Đặc sắc “Trang sức cổ Việt Nam”

Trang sức, một loại hình di vật đặc biệt, không chỉ có mục đích làm đẹp cho con người, mà còn thể hiện trình độ thẩm mỹ và kỹ thuật chế tác đạt tới đỉnh cao của từng thời kỳ, thể hiện sự phát triển của tư duy thẩm mỹ người Việt.

Gần 100 hiện vật là các loại trang sức cổ Việt Nam với các chất liệu vàng bạc, đá quý đang được giới thiệu với công chúng qua trưng bày “Trang sức cổ Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội).

Mũ xung thiên - mũ vua Triều Nguyễn, dùng đội trong những buổi thiết triều bằng vàng, đá quý, ngọc trai và vải.


Những chiếc lò xo xoắn bằng vàng được thợ kim hoàn kéo thành từng sợi nhỏ, rồi tết lại thành hình rồng, hình mặt trời, gắn kèm với đá quý, được gắn vào lớp vải của chiếc mũ xung thiên (mũ thượng triều của vua) thế kỷ 19. Chiếc mũ không chỉ tượng trưng cho sức mạnh của vua, mà còn thể hiện trình độ kỹ thuật của thợ kim hoàn đạt tới đỉnh cao thời kỳ đó. PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, đây là một trong 4 chiếc mũ có nguồn gốc từ cung đình Huế, do phải di chuyển nhiều trong thời kỳ chiến tranh nên đã bị hư hỏng nặng. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp với các nghệ nhân để phục dựng lại và lần đầu tiên được mang ra trưng bày phục vụ công chúng.

“Các hiện vật giới thiệu tại trưng bày lần này có ý nghĩa rất quan trọng, nó khẳng định dân tộc Việt Nam không những biết chiến đấu, đánh thắng nhiều kẻ thù, mà còn là dân tộc rất yêu đời, biết tôn mình lên, biết làm đẹp giữa khung cảnh thiên nhiên, rừng núi”.

PGS-TS Trịnh Sinh,
Viện Khảo cổ học Việt Nam


Không chỉ chiếc mũ, mà có rất nhiều hiện vật khác cũng lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng, như bộ sưu tập trâm cài đầu thế kỷ 18, được phát hiện tại ngôi mộ của Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Các nhà khoa học đã cho rằng đây là trâm cài do vợ Chúa Nguyễn Phúc Khoát sử dụng. Ở bộ trâm cài đầu này, các nghệ nhân xưa đã sử dụng kỹ thuật kim hoàn đỉnh cao, kéo các sợi dây bằng vàng mỏng và mảnh ra, sau đó tạo ra các hình phượng, hình hoa mai tuyệt đẹp…

Bao tay đeo chuông nhạc bằng đồng. Văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay.


Ngoài ra, trưng bày còn giới thiệu những bộ sưu tập trang sức độc đáo từ thời sơ sử, tiền sử, với các nguyên liệu rất phong phú, gồm vỏ nhuyễn thể, xương, sừng động vật, thủy tinh, đá quý, đồng, vàng, bạc... Dưới bàn tay khéo léo, óc sáng tạo và khiếu thẩm mỹ tinh tế của các nghệ nhân thời kỳ đó, các đồ trang sức trở thành những sản phẩm tinh xảo và giàu tính nghệ thuật. Trang sức thời kỳ Văn hóa Đông Sơn với các loại vòng đeo tay, vòng đeo chân, lục lạc, khóa thắt lưng, trâm cài đầu... bằng đồng; vòng đeo tai và hạt chuỗi bằng thủy tinh; vòng đeo tay, khuyên tai, hạt chuỗi bằng đá với kích thước từ nhỏ đến lớn. Trang sức văn hóa Sa Huỳnh có màu sắc đa dạng chất liệu phong phú bằng đá, mã não và thủy tinh, loại hình chủ yếu là khuyên tai và hạt chuỗi, nhưng nổi bật nhất ở văn hóa thời kỳ này là khuyên tai hai đầu thú, làm bằng chất liệu đá và thủy tinh. Ngoài ra còn có các loại khuyên tai hình vành khăn, khuyên tai ba mấu, khuyên tai bốn mấu đã từng xuất hiện ở nhiều di tích khảo cổ học Đông Nam Á… Trang sức văn hóa Đồng Nai được chế tác từ đất nung, vỏ nhuyễn thể, đá, thủy tinh, vàng, khuyên tai hai đầu thú bằng đá ngọc và nhiều loại đá màu khác. Sưu tập trang sức văn hóa Óc Eo (thế kỷ I - VIII sau CN) với khuyên tai, nhẫn, vòng cổ, mặt dây chuyền, vật đeo hộ mệnh... bằng chất liệu vàng, chạm ngọc...


Theo PGS.TS Nguyễn Đình Chiến, trưng bày “Trang sức cổ Việt Nam” lần này là một tập hợp tương đối đầy đủ thuộc loại hình trang sức thuộc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng. Các trang sức cổ trưng bày lần này đã thể hiện trình độ thẩm mỹ và kỹ thuật chế tác đạt tới đỉnh cao của các nghệ nhân ở từng thời kỳ, qua đó chúng ta có thể hình dung được sự phát triển của tư duy thẩm mỹ người Việt qua từng thời kỳ lịch sử.


Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN