Cứu ca trù khỏi “tình trạng khẩn cấp”

Liên hoan ca trù toàn quốc sẽ diễn ra tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam từ ngày 26 - 29/8, nhằm đánh giá lại chặng đường 5 năm “cứu” ca trù khỏi tình trạng “cần bảo vệ khẩn cấp”.


Tin hiệu khởi sắc


Ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 1/10/2009, xếp trong danh sách những Di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp. Theo quy định, các quốc gia có di sản xếp trong danh sách này sẽ phải lên kế hoạch dài hạn, ngắn hạn về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đưa di sản ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp. Nếu sau 5 năm, vẫn chưa có những biện pháp, chiến lược cụ thể để phục hưng di sản thì quốc gia đó sẽ phải thực hiện những cam kết chặt chẽ hơn nữa với UNESCO. Và sau một thời gian nhất định, tùy theo tình hình thực tế, nếu quốc gia vẫn không thể đưa di sản ra khỏi danh sách khẩn cấp thì di sản có khả năng sẽ bị thu hồi danh hiệu.

 

Nghệ thuật ca trù ngày một phổ biến hơn trong cộng đồng.


Đứng trước thách thức đó, 5 năm qua, những người yêu nghệ thuật ca trù đã luôn nỗ lực để đưa di sản phi vật thể này thoát khỏi tình trạng khẩn cấp. Nhờ vậy, bộ môn nghệ thuật ca trù ngày càng phổ biến hơn trong đời sống cộng đồng, nhiều câu lạc bộ ca trù được khôi phục ở các tỉnh thành và hoạt động rất hiệu quả.


Nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, người đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu và tìm đường khôi phục bộ môn nghệ thuật ca trù cho biết: “Nếu như những năm 2005 trở về trước, hai chữ “ca trù” gần như xa lạ trong cộng đồng, xa lạ ngay cả ở những vùng có ca trù thì hiện nay, hầu hết công chúng đều đã biết: “Ca trù được thế giới công nhận là di sản phi vật thể”, đấy là bước chuyển mà tôi cho rằng vô cùng quan trọng, tạo động lực để “vực dậy” bộ môn nghệ thuật quý báu như ca trù”.


Cũng theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, trước kia, ngoài 20 nghệ nhân thì hầu như không có người biết hát ca trù. Đến nay, dù 18 nghệ nhân trong số đó đã mất nhưng chúng ta đã xây dựng được đội ngũ kế cận khoảng ba trăm người. Riêng với các ca nương trẻ, lúc đầu họ chỉ biết hát có 3 điệu cơ bản đó là: Hát nói, hát xẩm, hát ru, nhưng hiện nay họ đã biết hát tới 11 điệu trong khi tổng thể ca trù chỉ có trên 40 điệu ca trù. Đấy là chưa kể, trước năm 2005, cả nước chỉ có 2 tay đàn thực thụ, thì nay đã có 8 tay đàn chắc chắn.


Những kết quả trên đã chứng tỏ được năng lực hồi sinh của ca trù và hơn hết là sự nỗ lực rất lớn của những người nắm giữ di sản quý báu này. “Với những thành quả sau 5 năm “bảo vệ” và khôi phục thì có thể nói ca trù đã có đủ khả năng để thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Chúng tôi đã tính đến tương lai làm lại hồ sơ xin công nhận ca trù trở thành di sản đại diện của nhân loại”, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan khẳng định.


Cần sự quan tâm hơn nữa


Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn thiếu các chính sách, chế độ hỗ trợ cụ thể, thậm chí cả kế hoạch dài hạn phát triển ca trù. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ nghệ nhân tham gia đào tạo ca trù cũng chưa có. Do đó, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, sự “vực dậy” ca trù được như ngày nay phần lớn là nhờ sự nỗ lực của những người đang trực tiếp nắm giữ di sản này, hay nói đúng hơn là công lao của phần lớn các nghệ nhân, vì yêu ca trù nên dù không có sự hỗ trợ nào nhưng họ vẫn đam mê truyền thụ và khơi dậy tình yêu ca trù cho thế hệ trẻ. Thực tế này cho thấy cần sớm có những chính sách hỗ trợ cụ thể đối với các nghệ nhân ca trù. Nếu đời sống của nghệ nhân “gạo cội” luôn khó khăn, chưa được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ bảo hiểm y tế… thì có lẽ, ca trù khó có thể giữ mãi được “phong độ” như đã được gây dựng suốt 5 năm qua.


“Nếu ngành văn hóa có những chính sách kịp thời thì có lẽ ca trù còn phát triển mạnh hơn nữa. Trước tiên, cần thực hiện đúng theo cam kết trong hồ sơ quốc gia là hàng năm tổ chức Liên hoan ca trù toàn quốc hoặc bộ phận, các vùng, các tỉnh để ca trù xuất hiện liên tục trong đời sống cộng đồng. Bên cạnh đó, cần sớm ban hành chế độ, chính sách hỗ trợ kịp thời cho nghệ nhân. Nghị định 62 về việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân mới đây cũng đã tạo cơ hội cho nghệ thuật ca trù phát triển. Bởi vì, chí ít, khi có được danh hiệu nghệ nhân ưu tú thì các nghệ nhân cũng cảm thấy vẻ vang trong cộng đồng”, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan chia sẻ.

 

Tạ Nguyên

Gìn giữ nghệ thuật ca trù Thanh Tương
Gìn giữ nghệ thuật ca trù Thanh Tương

Gắn liền với xứ sở của chùa Dâu, chùa Bút Tháp và thành cổ Luy Lâu, trung tâm Phật giáo của quốc gia phong kiến Đại Việt xưa, làng Thanh Tương (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) nổi tiếng với nghề hát ca trù.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN