Đoàn thể thao Việt Nam sẽ làm được gì ở Indonesia?

Đội tuyển bóng đá nam U23 đã chính thức ra quân, nhiều đoàn khác của thể thao cũng đã lần lượt có mặt tại Indonesia để sẵn sàng tranh tài. Nhân dịp SEA Games 26, TT&VH Cuối tuần giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam ở nhiều sự kiện thể thao lớn trước đây.

Đôi điều về lịch sử

Đại hội thể thao Đông Nam Á - South East Asian Games (SEA Games) là sự kiện thể thao được tổ chức 2 năm/lần ra đời từ năm 1958 theo sáng kiến của ngài Laung Sukhumnaipradit - Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan. Lúc đầu, sự kiện này có tên gọi là Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á (The South East Asian Peninsular Games - SEAP Games). Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) là tổ chức lãnh đạo SEA Games .

Mục đích ngay từ ngày sáng lập tổ chức này rất đúng đắn và sáng sủa: Tăng cường tình hữu nghị, tình đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực ASEAN, thúc đẩy giáo dục thể chất và tinh thần cho thế hệ trẻ thông qua thể thao; tuyên truyền và giáo dục tinh thần tư tưởng của phong trào Olympic cho khu vực Đông Nam Á, không ngừng nâng cao trình độ thể thao khu vực...

Tính đến nay, đã diễn ra 8 lần Đại hội SEAP Games (1959 - 1975) và Thể thao miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa) là thành viên sáng lập và tham gia ngay từ đầu. Năm 1977, thêm Indonesia, Philippines, Brunei tham gia và SEAP Games đổi tên thành SEA Games. Đã có 17 lần đại hội mang tên SEA Games (1977 - 2009). Thể thao Việt Nam thống nhất tham dự SEA Games từ năm 1989, ở Đại hội lần thứ 15 tổ chức tại Malaysia.

Những thành tựu và gam màu sáng tối

Hơn 50 năm tồn tại và phát triển, bức tranh toàn cảnh của thể thao Đông Nam Á có thể khái quát bằng một số nét chính dưới đây.

Phong trào thể thao ngày càng mở rộng và SEA Games là sự kiện lớn nhất khu vực góp phần thúc đẩy tình hữu nghị, tình đoàn kết giữa các quốc gia khu vực. Từ khi sáng lập có 6 quốc gia nay tất cả 11 nước đều tham dự.

Chương trình thi đấu lúc đầu chỉ có 12 môn thể thao (1959) nâng lên 18 môn (1977) rồi đến 34 môn (1979), 43 môn (2007) và năm 2011 ở Indonesia là 44 môn.

Thành tích thể thao khu vực này tuy là “vùng trũng” nhưng cũng đã có những nhà vô địch châu lục, vô địch thế giới và HCV Olympic của một số môn thể thao: boxing, cử tạ, cầu lông, bóng bàn, đua thuyền buồm...


Phải chăng đã đến lúc thể thao Việt Nam cần vươn lên đấu trường châu lục? Ảnh: Ngọc Trường

Trong 25 kỳ (cả SEAP Games và SEA Games) đoàn thể thao Thái Lan 11 lần xếp thứ nhất, Indonesia 9 lần, Myanmar 2 lần còn Việt Nam, Malaysia, Phillippines mỗi đoàn 1 lần.

SEA Games thực sự là ngày hội của tình hữu nghị, thể thao, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên từ SEA Games 19 - Jakarta đến nay thể thao Đông Nam Á đã phát triển theo chiều hướng “giành thành tích cao bằng mọi cách”. Đó là mặt tiêu cực của đại hội này.

Thống kê cho thấy: Cứ quốc gia nào đăng cai thì đoàn thể thao nước ấy giành vị trí thứ nhất: 1997 tại Jakarta, Indonesia nhất với 194 HCV; 2001 tại Kuala Lampur, Malaysia nhất với 111 HCV; 2003 tại Hà Nội, Việt Nam nhất với 158 HCV; 2005 tại Manila, Philippines nhất với 113 HCV; 2007 tại Nakhon Rachasima,

Thái Lan nhất với 183 HCV... Lẽ dĩ nhiên, các quốc gia có nền thể thao yếu kém như Lào, Campuchia, Brunei thì chưa thể tranh chấp vị trí thứ nhất được, dù họ có lợi thế sân nhà đi chăng nữa.

Bệnh “giành chiến thắng bằng mọi cách” được đảm bảo xuất phát từ điều lệ của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) quy định chương trình thi đấu của đại hội như sau: 2 môn nhóm I gồm điền kinh và bơi là bắt buộc; nước chủ nhà được quyền lựa chọn tối thiểu 14 môn trong tổng số 35 môn (chưa được 1/2) thể thao Olympic và ASIAD; nước chủ nhà được quyền lựa chọn tối đa 8 môn/tổng số 15 - 16 môn thể thao được yêu thích và phát triển ở khu vực (thực tế đây là những môn thế mạnh của nước chủ nhà).

Điều lệ này quá lỏng lẻo và tạo điều kiện cho chủ nhà phát huy, lựa chọn thế mạnh và loại bỏ những thế mạnh của đối phương. Hơn thế nữa việc lựa chọn các nội dung thi - đây chính là số bộ huy chương cũng là một quá trình “đấu tranh sinh tử” đàm phán, vận động hành lang theo kiểu “ông chìa chân giò, bà thò chai rượu” nhằm tìm kiếm lợi thế cho mình... Suốt 15 năm qua xu hướng phát triển này là những màn kịch bi hài. Người ta đã hội nghị, bàn thảo nhiều nhưng cho đến nay vẫn không sao khắc phục được.

Công tác trọng tài cũng là yếu tố đầy tiêu cực trong đánh giá thành tích của VĐV. Nhiều bi kịch, bức xúc, phẫn nộ tranh đấu đã diễn ra trong vài SEA Games gần đây vì những biểu hiện tiêu cực, không công bằng của trọng tài. Thậm chí ở SEA Games năm 2005, thủ tướng của một quốc gia đã tuyên bố sẽ rút toàn bộ đoàn thể thao về nước nếu chủ nhà không chấn chỉnh công tác tổ chức, trọng tài.

Thể thao Việt Nam và Top 3

SEA Games 26 năm 2011 sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 22/11/2011 tại hai địa điểm chính ở Indonesia: Jakarta và Palembang.

Số lượng môn thi đấu đạt đến mức kỷ lục: 44 môn với 542 nội dung (tức là 542 bộ huy chương). Theo quyết định mới đây của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, đoàn thể thao Việt Nam sẽ tham gia 38 môn/44 môn thi của đại hội với 857 cán bộ, HLV và VĐV. Đây là số lượng đông nhất từ trước đến nay.

Đoàn thể thao Việt Nam có thể tranh chấp huy chương ở 24 môn thi, 14 môn còn lại Việt Nam chưa có hoặc chưa phát triển. 9 môn/14 môn này do TP.Hồ Chí Minh và một vài đơn vị tự nguyện, tự túc tham gia theo hình thức xã hội hóa (bóng rổ, leo tường, bơi nghệ thuật, bóng chày, trượt patin tốc độ, bowling và dù lượn...).

Mục tiêu và chỉ tiêu của thể thao Việt Nam tại SEA Games 26 là đứng thứ 3 toàn đoàn với tối thiểu 70 HCV. Mới đây mục tiêu được xác định lại là xếp hạng trong tốp đầu khu vực. Thực ra, một kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games 26 đã được Tổng cục Thể dục thể thao, các bộ môn thể thao xây dựng rất tốt, rất cụ thể và chi tiết ngay từ đầu năm 2011. Toàn đoàn thể thao Việt Nam, từ Trưởng đoàn Lâm Quang Thành đến các VĐV, đều làm việc cật lực ngày đêm và quyết tâm hoàn thành mục tiêu kế hoạch.

Thế nhưng có rất nhiều điều kiện đảm bảo cho đoàn đã không được thực thi: Thiếu kinh phí phục vụ chương trình tập huấn thi đấu, thiếu trang thiết bị phục vụ tập luyện và thi đấu; chế độ thuốc men chăm sóc y học, chế độ dinh dưỡng không kịp thời... Về khách quan: Địa điểm thi đấu cách xa trở ngại cho tổ chức chỉ đạo; tình trạng không công bằng khách quan trong công tác trọng tài... đang chờ đón đoàn thể thao Việt Nam. Vì vậy việc điều chỉnh mục tiêu và chỉ tiêu là phù hợp với tình hình thực tế. Cách xử lý này là “thông minh, linh hoạt” trong điều kiện bất khả kháng.

Cũng cần thay đổi một nhận thức: Không nhất thiết cứ phải xếp thứ ba ở SEA Games nếu như thể thao Việt Nam có nhiều VĐV ưu tú tầm châu lục và thế giới như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Phan Hà Thanh, Tiến Minh, Thạch Kim Tuấn... Phải chăng đã đến lúc thể thao Việt Nam cần vươn lên đấu trường châu lục?

Nguyễn Hồng Minh (nguyên Trưởng đoàn TTVN)

Theo thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN