống sẽ có cơ hội tìm hiểu bộ môn nghệ thuật chèo qua dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” do nhóm dự án National Chèo Ographics tổ chức, dưới sự bảo trợ của “Tôi 20”.

 

“Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương" là dự án dành riêng cho lứa tuổi từ 15- 24 tuổi, sẽ diễn ra trong tháng 7 và tháng 8/2014. Dự án nhằm giúp các bạn trẻ có cơ hội được trải nghiệm, tiếp xúc nhiều hơn với nghệ thuật chèo, phát huy lòng tự hào về nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

 

Các bạn tình nguyện viên dự án Chèo 48h.


Dự án gồm hai hoạt động chính: Thứ nhất là tháng “Chèo khám phá” tại Hà Nội, diễn ra trong tháng 7, với 3 buổi học/tuần. Các bạn trẻ tham gia sẽ được tìm hiểu về chèo, học hát, học diễn. Các buổi học sẽ cung cấp kiến thức cần thiết để nâng cao sự hiểu biết về chèo dân gian thông qua những hoạt động cụ thể như: Giao lưu trực tiếp với các nghệ sĩ chèo, tham quan nhà hát chèo, lên ý tưởng bảo tồn và phát triển chèo và đặc biệt là học hát, học múa các trích đoạn chèo kinh điển và biểu diễn cùng nghệ sĩ trong đêm công diễn “Chèo 48h” sau khi khóa học kết thúc. Thứ hai là tuần “Chèo trải nghiệm”, diễn ra trong tháng 8, với một chuyến đi thực tế khám phá cội nguồn, nét đẹp văn hóa dân gian của chèo trong cuộc sống thường ngày của những người dân tại làng Khuốc, xã Phong Châu, tỉnh Thái Bình.


Lê Thị Cẩm Tú, đại diện dự án chia sẻ: "Tới thời điểm này, dự án đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Ngoài các bạn tình nguyện viên, đã có khoảng 50 bạn đăng ký tham gia khóa học. Đây là một điều rất đáng mừng, vì có một sự thật đáng buồn là lâu nay nhiều bạn trẻ mải miết theo đuổi những trào lưu du nhập từ nước ngoài, mà vô tình quên đi những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Hệ quả là nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có chèo, đang dần mất đi vị thế vốn có và nếu không bảo tồn, chúng sẽ biến mất trong tương lai không xa”.

Mô hình lớp học của “Chèo 48h” là mời các giảng viên đang giảng dạy bộ môn chèo ở các trường chuyên nghiệp để hướng dẫn và đào tạo cho các bạn trẻ những kiến thức cơ bản nhất về nghệ thuật chèo. Hiện nay dự án cũng đã đào tạo được một đội ngũ tình nguyện viên có kiến thức cơ bản nhất về chèo để các bạn có thể sẵn sàng phụ trợ giảng viên và hướng dẫn trong các buổi học.


Giảng viên bộ môn chèo, khoa Kịch hát dân tộc, trường Đại học sân khấu Điện ảnh, Trịnh Thị Thanh Huyền, người phụ trách chính giảng dạy cho dự án, chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ với dự án này vì người thực hiện dự án lại là các bạn còn rất trẻ tuổi. Tôi cũng rất xúc động khi biết chèo đã được đón nhận với một sự quan tâm đặc biệt như vậy?.


Tuy chưa chính thức đào tạo cho các lớp của dự án nhưng qua việc truyền dạy cho các bạn tình nguyện viên, tôi thấy các bạn học rất nhanh, ngoài sức tưởng tượng của tôi. Vì xác định dạy cho các bạn trẻ yêu thích học hát chèo không giống như dạy cho các bạn có đầu vào chuyên nghiệp như ở các trường, nên tôi nghĩ mục đích quan trọng nhất không phải là để cho các bạn có thể hát được hay hát hay chỉ trong một vài buổi học mà hơn cả đó là các bạn hiểu được những cái cơ bản nhất của nghệ thuật chèo, xây dựng tình yêu chèo trong giới trẻ và tình yêu với các bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, điều mà hiện nay đang rất cần”.


Tạ Nguyên

Để giữ lửa cho chèo
Để giữ lửa cho chèo

Liệu chèo có còn giữ được bản sắc hay dần dần phai nhạt, đánh mất đi cái gốc của chèo? Làm sao định hướng để các đoàn chèo không đánh mất cái gốc, mà vẫn phát triển, tạo được sức hấp dẫn cho thương hiệu của mình?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN