'Đêm trắng cầu Long Biên'

Diễn ra từ 23 giờ đêm 12/4 và kết thúc lúc 6 giờ sáng ngày 13/4, chương trình “Đêm trắng cầu Long Biên” với “sân khấu” là cầu Long Biên, sẽ mở ra một không gian trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật mới mẻ, độc đáo dành cho các bạn trẻ Hà Thành - những người trẻ với mong muốn được thể hiện tiếng nói trân trọng đối với cây cầu lịch sử hàng trăm năm tuổi!


“Đêm trắng sẽ là những đêm “thao thức” của giới trẻ, của cả Thủ đô; đêm của những ngổn ngang thường nhật được gạt sang bên, để tìm về với “con người” Long Biên của một thời lưu dấu Hà Nội vàng son”, đại diện BTC chia sẻ.


“Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi...”


Câu vè xưa về cây cầu Long Biên mà giờ nhiều người Hà Nội vẫn còn thuộc làu, đã thể hiện sự gắn bó của cây cầu với Thủ đô. Nhiều người đã ví cầu Long Biên như một biểu tượng, một phần máu thịt gắn bó của Hà Nội, mà mất đi, Hà Nội sẽ không còn vẹn nguyên là Hà Nội nữa!


 

Cầu Long Biên xưa.

Cầu Long Biên được xây dựng cách đây hơn 100 năm, là cây cầu kim loại đầu tiên vào Việt Nam được Công ty Eiffel danh tiếng của Pháp chọn thầu, thiết kế và thi công. Cả trăm năm, Long Biên gắn liền với Hà Nội như một người canh gác, cho một thời vàng son, cho quá khứ chiến tranh ngập trong bom đạn, cho những nhọc nhằn mưu sinh cuộc sống và canh gác cho cả tâm hồn Hà Nội đang cất cánh bay lên... Thời chiến, hình ảnh cầu Long Biên là hình ảnh của sự oai hùng, kiên cường và bất khuất ăn sâu trong tâm thức ý chí Việt. Tới thời bình, cây cầu hiện lên với vẻ đẹp hoài cổ, vẻ đẹp của những giá trị lịch sử, văn hóa đáng trân trọng.


Giá trị là thế, máu thịt là thế, vậy nhưng cây cầu ấy đang dần bị lãng quên. “Còn mấy ai nhớ về và hiểu được một thời quá khứ vàng son nơi những giá trị của cây cầu gắn liền với giá trị của một Hà Nội mộng mơ, Hà Nội máu lửa, Hà Nội của những con cháu Lạc Rồng? Có hay không vẻ đẹp của cây cầu lịch sử trong tiềm thức của người trẻ? Có hay không tinh thần bảo vệ và gìn giữ cầu Long Biên xuất phát từ trái tim yêu thương trân trọng? Vì chúng ta không chịu thấu hiểu lịch sử, vì chúng ta lỡ lãng quên nguồn cội, hay bởi cuộc sống hiện đại đang vô hình lấp đi những giá trị vô giá vốn đứng vững hàng trăm năm?”, đại diện BTC chia sẻ.


Và vì những câu hỏi đầy trăn trở ấy, nhóm “Tôi xê dịch” cùng nhóm các bạn trẻ thuộc CLB Kiến trúc Đại học Phương Đông, “6+”, “Du ca đường phố”... đã quyết định tổ chức chương trình “Đêm trắng cầu Long Biên”. Chương trình sẽ diễn ra 6 tháng liên tục, từ nay đến tháng 10, mỗi tháng là một đêm trắng với những chủ đề khác nhau: “Ký ức”, “Tình yêu”, “Máu và hoa”, “Hy vọng”, “Long Biên - phải sống!”... để tiến tới Festival Cầu Long Biên, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 10, như một điểm hội tụ chào mừng tuổi thứ 112 của cây cầu.


Chương trình “Đêm trắng cầu Long Biên 01” với chủ đề “Ký ức” sẽ là một buổi trải nghiệm thú vị trên cầu Long Biên, nơi giới trẻ cùng nhau bước chân qua những nhịp cầu, lần sờ vào những nhịp cầu, thanh dầm, mảng đinh tán, cùng soi đèn đi tìm những hồi ức về một quá khứ Long Biên xưa và mở ra những kí ức mới trên cây cầu này. Trong không gian nghệ thuật, âm nhạc đầy tính gợi với những bài hát Hà Nội phát ra từ góc loa măng xông, với ánh đèn leo lắt hắt sáng những góc du ca, kể chuyện, những chiếu triển lãm cùng các hoạt động văn hóa - nghệ thuật độc đáo, các bạn trẻ sẽ “thấy, hiểu và cảm được” sâu hơn, gần hơn hình tượng “con người Long Biên” cùng những kí ức sống động một thời.


Và đó sẽ là một đêm Hà Nội không ngủ!

 

D.H

Ứng xử với “di sản” cầu Long Biên
Ứng xử với “di sản” cầu Long Biên

Việc bảo tồn cầu Long Biên theo tôi phải tính đến cả bài toán giao thông để khi bảo tồn xong, cầu Long Biên vẫn phải đóng góp được cho sự phát triển của xã hội như giá trị lâu nay của cầu, tức là vẫn có mục đích sử dụng, chứ không phải trở thành di sản rồi lại như đống sắt để đấy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN