Điều chỉnh tiêu chí xét giải thưởng văn học nghệ thuật

Việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật theo Nghị định số 90/2014/NĐ - CP vừa qua đã bộc lộ những bất cập trong quá trình xét duyệt các giải thưởng.

Nhằm khắc phục những bất cập đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến, góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

Tiêu chí xét giải thưởng văn học nghệ thuật đang có nhiều quan điểm khác nhau.

Sửa đổi tiêu chí về  giải thưởng

Theo báo cáo của Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VHTTDL), sau đợt triển khai Nghị định số 90/2014/NĐ - CP về việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016, hai vấn đề bộc lộ nhiều bất cập nhất trong Nghị định là quy định về tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng và quy định về tỉ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng các cấp.  

Cụ thể, Nghị định số 90/NĐ - CP quy định, để được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, các tác giả phải đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Đã được giải Vàng, giải A hoặc giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn hóa nghệ thuật (VHNT) cấp quốc gia do Bộ VHTTDL tổ chức; hoặc đã được giải thưởng cao nhất (hoặc giải cao - đối với Giải thưởng Nhà nước) của Hội VHNT chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành; hoặc được tặng giải cao nhất (hoặc giải thưởng chính - đối với Giải thưởng Nhà nước) tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT quốc tế. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến đều thống nhất cho rằng, cần phải sửa đổi quy định này, bởi có rất nhiều điểm bất cập và không phù hợp, cần phải sửa đổi. 

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường cho rằng, quy định về huy chương vàng hoặc giải cao nhất đối với nhiều tác phẩm là bất cập. Đơn cử, ngành mỹ thuật 5 năm mới có một lần triển lãm cấp quốc gia, không dễ để có được một huy chương vàng. Có những tác giả chuyên ngành mỹ thuật tượng đài không chấm huy chương... Trong khi đó, ở chuyên ngành sân khấu, các hội diễn sân khấu thường tổ chức định kỳ 2 - 3 năm/lần, mỗi lần hội diễn lại có đến mấy chục huy chương. Vì vậy nếu áp dụng tỉ lệ huy chương, giải thưởng cho tất cả các chuyên ngành là không công bằng. 

Ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam cũng cho rằng, cần xem xét lại tiêu chí về huy chương. Bởi thực tế từ đợt xét tặng giải thưởng vừa qua, các tác phẩm nhiếp ảnh đưa ra đều là những tác phẩm có chất lượng, là những khoảnh khắc lịch sử của dân tộc, nhưng những tác phẩm ấy đều được các nghệ sỹ, nhà báo sáng tác trong thời kỳ chiến tranh, tác nghiệp ngoài mặt trận, nên không thể có điều kiện tự gửi ảnh tham dự bất kỳ cuộc thi nào, mặt khác, các cấp Bộ cũng như cấp Hội chuyên ngành không tổ chức thi/xét tặng/triển lãm... nên không có giải thưởng, không đáp ứng được các tiêu chí về giải thưởng theo tinh thần Nghị định 90/NĐ - CP, như vậy sẽ không công bằng và rất thiệt thòi. 

Đồng quan điểm này, nhạc sỹ Vũ Tự Lân khẳng định, nếu xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước mà căn cứ vào giải thưởng A, B để xét thì đang làm khó nhiều nghệ sỹ. Thực tế, trong lĩnh vực âm nhạc, có nhạc sỹ rất xứng đáng được giải thưởng, nhưng không đủ tiêu chuẩn xét vì không đủ giải thưởng. Có tác giả sống trong thời chống Pháp, để lại nhiều tác phẩm tiêu biểu và xứng đáng, nhưng lại không có các cuộc thi để có giải thưởng... 

Nên hạ tỷ lệ số phiếu

Một bất cập nữa trong Nghị định 90/NĐ - CP là quy định về tỷ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng các cấp. Theo quy định, mỗi tác giả/tác phẩm xét duyệt phải đạt 90% số phiếu thì mới được trình lên cấp cao hơn. Ở các cấp, đều khó đạt tỷ lệ này. Đặc biệt, với Hội đồng cấp Nhà nước, số lượng thành viên lên đến 25 - 29 người, thì việc chỉ 3 thành viên không đồng ý thì hồ sơ đó sẽ vẫn thiếu 0,07% số phiếu theo yêu cầu, và sẽ không đủ điều kiện. Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ này là quá cao và để đạt được tỷ lệ này là quá khó khăn, và cần hạ tỷ lệ xuống khoảng 10 - 15%.

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng, nên để tỷ lệ phiếu bầu 75% là hợp lý.  Về vấn đề này, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam cũng cho rằng, tỷ lệ 90% số phiếu là quá cao, ví như ở cấp Nhà nước, có những trường hợp tỷ lệ phiếu đã đạt tới 89,3% mà vẫn bị loại một cách đáng tiếc. Theo ông Vũ Quốc Khánh, tỷ lệ phiếu bầu hợp lý chỉ nên ở mức 80% đối với Giải thưởng Hồ Chí Minh và 75% đối với Giải thưởng Nhà nước. 

Bên cạnh việc hạ tỷ lệ phiếu bầu, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét đến việc nâng cao chất lượng của Hội đồng cấp Nhà nước. Thực tế hiện nay, 28 thành viên của Hội đồng cấp Nhà nước là tập hợp văn nghệ sĩ từ nhiều chuyên ngành, các nhà quản lý của nhiều bộ, ngành khác nhau, nên khó có thể hiểu cặn kẽ về một chuyên ngành cụ thể. Ví dụ, thành viên về chuyên ngành mỹ thuật, bỏ phiếu cho cả sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, văn học... điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh giá, thẩm định và bỏ phiếu cho các tác phẩm.

Về vấn đề này, ông Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam đề xuất, cần có Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, chứ không phải là Hội đồng cấp Nhà nước chung như hiện nay để trong quá trình đánh giá, thẩm định và bỏ phiếu cho các tác phẩm chính xác, xứng đáng hơn.   Với những bất cập đã được chỉ rõ, với những ý kiến đóng góp tích cực, hợp lý, nhiều nghệ sỹ hy vọng, những sửa đổi này sẽ sớm được hoàn thiện và áp dụng trong đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thường Nhà nước lần tới.

Phương Hà/Báo Tin Tức
Trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Trương Hán Siêu lần thứ V
Trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Trương Hán Siêu lần thứ V

Ngày 9/8, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Trương Hán Siêu lần thứ V (2011 - 2016).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN