Cuộc đối đầu không hồi kết giữa các siêu anh hùng

Trong “Batman v Superman: Dawn of Justice”, khán giả đã được chứng kiến màn giao đấu căng thẳng không cân sức giữa hai siêu anh hùng kinh điển. Nguyên nhân của trận đại chiến là sự khác biệt trong tính cách.

Một bên là Người Dơi phải chịu nỗi đau mất mẹ, bị hắt hủi, xa lánh từ khi còn nhỏ. Một bên là anh hùng đến từ hành tinh khác Superman với quyền năng siêu nhiên, luôn là trung tâm của dư luận. Hiểu nhầm đối phương ngày một chồng chất, sự ngấm ngầm đối đầu giữa hai nhân vật cũng ngày một sâu đậm.

Trận đại chiến kinh điển giữa Người Dơi và Superman.

Nếu như so với thời điểm 15 năm trước đây, khi lần đầu tiên bộ phim Spider Man ra mắt khán giả, mở ra kỷ nguyên chuyển thể truyện tranh siêu anh hùng lên màn ảnh rộng, khán giả bị cuốn hút với mô típ người tốt đấu tranh giành chính nghĩa trước những kẻ xấu xa thì giờ đây, việc đối đầu giữa “những người tốt” có vẻ được ưa chuộng hơn. Khi theo dõi một bộ phim trong đó có các anh hùng được trang bị những siêu năng lực vượt trội giao đấu với nhau, khán giả sẽ không muốn vội vàng kết thúc chỉ để xem ai sẽ là người chiến thắng cuối cùng. Họ muốn những hành động chi tiết, đặc tả, phô diễn đầy đủ khả năng sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi anh hùng.

Từ trang truyện lên màn ảnh rộng

Trong bối cảnh mọi người đã quá ngán ngẩm với cốt truyện thông thường - anh hùng có những sức mạnh to lớn dễ dàng đánh bại ác quỷ, cứu sống những người dân vô tội, các nhà xuất bản truyện tranh hàng đầu nước Mỹ đã nghĩ ra một giải pháp mới. Họ thay đổi, tạo nên các cuộc chiến ngay trong nội bộ các siêu anh hùng để tăng lượng doanh thu bán truyện cũng như nối lại sợi dây liên kết giữa độc giả với những thần tượng anh hùng yêu thích hồi nhỏ. “Ông lớn” truyện tranh DC Comics đã tạo nên hàng chục tình huống để Batman và Superman luôn có cơ hội đấu đầu. Hay như nhà xuất bản Marvel cũng sáng chế một phiên bản Người Nhện phản diện quyết một trận sống mái với biệt đội Fantastic Four chỉ vì không được mời đến bữa tiệc vinh danh anh hùng.

Không đi theo lối mòn

Vậy tại sao các nhà biên kịch, sản xuất phim lại luôn chú ý đến các cốt truyện người tốt đấu đá lẫn nhau?

Lí do đầu tiên đơn giản chỉ là khơi dậy trí tò mò của độc giả trong việc xem ai sẽ là người chiến thắng cuối cùng trong các trận chiến. Chính nghĩa luôn thắng phi nghĩa, cái thiện luôn thắng cái ác, bất kể trong một trận quyết chiến giữa người tốt và kẻ xấu, anh hùng luôn là người chiếm ưu thế. Tuy nhiên khi hai anh hùng so găng với nhau, mọi chuyện sẽ trở nên khó đoán hơn. Ai mạnh hơn, Superman hay Captain Marvel? Human Torch và Iceman sẽ dùng chiêu thức gì để đối phó với nhau? Tất cả sự tò mò của khán giả giống như chúng ta xem một trận đấu thể thao. Khán giả ủng hộ cho nhân vật yêu thích, muốn họ hạ đo ván đối thủ để chứng minh sức mạnh nhân vật yêu thích của mình là vô địch.

Nguyên nhân thứ hai khiến xu hướng làm phim về các cuộc chiến nội bộ giữa các siêu anh hùng bùng phát là do nhà sản xuất muốn khán giả đồng cảm với nhân vật. Khi đối mặt với bạn bè, những người anh em cùng vào sinh ra tử, các siêu anh hùng buộc phải bộc lộ thế giới nội tâm giằng xé. Không ít khán giả đã nhìn thấy chính bản thân mình khi xem bộ phim “Captain America: Civil War” trong hoàn cảnh bị bạn bè và đồng đội phản bội. Có vô số cảm xúc được phát triển trong quá trình các nhân vật tốt chiến đấu với nhau, sự lo lắng, chần chừ, nỗi hối hận… tất cả đều được đưa đến đỉnh điểm cùng với những pha hành động kỹ xảo đẹp mắt khiến khán giả không thể rời mắt cho đến kết thúc bộ phim. Một trong những đoạn quay tiêu biểu bộc lộ cảm xúc của các siêu anh hùng khiến khán giả nhớ mãi là cuộc đối thoại của Iron Man và Captain American trong “Civil War”. Chỉ vì muốn bảo vệ người đồng đội cũ của mình, Captain đã quay lưng lại với Iron Man. Dường như câu nói tuyệt vọng “Tôi cũng là bạn anh mà” của Iron Man sau khi Captain giải thích cho sự lựa chọn đứng về phía người bạn lâu năm kia đã khiến một bộ phận fan hâm mộ kích động. Họ nhanh chóng chia sẻ đoạn hội thoại kinh điển, chứng minh tình bạn giữa hai nhân vật siêu anh hùng ngược tính ngược nết yêu thích của mình là tồn tại.

Cuối cùng, để tránh đi vào lối mòn, biên kịch buộc phải xây dựng hình tượng siêu anh hùng mới. Từ trước đến nay, các anh hùng luôn xuất hiện với hình ảnh tích cực, quang minh chính đại, luôn xả thân vì nghĩa. Nhưng anh chàng “siêu bựa” Deadpool hay chửi bậy, giết người không ghê tay chỉ để trả thù cá nhân lại đi ngược hoàn toàn với hình ảnh siêu nhân truyền thống. Sự khác biệt tạo nên thành công. Bộ phim đã gây bão các rạp chiếu phim toàn cầu và liên tục đứng đầu trên các bảng xếp hạng doanh thu, vượt xa mong đợi của nhà sản xuất và dàn diễn viên. Có sự xuất hiện của anh hùng nửa chính nửa tà mới kéo theo nhiều mâu thuẫn mới, tạo nên chủ đề đa dạng, khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhà làm phim. 
Hồng Hạnh
Hai phim “bom tấn” lần lượt ra mắt tại Việt Nam
Hai phim “bom tấn” lần lượt ra mắt tại Việt Nam

"Thợ săn: Cuộc chiến mùa đông" và "Cậu bé Rừng xanh" là hai bộ phim bom tấn của điện ảnh Mỹ đang liên thủ tấn công màn ảnh Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN