Dẹp nạn xâm phạm bản quyền sách - Bài cuối: Quyết “tẩy chay” sách lậu

Mặc dù đã có nhiều văn bản, chính sách, nhưng tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản ở nước ta vẫn diễn ra tràn lan, không kiểm soát được, khiến cho các NXB, các công ty sách nản chí. Làm thế nào để chống lại tình trạng vi phạm bản quyền xuất bản, mang lại công bằng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính là một bài toán khó.

 

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, NXB, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền tác giả hiện nay là do vấn đề lợi nhuận. Mua bản quyền một cuốn sách giá vài nghìn USD, tiền thuê dịch, xin giấy phép, biên tập, in ấn, quảng cáo truyền thông... cũng mất vài chục đến hàng trăm triệu đồng và thời gian phải mất từ 4 đến 6 tháng mới có thể xuất bản ra thị trường. Thế nhưng sách vừa phát hành được vài ngày là sách lậu đã xuất hiện, bởi các cơ sở in lậu chỉ phải làm mỗi một việc là gõ lại, hoặc chụp lại mà không cần phải mất thêm một chi phí nào, trong khi sách lậu bán ra nhiều khi có giá còn cao hơn cả sách thật. Không những thế, nhiều chủ trang web còn nhanh chóng tung nội dung sách lên mạng và người đọc thoải mái tải về miễn phí.

 

Để chống nạn vi phạm quyền tác giả tác phẩm văn học, nghệ thuật cần sự chung tay của cộng đồng. Ảnh: Tạ Nguyên

 


Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân cũng cho rằng, việc bảo vệ bản quyền sách ở Việt Nam vẫn còn yếu kém và chưa được tiếp cận một cách nghiêm túc. Nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh ấn phẩm đã có rất nhiều hành vi vi phạm bản quyền, gây ảnh hưởng tới các tác giả, các NXB và các doanh nghiệp ở Việt Nam. Điều đáng buồn là nhiều độc giả rất thờ ơ, thiếu trách nhiệm với việc bảo vệ bản quyền, khi họ vô tư chấp nhận và sử dụng những sản phẩm vi phạm bản quyền như một lẽ đương nhiên, bình thường trong cuộc sống.


Không chỉ độc giả, mà ngay cả cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cũng không mấy mặn mà với vấn đề này. Ông Phạm Văn Phước, Giám đốc Công ty Sáng tạo Trí Việt - First News cho biết, First News đang khởi kiện cơ sở in Huy Thi đã in lậu hàng chục ngàn bản sách của First News, trị giá lên đến vài trăm triệu đồng, nhưng khi làm đơn khởi kiện, ngay cả thẩm phán còn ngạc nhiên thắc mắc, “sao lại kiện bản quyền nhỉ…”. Thậm chí, khi First News bỏ tiền ra tự tìm kiếm, đã phát hiện ra những cơ sở in lậu, làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra lập biên bản, thì cũng phải chờ đợi hàng tuần mới được giải quyết, đến lúc đó thì mọi chuyện đã được cơ sở in lậu giải quyết xong, chứng cứ cũng đã không còn. Những lúc như vậy, doanh nghiệp cảm thấy rất đơn độc, đuối sức và nản chí.


Trong một cuộc hội thảo về bản quyền mới đây, ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam đánh giá, việc bảo vệ quyền tác giả ở Việt Nam chưa đi vào nề nếp. “Ở Việt Nam, người ta không ăn cắp những cuốn sách cụ thể trong các hiệu sách, mà ăn cắp quyền tác giả, quyền đứng ra sản xuất các ấn phẩm. Điều này dường như đã trở thành một phong trào. Sự xuất hiện tràn lan của những nhà in lậu là một cách ăn cắp quyền tác giả rõ nhất. Nguyên nhân của tình trạng này là do chúng ta nhận thức chưa đúng đắn về tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền tác giả, dẫn đến những hành động nửa vời, không triệt để. Nói cách khác, chúng ta không quy được trách nhiệm cụ thể khi có các vụ việc liên quan xảy ra”, ông Kiểm nhấn mạnh.


Tìm lời giải cho bài toán bản quyền tác giả hiện nay là không đơn giản, khi việc thực thi quyền tác giả vẫn còn nhiều lỗ hổng. TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho rằng, để làm tốt vấn đề bảo vệ bản quyền cho tác giả, cần có bộ máy đánh giá giá trị của từng công trình, tránh trường hợp anh lấy tiền của Nhà nước một cách không hợp lý, không nên đánh đồng sản phẩm có chất lượng với sản phẩm bình thường.


Ông Trần Đoàn Lâm, Giám đốc NXB Thế giới cho rằng, trong Nghị định 131/2013 mới của Chính phủ, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân lớn hơn gấp nhiều lần, đây cũng là một mức phạt răn đe đối với những đối tượng xâm phạm tác quyền. Tuy nhiên, cũng cần phải áp dụng ở nhiều trường hợp cụ thể khác nhau. Theo ông Lâm, để việc thực hiện quyền tác giả có hiệu quả, bên cạnh việc xử phạt hành chính, cần có những chế tài mạnh về pháp lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là phải nâng cao trình độ hiểu biết, ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng bản quyền của người dân. Khi người dân có ý thức và không chấp nhận tiêu thụ sản phẩm ăn cắp bản quyền thì sách giả, sách lậu sẽ không còn đất sống.


Nhóm PV

Dẹp nạn xâm phạm bản quyền sách - Bài 1: Xâm phạm mức báo động
Dẹp nạn xâm phạm bản quyền sách - Bài 1: Xâm phạm mức báo động

Hiện tượng làm sách giả, sách lậu là một vấn nạn của ngành xuất bản Việt Nam, khiến cho các nhà xuất bản, các công ty sách bị thiệt hại nặng nề, nhà quản lý đau đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN