Để tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài thật sự hiệu quả - Bài cuối

Trên thực tế, việc tổ chức những ngày văn hóa Việt Nam tại nước ngoài không cần học đâu xa. Có thể học ngay những nước tổ chức ngày văn hóa tại Việt Nam. Có những chương trình chỉ cần 4 nghệ sĩ tham gia, với sự hỗ trợ của đại sứ quán tại Việt Nam hoặc các tổ chức hữu nghị; nhưng vẫn hiệu quả và thu hút đông đảo công chúng.

CẦN TÍNH ĐẾN HIỆU QUẢ

Sự đầu tư cho các hoạt động tuần văn hóa thật sự rất công phu, hướng tới mục tiêu giúp các nước bạn “có thể hiểu biết nhiều hơn về nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc cùng những tiềm năng du lịch to lớn của Việt Nam”.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo đánh giá của những người tham gia những ngày văn hóa này, thì hiệu quả lại không được như mong đợi, đầu tư quá lớn, mà thu lại không cao.

Là một người đã tham gia nhiều chương trình ngày văn hóa, ông L.Q.Đ, một lãnh đạo Công ty du lịch chia sẻ: “Tôi đã từng dự các hoạt động này tại Nhật và Hàn Quốc. Đánh giá chung là hoạt động chỉ mang tính giới thiệu, khơi gợi về hình ảnh du lịch Việt Nam, có thể tạo sự tò mò cho du khách muốn tìm hiểu thêm thông tin nếu có nhu cầu đi du lịch, còn có hiệu quả trong việc xúc tiến du lịch không thì theo tôi là chưa, bởi sự tiếp xúc, giao lưu giữa doanh nghiệp Việt Nam và khách hàng, cũng như với doanh nghiệp các nước sở tại hầu như không có. Chúng ta có thể học tập cách làm của tuần lễ văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam. Tại sự kiện này, đích thân lãnh đạo Văn phòng đại diện Hàn Quốc tại Việt Nam đã tới tiếp xúc, thậm chí gặp từng doanh nghiệp du lịch để hỏi xem khi triển khai có vướng mắc gì, có cần hỗ trợ tháo gỡ gì. Việt Nam cũng cần làm được như vậy”.

Bún chả “Obama” đã trở thành điểm đến sau khi được báo giới, truyền hình nước ngoài đưa tin.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Bắc, giám đốc Phuc Group Travel cho biết: “Cách đây 2 năm, tôi có tham dự tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Malaysia, nhưng thực sự thấy không hiệu quả. Hoạt động chỉ mang tính chất "đánh bóng" cho hình ảnh điểm đến, còn với hoạt động du lịch cụ thể thì khó vì không có tính "tương tác" giữa các doanh nghiệp để trao đổi thông tin cụ thể về nhu cầu, khả năng kết nối tour... Do đó, sau này tôi ít tham gia sự kiện kiểu tuần văn hóa mà tham dự cụ thể các đoàn famtrip (đoàn khảo sát) sẽ thực tiễn hơn với doanh nghiệp du lịch”.

Cũng từng tham dự một tuần lễ văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, một đại diện Công ty kinh doanh sản phẩm văn hóa cho biết: Sự kiện tổ chức cồng kềnh, số lượng người từ Việt Nam sang cũng tới hơn 70 người là quá lớn, trong khi không thật sự hiệu quả. Sự kiện chỉ thu hút được đông đảo người tham gia trong ngày đầu tiên khai mạc, sau đó thì hầu như ít người tham dự, gần như chỉ còn “ta với ta” cho tới khi bế mạc. “Cũng không khó hiểu vì sao ít thu hút, do cách làm của chúng ta rất thiếu sáng tạo, đến thời điểm này rồi vẫn là áo dài, nón lá mang sang quảng bá. Các gian hàng giới thiệu thì chủ yếu là hình ảnh, poster lèo tèo, thiếu những hình thức trình diễn, giới thiệu sinh động, hấp dẫn. Những sản phẩm mang sang trưng bày cũng chỉ ở góc độ bày bán, không có sự giới thiệu, quảng bá để hấp dẫn với du khách, người dân nước sở tại”, đại diện này cho biết.

Cũng theo những đại diện doanh nghiệp này, chính vì những lý do nêu trên, nên các doanh nghiệp thường chỉ tham gia 1-2 chương trình, rồi đều tìm phương án quảng bá, giao lưu khác, do không thấy hiệu quả mang lại. Và như vậy thì mục đích quảng bá, giao lưu, giới thiệu đất nước, con người của các sự kiện cũng đâu có đạt được như BTC đặt ra.

“Còn nếu xét ở góc độ quảng bá văn hóa, thì cũng chia sẻ thật là chúng ta vẫn chưa chọn được cái độc và lạ trong văn hóa để giới thiệu; vẫn chỉ các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trình diễn áo dài, giới thiệu tranh sơn mài, tranh lụa… lặp đi lặp lại như thế nên khó hấp dẫn người xem. Đơn cử như những lễ hội văn hóa của chúng ta tại Nhật Bản, năm nào lễ khai mạc cũng gần như lặp lại, rồi cũng gian hàng, cũng ca nhạc, cũng trình diễn áo dài… nên rất ít người quan tâm. Cần phải chọn được những gì tinh túy của văn hóa Việt Nam, đồng thời lại phải chọn những loại hình văn hóa có tính giao thoa, phù hợp với văn hóa các nước bản địa để giới thiệu, có như vậy mới thu hút được khách tham gia các hoạt động trong ngày văn hóa Việt Nam, chứ nếu cứ duy trì như hiện nay, lại đàn bầu, sáo nhị thì quá nhàm chán”, một đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Trên thực tế, việc tổ chức những ngày văn hóa Việt Nam tại nước ngoài không cần học đâu xa. Có thể học ngay những nước tổ chức ngày văn hóa tại Việt Nam. Có những chương trình chỉ cần 4 nghệ sĩ tham gia, với sự hỗ trợ của đại sứ quán tại Việt Nam hoặc các tổ chức hữu nghị; nhưng vẫn hiệu quả và thu hút đông đảo công chúng; không cần tới con số đông vài chục người như chúng ta vẫn huy động. Bên cạnh đó, mỗi sự kiện của ngày văn hóa của các nước đều có sự đầu tư, hướng tới những mục tiêu giao lưu, hợp tác rất cụ thể, mang tới những hình thức văn hóa đặc sắc nhất, thậm chí là được thế giới công nhận… để quảng bá. Cách làm như vậy, mới thật sự thiết thực, ít tốn kém.

Cùng với đó, có một hình thức Việt Nam giao lưu, quảng bá mà Việt Nam có thể lựa chọn; đó là mời các đoàn phóng viên nước ngoài, các nghệ sĩ nước ngoài tới tham quan Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để họ có thể trực tiếp và tận mắt được chứng kiến cuộc sống, con người, thiên nhiên, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam; để có thể có những bài viết sinh động, hấp dẫn giới thiệu về Việt Nam. Cách làm này, thật sự rất hiệu quả, bằng chứng là chỉ 1 bữa trưa của Tổng thống Obama tại bún chả Hương Liên (Hà Nội), được 1 kênh truyền hình Mỹ đưa lên, mà giờ đây cả thế giới đã biết tới một món ẩm thực độc đáo của Việt Nam và hằng ngày, rất nhiều người nước ngoài đi du lịch, xếp hàng trước cửa hàng bún chả, chỉ để thử một suất bún chả Obama. Đó cũng là một cách làm của quảng bá, xúc tiến hiệu quả.

Việc tổ chức “Những ngày văn hóa Việt Nam tại nước ngoài” được căn cứ theo Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16/7/2013 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Căn cứ Quy chế hoạt động đối ngoại của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ban hành kèm theo Quyết định số 83/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2008 và Quyết định số 1973/QĐ-BVHTTDL ngày 24/5/2013 về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động đối ngoại của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.


PV
Để tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài thật sự hiệu quả - Bài 1
Để tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài thật sự hiệu quả - Bài 1

Mỗi năm, Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đều phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao tổ chức những ngày văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Các hoạt động này nằm trong chủ trương đúng đắn của Nhà nước, nhằm quảng bá những nét văn hóa đặc sắc, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới; góp phần tăng cường hợp tác, giao lưu giữa Việt Nam và các nước trong lĩnh vực văn hóa... Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn những vấn đề tồn tại, khiến cho nhiều tuần văn hóa chưa thật sự hiệu quả như mong muốn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN