Đại tướng - nguồn cảm hứng vô tận của các nghệ sĩ

Đã từ lâu nay, cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, danh tướng và cũng là nhà văn hóa lớn, sống giản dị, gần dân và yêu dân, đã trở thành đề tài và nguồn cảm hứng sáng tạo của không ít nghệ sĩ.


Diễn viên Trịnh Mai Nguyên (bên phải) trong vai Bác Giáp.

Trong số những nghệ sĩ có nhiều gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được gọi với cái tên thân thương “Anh Văn”, thì họa sĩ, nhà điêu khắc thương binh Lê Duy Ứng là người nhiều “cơ duyên”. Ông cũng là nghệ sĩ vẽ tranh và tạc nhiều tượng nhất về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà như ông kể là có tới hơn một nghìn bức tranh trên nhiều chất liệu, trong đó chủ yếu là tranh ký họa, sơn dầu, thủy mặc cùng các tượng đất, tượng đá, tượng gỗ. Họa sĩ bắt đầu vẽ Đại tướng ngay từ lúc hai mắt ông còn chưa phẫu thuật và không nhìn thấy gì.

 

Đôi mắt họa sĩ Lê Duy Ứng bị hỏng trong một trận đánh tại cửa ngõ Sài Gòn trước giờ toàn thắng ngày 30/4/1975, khi đó, ông đã lấy máu từ mắt mình để vẽ chân dung Bác Hồ. Cũng trong năm 1975 lịch sử ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến tận Viện quân y 108 động viên người họa sĩ mù đồng hương Quảng Bình và họa sĩ Lê Duy Ứng đã “đứng dậy”, trở lại với hội họa, điêu khắc. Cũng từ đó, ông bắt đầu vẽ và tạc tượng “Anh Văn” theo hình ảnh Đại tướng đã in đậm trong trí nhớ. Khi mắt ông được phẫu thuật và phục hồi phần nào thị lực, ông càng say mê khám phá chân dung Đại tướng dưới nhiều góc độ, trong chiến tranh cũng như hòa bình, bằng “ngôn ngữ” của nghệ thuật hội họa và điêu khắc. Sau này, ông thường xuyên được gặp Đại tướng. Với ông, mỗi lần như vậy là một lần khắc sâu thêm ấn tượng cũng như niềm kính trọng, để ông có thêm những động lực và cảm hứng sáng tác về Người.


Không chỉ mỹ thuật, mà trong lĩnh vực nhiếp ảnh, cũng có nhiều nghệ sĩ dành cả sự nghiệp của mình để sáng tạo, ghi lại hình ảnh những khoảnh khắc lịch sử và đời thường vị Đại tướng của nhân dân. Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn là một người như thế. Ông đã có hơn 40 năm làm báo, trong đó có hơn ba phần tư thời gian được gặp gỡ và làm việc bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau một chuyến “tháp tùng” ông đi công tác năm 1978, cứ mỗi lần đi đâu “bác Giáp lại yêu cầu văn phòng báo Tuấn cùng đi”.

 

Cũng từ đó với ông, việc ghi lại bằng hình ảnh từng cảm xúc của Đại tướng trong công việc và cuộc sống trở thành niềm đam mê lớn nhất của nhà báo Trần Tuấn: từ khoảnh khắc đặc biệt khi Đại tướng tiếp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mác Namara tại Nhà khách Chính phủ năm 1997, cho đến phút giây xúc động không cầm được nước mắt khi Đại tướng dự buổi mít tinh kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2004, hay cảm xúc ân cần, quan tâm của Đại tướng lúc ghé thăm quán nước bình dị bên đường của một diễn viên đoàn ca múa tỉnh Hà Tuyên năm 1990... Kỷ niệm sâu đậm nhất, thể hiện sự quan tâm của Đại tướng với ông là trong chuyến công tác ở Vũng Tàu năm 1996, Trần Tuấn bị đau ruột thừa cấp, Đại tướng đã gọi bác sĩ riêng của mình đến chăm sóc và hoãn một tuần lộ trình công tác vì anh. Nghệ sĩ Trần Tuấn tâm sự: “Tình cảm ân cần lo lắng giống như một người cha dành cho con đã khiến tôi vô cùng xúc động, cảm phục và tôi đã chụp ảnh Đại tướng như chụp người cha của chính mình”. Với bao mến phục, kính yêu, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng, nhà báo Trần Tuấn đã tổ chức cuộc triển lãm ảnh “101 khoảnh khắc về Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp” ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Bình, Điện Biên Phủ.


Hóa thân vào vai diễn


Cũng từ lâu nay, hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được nhiều nhà làm phim, viết kịch trong nước và quốc tế khắc họa trên phim trường và sân khấu. TS Trần Đình Ngôn và đạo diễn NSND Bùi Đắc Sừ, nguyên giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam từng xây dựng hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên sân khấu qua vở chèo “Mệnh lệnh thần kỳ”.

 

TS Trần Đình Ngôn cho biết, để xây dựng được hình tượng Đại tướng trên sân khấu chèo là rất khó, nhưng tập thể tác giả, đạo diễn cùng các nghệ sĩ đã rất nỗ lực và dàn dựng được thành công, tận dụng được ngôn ngữ tự sự của chèo để diễn đạt một giai đoạn khó khăn trong sự nghiệp cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là quyết định thay đổi chiến lược chuyển sang “Đánh chắc thắng chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Bằng lối diễn dung dị, chân thật, nghệ sĩ chèo Vũ Ngọc Hưng đã thể hiện một cách thuyết phục hình tượng của vị tướng có tài thao lược. Anh kể lại những cảm xúc của mình khi đó: “Đã trải qua nhiều vai diễn trong hơn 30 năm làm nghề, nhưng đây là vai diễn đặc biệt, bởi điều khó khăn là hình ảnh Đại tướng đã in quá đậm nét trong mỗi người. Đó là cái khó cũng là áp lực đối với vai diễn này, nhưng tôi đã diễn hết mình bằng cảm xúc từ trong tim mình”.


Còn Trịnh Mai Nguyên, một nghệ sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam, là nghệ sĩ duy nhất ở Việt Nam vinh dự ba lần được mời vào vai diễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên màn ảnh và sân khấu. Lần đầu là vào năm 2002, anh được đạo diễn người Pháp Máccô Picô mời đến thử và chọn ngay vào vai “Tướng Giáp” trong bộ phim “Tuyết Đông Dương” (hay còn gọi là phim Lơ cléc) trước hàng chục ứng cử viên khác cho vai diễn. Sau này đạo diễn có nói với Mai Nguyên: “Tôi chấm anh vì anh có hình dáng và thần thái giống Tướng Giáp hồi trẻ”. Sau thành công này, một năm sau đó, đạo diễn Phạm Nhật Thành tiếp tục mời Mai Nguyên vào vai “Anh Văn” trong một hoạt cảnh tái hiện lịch sử thời chống Pháp khi Đại tướng đi thị sát mặt trận Nha Trang, trong chương trình kỷ niệm Đêm hội mừng 350 năm Khánh Hòa.

 

Vai diễn lần thứ ba của anh về vị danh tướng của dân tộc và thế giới để lại ấn tượng nhất trong lòng công chúng là ở vở diễn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên”, huy động hơn 300 diễn viên của nhiều đoàn nghệ thuật sân khấu vào năm 2010, năm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Mai Nguyên đã nỗ lực thể hiện được nổi bật và tương đối trọn vẹn hình tượng Đại tướng của nhân dân, một trong 21 danh tướng lẫy lừng trong lịch sử quân sự thế giới. Mai Nguyên cho biết, khi được nhận vai diễn, anh vô cùng hạnh phúc và ngay lập tức gọi điện báo lại với ông nội anh - một chiến sĩ Điện Biên, một người lính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không những vậy, cả ba anh em ông nội của Mai Nguyên đều là chiến sĩ tham gia chiến dịch lịch sử này và một người đã anh dũng ngã xuống trong những trận đánh đồi A1.


Tình cảm sâu đậm của các văn nghệ sĩ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thể kể hết trong những ngày buồn thương đưa tiễn Người. Tôi bất giác nhớ đến câu hát trong bản hợp xướng “Có một khu rừng như thế” của nhạc sĩ Doãn Nho: “Vị Tư lệnh tối cao quý từng giọt máu đào người lính/Nên suốt đời được gọi Anh Văn”. Chỉ một câu hát thôi nhưng đã khái quát đầy đủ nhân cách của ông cùng tình cảm của các nghệ sĩ và nhân dân đã dành cho ông.

 


Bài và ảnh: Nguyễn Tiến Cường

Về khu rừng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Về khu rừng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nằm cạnh đèo Nhọt, thuộc xã Gia Phù, huyện Phù Yên (Sơn La) có một khu rừng đặc biệt được người dân địa phương đặt tên là "Khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN