Để tiếng chiêng mãi ngân vang

Để loại hình văn hóa cồng chiêng được bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị, ngoài sự nỗ lực của mỗi cá nhân, cộng đồng dân cư, vai trò của chính quyền các cấp cũng rất quan trọng trong việc tạo các cơ chế, chính sách và phong trào triển khai trên diện rộng.

Hiệu quả từ những chính sách kịp thời

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các loại hình văn nghệ quần chúng của đồng bào dân tộc thiểu số tại Hà Nội nói chung cũng như văn hóa cồng chiêng người Mường nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Năm 2016 là năm thứ 5 Hà Nội triển khai Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch 166/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi”, kết hợp với Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, nghệ thuật truyền thống đã được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị.

Không chỉ đánh chiêng, những nghệ nhân Mường còn sáng tạo ra các bài múa chiêng đặc sắc. Ảnh: Mai Linh

Hiện nay, tại các huyện tập trung đông đồng bào Mường sinh sống như Thạch Thất, Ba Vì, Mỹ Đức, nghệ thuật cồng chiêng đã bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho bà con giao lưu, học hỏi. Tính đến hết năm 2015, toàn bộ 35 thôn, bản của các xã miền núi huyện Thạch Thất đều đã có đội cồng chiêng. 7 xã miền núi huyện Ba Vì cũng đang tích cực xây dựng đội tại tất cả các thôn, bản người Mường và thường xuyên tổ chức hát múa dân gian trong những ngày lễ truyền thống.

Bà Hoàng Thị Khiêm, Chủ nhiệm câu lạc bộ cồng chiêng thôn Dân Lập, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, chia sẻ: Việc thành lập đội cồng chiêng tại mỗi thôn, bản là một cách làm đúng đắn, kịp thời để bảo tồn, phát huy văn hóa người Mường, giới thiệu nghệ thuật cồng chiêng của người Mường với các dân tộc anh em. Đây cũng là điều kiện để đồng bào Mường được tìm hiểu cặn kẽ về gốc gác, lịch sử cha ông mình, được giao lưu học hỏi với đồng bào Mường khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc.

Nhằm giúp đồng bào truyền giữ các giá trị văn hóa, Phòng Dân tộc các huyện cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, hát ví; tổ chức đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Hòa Bình. Nhờ đó, chỉ sau 4 năm thực hiện, một số đội cồng chiêng tại Hà Nội đã bắt đầu được tham gia biểu diễn trong những hội diễn lớn.

Năm 2009, tỉnh Gia Lai tổ chức Festival cồng chiêng quốc tế lần thứ nhất, lễ hội quy mô lớn này có sự góp mặt của đội cồng chiêng xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất). Năm 2014, đội cũng đã phối hợp với Hội nghệ sĩ múa Hà Nội biểu diễn múa cổ quy mô lớn tại vườn hoa Lý Thái Tổ, thành phố Hà Nội. Gần đây nhất, đội cồng chiêng thôn Dân Lập, xã Yên Bình, đã tham gia vào ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” tại Sơn Tây với đông đảo du khách tham quan. Không chỉ có những ngày hội lớn, đội cồng chiêng mỗi thôn, xã đều có cơ hội được biểu diễn tại nhiều nơi ngay trong địa bàn thành phố. Mỗi buổi diễn là cơ hội để bà con thể hiện, giới thiệu những nét đẹp của cồng chiêng Mường; là dịp giao lưu, học hỏi với các địa phương khác.

Cần quan tâm hơn nữa

Xét cho cùng, văn hóa cồng chiêng người Mường vẫn là một loại hình nghệ thuật dân gian, nhưng những người thực sự hiểu và hiểu cặn kẽ về cồng chiêng Mường, có thể truyền dạy lại cho người khác hiện không nhiều. Chính vì thế, nghệ thuật cồng chiêng Mường rất dễ bị mai một. Do đó, vấn đề đào tạo chuyên sâu, xây dựng các tài liệu nghiên cứu cụ thể, bài bản chính là nhiệm vụ cần thực hiện gấp để gìn giữ, bảo tồn và làm sáng hơn nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Mường.

Bày tỏ về những khó khăn trong quá trình xây dựng đội cồng chiêng, ông Lê Tất Cận, Trưởng thôn Bặn, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì cho biết, xã Vân Hòa có 8/10 thôn có đội cồng chiêng, trong đó thôn Bặn là thôn thứ 8. Hầu hết thành viên trong đội đều là nông dân, quanh năm bận việc đồng áng nên gặp trở ngại trong việc bố trí thời gian luyện tập, họ thường phải học đánh chiêng vào buổi tối. Đặc biệt, việc đóng góp kinh phí mua chiêng và trang phục truyền thống với váy dài, áo trắng, vòng bạc, khăn tay... còn gặp khó khăn. Hiện tại, mỗi đội cồng chiêng tổ chức ra, sống được và phát triển được chủ yếu dựa vào tinh thần tự giác và tình yêu của bà con đối với một sản phẩm tinh thần truyền thống của dân tộc mình.

Không ai có thể phủ nhận giá trị lịch sử, văn hóa của nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Mường. Tuy nhiên, hành trình để mang cồng chiêng Mường trở lại nguyên bản còn gian nan và nhiều thử thách. Chính vì thế, rất cần sự quan tâm sát sao, hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần nhiều hơn nữa từ các cấp, ngành và sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia văn hóa để loại hình nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu này được tỏa sáng và trường tồn.
Mai Linh - Văn Cảnh
Nghệ thuật cồng chiêng người Mường ở Hà Nội - Bài 1
Nghệ thuật cồng chiêng người Mường ở Hà Nội - Bài 1

Nghệ thuật cồng chiêng của người Mường là một nét văn hóa đặc sắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN