Đầu năm nghe kèn lá đón mừng Xuân

Giữa tiết trời se lạnh của mùa xuân, chúng tôi có dịp về với miền biên giới huyện Đức Cơ (Gia Lai) và được thưởng thức những điệu kèn lá réo rắt của những nghệ nhân không chuyên. Tiếng kèn lá như len trong không gian, réo rắt chào đón mùa Xuân mới.

Tiếng kèn lá réo rắt mang đến không khí vui tươi trong ngày đầu năm mới. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam.


Từ lâu, người phụ nữ Mông ở vùng núi phía Bắc đã sử dụng tiếng kèn lá để nhắn gửi tâm tình, bày tỏ nỗi lòng hoặc giải khuây sau những giờ phút lao động mệt nhọc trên nương rẫy. Đối với người dân ở Gia Lai cũng vậy, những thanh âm trong vắt, réo rắt vút ra từ những chiếc lá nằm trên đôi môi của những nghệ nhân cũng xua tan bao nỗi mệt nhọc sau những lúc lên rẫy; là điệu kèn góp vui trong những lễ hội của buôn làng…


Anh Rơ Châm Chiến cho biết: Kèn lá là một loại hình nghệ thuật chỉ có ở vùng núi phía Bắc, ở Gia Lai có rất ít người biết thổi kèn lá bởi học được kèn lá rất khó. Mình đây cũng phải học đến khoảng 6-7 năm mới thổi được thành thạo như ngày hôm nay. Giờ mọi cuộc vui hay lễ hội trong làng, tiết mục kèn lá của mình luôn có mặt. Bên cạnh đó, nghệ thuật thổi kèn lá còn đưa anh đi rong ruổi lên tận trên tỉnh dự thi trong các hội thi văn nghệ và đều đạt giải cao.


Thế nhưng, nếu nhắc đến người thổi kèn lá tài ba nhất vùng biên giới phải kể đến ông Rah Lan Đệ (58 tuổi). Sinh ra và lớn lên tại vùng rừng núi biên giới này, ông Đệ đã sớm biết đến kèn lá từ ngày còn nhỏ qua những lần theo người lớn vào rừng tìm thú. Ngày còn làm trong Công an huyện, tài nghệ thổi kèn lá của ông đã vang xa khi ông liên tục được mời tham gia biểu diễn không chỉ trong tỉnh mà còn ở khắp các tỉnh, thành như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang,… và ông đạt nhiều giải vàng. Đặt chiếc lá lên môi, ông Đệ nhẹ nhàng cất lên nhạc điệu vui tươi, lảnh lót của bài hát Cô gái vót chông. Có lẽ, dù kèn lá không hề lạ nhưng sự đơn giản, độc đáo của loại nhạc cụ thiên nhiên này đã hút hồn người nghe và ban giám khảo.


Kèn lá mới nhìn tưởng đơn giản, thế nhưng để thổi trọn vẹn một điệu nhạc thì khâu chọn lá đóng vai trò quan trọng nhất. “Chiếc lá phải mềm, vuông, đều và đặc biệt là phải nhẵn mới cho âm thanh tốt nhất. Riêng tôi thì tôi thích lá nhãn nhất”-anh Chiến chia sẻ. Tiếp đến là cách thổi. Không phải cứ đặt lá lên môi là thổi được ngay. Anh Chiến cầm chiếc lá trên tay, lần lượt chỉ cho chúng tôi: “Phải gấp cong cong mép lá, đặt lên môi, dùng hơi bụng để thổi, lưỡi đẩy lên đẩy xuống tạo độ rung và âm điệu. Hồi mình mới tập, nhiều lần môi tứa cả máu, rất đau. Dần dần mình biết điều chỉnh hơi và thổi thành thạo”.


Điều đặc biệt là kèn lá không tạo được âm điệu trầm, thấp, âm thanh của nó bao giờ cũng lảnh lót và cao vút. Chính vì thế, kèn lá thường được sử dụng trong những dịp vui như cưới hỏi, các lễ hội như mừng lúa mới, mừng nhà mới, trong ngày tết hoặc trong các bữa “trà dư tửu hậu”. Đặc biệt trong những ngày tết, tiếng khèn lá lảnh lót vút lên khi là điệu nhạc, khi lại giống tiếng chim muông đang ríu rít gọi bầy, nhảy nhót trên cành khiến không gian như tràn ngập không khí của xuân mới.


Trong tiết trời se lạnh của Tây Nguyên những ngày đầu năm mới 2014, được ngồi nghe theo từng thanh âm của bài dân ca Jrai, rồi Bahnar cao vút lên tận không trung như cảm nhận được nét hồn hậu, đơn sơ mộc mạc của đồng bào dân tộc. Tiếng kèn lá réo rắt mang đến cho năm mới một không khí tươi vui, an lành và hạnh phúc.


Quang Thái

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN