Đạo lý, truyền thống thờ cúng các vua Hùng

Sau 3 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Không gian thờ tự và diễn xướng được mở rộng

Từ bao đời nay, Tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu với công đức của Tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 326 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Có thể nói, Tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng được phủ rộng với mật độ dày đặc ở tất cả các làng xã, song Đền Hùng là trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam. Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ riêng ở tỉnh Phú Thọ mà trải khắp đất nước Việt Nam với 1.417 di tích thờ cúng trong cả nước. Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài xác định "con cháu ở đâu thì tổ tiên ông bà ở đó" nên cũng thờ cúng vua Hùng.

Thi gói bánh chưng ở lễ hội Đền Hùng.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng góp phần củng cố thêm niềm tin, niềm tự hào và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên theo thống kê của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại hơn 100 làng có tín ngưỡng gắn với việc thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, hiện có khoảng 50% số di tích được phục dựng (từ sau 1990), 10% di tích được tu bổ, 20% di tích đã xuống cấp, có nguy cơ trở thành phế tích và 20% di tích đã hoàn toàn trở thành phế tích hoặc biến dạng…

Để bảo tồn và mở rộng không gian thờ tự và diễn xướng, tỉnh Phú Thọ đã đầu tư khôi phục và xây dựng mới nhiều không gian thờ tự; phục hồi nhiều tập tục thờ cúng, lễ hội, diễn xướng dân gian. Đặc biệt tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng, nơi thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất cả nước, tỉnh Phú Thọ đã huy động nguồn kinh phí lớn trên 700 tỷ đồng đầu tư xây dựng, tu bổ nhiều công trình đền, đài, lăng tẩm khang trang, trên cơ sở giữ nguyên các giá trị của di tích gốc nhằm bảo tồn, giữ gìn "không gian thiêng". Dự kiến từ nay đến năm 2030 tỉnh sẽ huy động khoảng 4.500 tỷ đồng tiếp tục đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Phấn đấu xây dựng Khu di tích xứng tầm là di tích Quốc gia đặc biệt, quan trọng bậc nhất nước ta, đưa Khu di tích lịch sử Đền Hùng thành một điểm du lịch hấp dẫn, thành phần quan trọng nhất của thành phố Việt Trì - thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Nghi thức giã bánh giầy trong Tín ngưỡng thờ Hùng Vương.

Bên cạnh đó, nhiều di tích Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là ở các làng xã vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng cũng được tỉnh đầu tư khôi phục xây dựng, tu bổ, như: Đình Cả (thị trấn Hùng Sơn - huyện Lâm Thao; Đình Đông (thị trấn Hùng Sơn - huyện Lâm Thao); đình Cả (xã Tiên Kiên - huyện Lâm Thao); đình Hữu Bổ Thượng (xã Kinh Kệ - huyện Lâm Thao) thờ các vua Hùng… Chỉ trong 2 năm 2013 - 2014, nguồn ngân sách từ chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa và ngân sách của tỉnh và của các cấp chính quyền địa phương đã đầu tư trên 8 tỷ đồng để tu bổ 15 di tích liên quan đến không gian Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh đang tiếp tục đầu tư, tôn tạo, tu bổ các nơi thờ tự vua Hùng, vợ con các vua Hùng và tướng lĩnh thời Hùng Vương.

Trao truyền cho các thế hệ mai sau

Theo dự báo đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ chịu nhiều tác động của nền kinh tế thị trường và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự thay đổi dân số, những biến đổi của các vấn đề văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, nhiều không gian thờ cúng Hùng Vương bị phá hủy và chưa phục hồi, nhiều lễ hội, diễn xướng dân gian, lễ nghi liên quan đến thờ cúng Hùng Vương đã bị mai một...

Trước thực tế trên, tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ mang tính lâu dài. Trong đó, tập trung vào các giải pháp như nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, chủ thể văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy giá trị to lớn, độc đáo của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; đưa giáo dục di sản vào chương trình trong các trường học cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở các làng quê; bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở đền thờ vua Hùng ở các làng thuộc tỉnh Phú Thọ; tổ chức các nhóm truyền dạy, nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; gắn di sản với các tour, tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ Hùng Vương và các Di tích lịch sử thờ vua Hùng trong cả nước…

Theo bà Tạ Thị Kim Nhung, Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, trong 3 năm qua ban quản lý đã xây dựng 1 ngân hàng dữ liệu về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; thường xuyên cập nhật để lưu trữ các thông tin được sưu tầm, nghiên cứu thông qua những cuộc khảo sát đã bổ sung nhiều tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Bên cạnh đó tổ chức trưng bày chuyên đề về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Bảo tàng Hùng Vương phục vụ đông đảo đồng bào về thăm viếng Di tích. Hàng năm Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng phối hợp với chính quyền địa phương các xã vùng ven di tích tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn nghi thức hành lễ cho các ông trong hội người cao tuổi để làm ông Từ tại các đền trên Di tích lịch sử Đền Hùng và ở các đền thờ Hùng Vương tại địa phương; củng cố và thành lập các ban quản lý di tích tại các địa phương có di tích thờ Hùng Vương và vợ, con, tướng lĩnh.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh cũng phối hợp với Viện nghiên cứu Hán nôm điều tra, nghiên cứu nguồn thư tịch Hán Nôm như: Sắc phong, ngọc phả, thần tích, văn bia... tại các di tích thờ Hùng Vương, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn 10 tỉnh, thành phía bắc. Đã nghiên cứu, sưu tầm lập thư mục thống kê và phiên âm, dịch nghĩa được 410 bản thần tích liên quan đến Hùng Vương và vợ, con, tướng lĩnh các vua Hùng hiện nay đang lưu giữ ở các viện nghiên cứu và Trung tâm lưu trữ quốc gia. Người dân ở địa phương có đền thờ Hùng Vương cũng tự nguyện tổ chức hoạt động tế lễ, rước kiệu về Đền Hùng, chuẩn bị các lễ vật từ đặc sản của địa phương để dâng cúng Vua Hùng, tham gia các hoạt động văn hóa dân gian như: Đánh trống đồng, thi chọi gà, thi nấu cơm, đấu vật, đu quay, bơi chải, bắn nỏ…

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Thời gian tới, tỉnh tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để bảo vệ các tập quán xã hội, nghi lễ và các thiết chế văn hóa tín ngưỡng liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động du lịch về cội nguồn đến Đền Hùng và các nơi thờ cúng Hùng Vương…

Lâm Đào An
Truyền đời giọng hát từ thuở Vua Hùng
Truyền đời giọng hát từ thuở Vua Hùng

Tỉnh Phú Thọ đang nỗ lực phục hồi, bảo tồn, truyền dạy hát xoan, kết hợp với thực hành, tạo sức lan truyền sâu rộng trong đời sống xã hội. Mục tiêu đến năm 2015, đưa hát xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN