Đờn ca tài tử và hành trình đến UNESCO

Ngày mai (31/3), là hạn cuối để gửi hồ sơ đề cử các di sản thế giới đến UNESCO. Năm nay, bên cạnh “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương”, hồ sơ quốc gia nghệ thuật “Đờn ca tài tử” (ĐCTT) do Viện Âm nhạc chủ trì xây dựng sẽ được đệ trình UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, cơ hội cho nghệ thuật ĐCTT là rất lớn.

Bài 1: Nghệ thuật dân dã nhưng rất cao sang

Sự kết hợp giữa dân gian và bác học

ĐCTT là loại hình âm nhạc đặc trưng của Nam bộ, được coi như nhạc “thính phòng” của mảnh đất phương Nam. Nó gắn với đời sống tinh thần phong phú và là một phần không thể thiếu được trong sinh hoạt cộng đồng của người dân Nam bộ.

Sinh hoạt đờn ca tài tử Nam bộ sau những buổi lao động, làm việc mệt nhọc. Ảnh: Duy Khương - TTXVN


Là nhạc “thính phòng”, nhưng người ta lại có thể nghe ĐCTT ở bất cứ đâu, trong bất cứ lúc nào: Một đêm trăng thanh gió mát, những người hàng xóm quây quần quanh chai rượu và mấy miếng khô cá, khô mực; trong dịp cúng tế ở đình, ở miếu, hay ở những đám cưới, hỏi, giỗ chạp, tiệc tùng... Có thể nói, trên vùng đất Nam bộ, nơi đâu có đình, nơi đó có nhạc lễ, nơi đâu có cư dân sinh sống là nơi đó có sinh hoạt ĐCTT. Phải có mặt tại một buổi sinh hoạt ĐCTT mới thấy được sức sống mãnh liệt của nó. Già, trẻ, gái, trai, người lao động, trí thức... tất cả đều xoay quanh tiếng đàn, tiếng hát. Niềm đam mê nghệ thuật đã xóa bỏ tất cả những ranh giới xã hội, gắn kết các thành viên lại với nhau. Tiếng hát mùi mẫn của tuổi già, hứng khởi của tuổi trẻ, có lúc trong sáng, hồn nhiên vui tươi cũng có lúc ai oán, nỉ non nghe não lòng. Ở nông thôn Nam bộ, việc biết ĐCTT như là lẽ đương nhiên. Trên đường đi cày, đi cấy, gặt lúa, nhất là khi chèo xuồng một mình trên sông rộng, hay chống xuồng ba lá thanh thoát giữa rừng rậm U Minh hoặc trong mênh mông Đồng Tháp Mười, không ai giấu nổi tình cảm trắc ẩn riêng tư. Khi con người đối mặt với sự bao la, bát ngát của thiên nhiên Nam bộ, họ bất chợt trở thành người nghệ sỹ, ca lên những tiếng hát của tâm hồn, hòa mình vào muôn trùng sóng nước...

“Từ thuở mang gươm đi mở cõi...”

Theo các nhà nghiên cứu, ĐCTT là sự kết hợp của 2 yếu tố: Dân gian và bác học. Nói là bác học vì khi nghiên cứu những đặc tính âm nhạc của hệ thống bài bản này, thấy có mối liên hệ với nhạc cung đình và ca Huế. Nói là dân gian vì nhạc truyền thống còn được cải cách trên nền nhạc lễ dân gian, dân ca hò lý của miền Trung và Nam bộ. ĐCTT như lời tự tình trong hành trình mang gươm đi mở cõi. Đó là niềm vui của cư dân đi khẩn hoang khi nhìn thấy thành quả lao động nảy nở trên vùng đất mới, nhưng đó còn là nỗi niềm hoài vọng cố hương...

Theo GS. Trần Văn Khê, đến nay vẫn chưa có tài liệu nào khẳng định về niên đại cụ thể của nghệ thuật ĐCTT. Dựa theo các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân thì ĐCTT hình thành vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Lúc này, ở Nam bộ đã hình thành 2 nhóm ca nhạc tài tử và tranh đua với nhau về nghệ thuật, ra sức cải tiến, nâng cao, sáng tác thêm nhiều bài bản mới bổ sung vào. Trưởng nhóm miền Tây là ông Trần Quan Quờn (Ký Quờn). Trưởng nhóm miền Đông là ông Nguyễn Quang Đại (còn gọi là Ba Đợi), là nhạc quan của triều đình Huế, vì không chịu phục vụ giặc, đã bỏ kinh thành vào Nam sau khi hưởng ứng chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi (khoảng thập niên 1870). Ông Ba Đợi trôi dạt đến vùng đất Chợ Đào (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Tại đây, ông thu nhận những học trò máu mê đờn ca để truyền dạy những bài bản cung đình. Nhạc lễ cung đình trang trọng, hoành tráng đã trở nên dân dã, gần gũi trong môi trường của vùng đất mới khẩn hoang. Từ Cần Đước, nhạc tài tử được khơi nguồn từ ông Ba Đợi đã nhanh chóng giao thoa cùng các dòng nhạc lễ khác ở Nam bộ, hình thành nên bộ môn nghệ thuật ĐCTT Nam bộ từng phát triển rực rỡ trong nửa đầu thế kỷ 20.

Mặc dù hình thành muộn hơn so với nghệ thuật tuồng, chèo, quan họ hay ca trù... nhưng nghệ thuật ĐCTT đã chứa đựng đầy đủ và mang đậm các giá trị văn hóa Việt với những đặc trưng đa dạng, độc đáo; vừa mang tính chuyên nghiệp vừa đậm chất dân dã, tài tử.

Đã có rất nhiều người hiểu lầm rằng chữ “tài tử” có nghĩa là không chuyên nghiệp, nhưng theo GS.TS Trần Văn Khê, chữ “tài tử” ở đây có nghĩa là chỉ người có tài, như trong câu “dập dìu tài tử giai nhân” (Truyện Kiều). Chữ “tài tử” còn để chỉ việc không dùng nghệ thuật của mình để làm kế sinh nhai. Song, không phải vì thế mà trình độ của người tài tử lại thấp. Để trở thành người tài tử đúng nghĩa phải trải qua thời gian luyện tập rất công phu, học từ chữ nhấn, chữ chuyền, đến cách “rao” sao cho mùi, “sắp chữ” sao cho đẹp và luôn tạo cho mình một phong cách riêng.

Nghệ thuật ĐCTT không chỉ đa dạng, độc đáo, mà nó còn là loại hình nghệ thuật vừa có giá trị xã hội to lớn, vừa mang giá trị nghệ thuật cao. Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, về mặt xã hội, ĐCTT là hình thức sinh hoạt nghệ thuật truyền thống duy nhất ở Việt Nam được gọi là nghệ thuật giải trí. Vì lối chơi ĐCTT gắn liền với đời sống thường nhật, nó không theo mùa vụ mà diễn ra liên tục theo nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng, của những người chơi tài tử. Vì vậy, đây là hình thức nghệ thuật rất có giá trị trong đời sống thường nhật của người dân Nam bộ nói riêng, người dân Việt Nam nói chung. Ông Loan cho rằng, dù ra đời muộn, nhưng ĐCTT đã bảo đảm toàn bộ những yếu tố truyền thống, yếu tố cổ truyền trong đó, từ lối chơi, cách chơi đến giá trị tư tưởng của các bản nhạc, gắn toàn bộ vào đời sống của cư dân Nam bộ và gắn cả với đời sống của người dân Việt Nam với một sức sống mãnh liệt, vì ĐCTT không chỉ ở 21 tỉnh, thành phía Nam mà nó còn lan tỏa ra tất cả các tỉnh, thành phía Bắc.

Phương Lan

Bài 2: Hành trình của loại hình nghệ thuật độc đáo

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN