Dành cả đời viết tâm pháp

Tại Triển lãm Liên hoan thư pháp chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội tại Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (diễn ra từ 4 - 14/10/2010), lần đầu tiên, du khách được biết đến một loại hình nghệ thuật thư pháp độc đáo, đó là tâm pháp. Những tác phẩm tranh chữ trông như những bức tranh thủy mặc ấy là tâm huyết cả đời của nhà tâm pháp Bùi Quang Vinh.


Từ những nguyên liệu mộc mạc

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê có thắng cảnh chùa Hương, những người thân trong gia đình mất sớm, còn lại một mình, ông Bùi Quang Vinh đã tự nguyện vào động Cam Lồ (động cao nhất của khu thắng cảnh chùa Hương) để tu thân và luyện bút. Gần 40 năm khổ luyện, bao nhiêu tâm huyết và tâm nguyện của ông với cuộc sống ông dồn cả vào những nét chữ, để rồi, những nét chữ ông viết trở thành tâm pháp, là những nét chữ viết từ tâm mà ra. Mỗi một bức tâm pháp của ông mang theo đó cả hồn trời, đất, mang theo cả chim muông, cỏ cây, hoa lá và chúng sinh vào đó.


Nhà tâm pháp Bùi Quang Vinh bên những tác phẩm của mình.


Nhìn những bức tâm pháp như những bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp ấy, ít ai ngờ được những nét chữ rồng bay phượng múa ấy được tạo nên từ những nguyên liệu hết sức vô cùng đặc biệt và chỉ mình ông có. Điều đặc biệt đầu tiên là ở những chiếc bút do ông tự chế bằng xơ dừa. Để có được một chiếc bút lông như ý, ông lựa chọn những quả dừa xanh, tước bỏ lớp vỏ bên ngoài, lấy những sợi xơ dừa bên trong ngâm với cồn, tẩm ướp, phơi, sấy theo cách riêng của mình, rồi tết lại thành những chiếc bút trông như những chiếc lược với nhiều kích cỡ khác nhau. Giấy viết làm từ giấy trắng bình thường, trải qua công đoạn ngâm, tẩm một số hóa chất để tạo thành một loại giấy nến đặc biệt. Ngay cả mực để viết cũng là do ông dùng cỏ, cây cùng với những nguyên liệu tự nhiên xung quanh, rồi pha chế theo công thức riêng để tạo nên một loại mực với màu mực độc đáo, trong mực có cả những hạt óng ánh như ngọc trai, tạo nên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo cho những tác phẩm của ông, đặc biệt khi xem lúc trời tối. Ông Vinh tự tin nói: “Loại mực và giấy trong những bức tâm pháp của tôi không làm giả được, không sao chép được, ngay cả đưa vào in cũng không nguyên vẹn. Chính vì vậy mà những bức tâm pháp này hoàn toàn không sợ bị làm giả”.


Một đời vì tâm pháp

Mỗi bức tâm pháp của ông đều khiến người xem cảm nhận được tâm huyết của tác giả qua từng nét chữ, từng bức tranh. Với bức tâm pháp mang tên “Hồn thiêng sông nước”, người xem thấy ẩn trong đó hình ảnh của non xanh nước biếc, của những người anh hùng dân tộc... Ở các tác phẩm khác, tuy mỗi chữ đều mang những ý nghĩa khác nhau, nhưng càng nhìn càng thấy phong phú, càng nhìn càng hấp dẫn. Ở từng bức tranh, người xem đều thấy được hình ảnh của chim muông, cỏ cây, hoa lá, muôn loài đều ẩn hiện dần dần qua những nét chữ đậm, nhạt trong các tác phẩm của ông, đồng thời cảm nhận vẻ đẹp của đất nước Việt Nam, cảm nhận được tình người, tình yêu thương và tình đạo lý ẩn sâu bên trong - đó chính là nét độc đáo nhất trong các tác phẩm của nhà tâm pháp Bùi Quang Vinh.

Ông Bùi Quang Vinh tâm sự: “Tôi đã đi nhiều nước nhưng chưa thấy nơi nào trên thế giới có nghệ thuật tâm pháp. Khi tôi đến một số nước như Ấn Độ, Thái Lan... và tặng họ những bức tâm pháp do chính tay tôi viết, nhiều người đã hỏi tôi học môn nghệ thuật này ở đâu? Ai dạy mà viết đẹp thế? Tôi trả lời: Tâm pháp là tự tâm mà ra, do con người tự học mà thành tài chứ không thể truyền dạy được...".

Mê tâm pháp đến độ quên ăn, quên ngủ, hầu như toàn bộ thời gian và tâm huyết của ông đều dành cho việc sáng tạo những tác phẩm độc đáo của mình. Ông Vinh tâm sự: “Mỗi khi viết xong được một bức tâm pháp, tôi cảm thấy tâm hồn sảng khoái, thấy đất trời như bao la, rộng lớn hơn”. Từ bức “Nhất tâm kinh”, tác phẩm đầu tiên viết thành công đến nay, số lượng những bức tâm pháp mà ông viết đã lên tới khoảng 5.000. Các tác phẩm của ông không chỉ có mặt ở nhiều ngôi đền, chùa lớn trên đất nước Việt Nam, mà nó còn xuất hiện trong nhiều ngôi chùa ở Ấn Độ, Thái Lan...

Phương Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN