Cơ hội xem rối quốc tế và nghe cải lương từ mọi miền đất nước

Cục NTBD tổ chức Liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ 5 và Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015.


Khi Nhà hát cải lương Việt Nam kết thúc đợt lưu diễn 20 ngày - đợt lưu diễn cuối cùng trong hành trình lưu diễn kéo dài 7 tháng (từ tháng 3-tháng 10/2015) của12 đơn vị nghệ thuật để phục vụ nhân dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam (do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức); cũng là lúc Cục NTBD bắt tay vào việc tổ chức Liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ 5 và Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015.


Đây có thể coi là hai hoạt động lớn nhất dịp cuối năm của ngành văn hóa. Một cuộc liên hoan múa rối quốc tế với sự tham gia của 12 đơn vị trong và ngoài nước, với tổng số 18 chương trình biểu diễn; trong đó Việt Nam góp mặt 3 đoàn: Nhà hát múa rối Việt Nam, Nhà hát múa rối Thăng Long và đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng, với 7 chương trình biểu diễn. Cùng với đó là đoàn múa rối của Anh, Bỉ, Đức, Nga, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Philippin; mỗi đoàn có từ 1 -2 chương trình biểu diễn.


Một tiết mục của Nhà hát múa rối Thăng Long


Theo Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương, Liên hoan múa rối quốc tế 2015 có nhiều điểm mới so với các LH trước. Cụ thể, các đoàn nước ngoài tham gia LH đều là các đoàn mới (chưa từng tham gia các LH trước đây), với các tiết mục hoàn toàn mới; như vậy, múa rối Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về nghệ thuật máu rối. Với các đoàn Việt Nam tham gia LH, BTC cũng đã có những chỉ đạo rất cụ thể để dàn dựng những chương trình rối mới biểu diễn trong LH, nhằm phục vụ tốt nhất công chúng. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên LH được tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau của Thủ đô Hà Nội, nhằm phục vụ được đông đảo công chúng xem biểu diễn, gồm: Nhà hát Lớn, Nhà hát múa rối Việt Nam, Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Âu Cơ, Nhà hát Quân đội, Nhà hát Chèo Kim Mã, rạp Khăn Quàng đỏ (Cung thiếu nhi Hà Nội), Nhà hát Tuổi trẻ, rạp Hồng Hà.


 “Nếu như Việt Nam chỉ có rối nước, rối cạn; thì trên thế giới còn có rất nhiều loại hình rối khác như rối que, rối bóng, rối dây… rất độc đáo, mà không phải khán giả nào của Việt Nam cũng có cơ hội được xem. Vì vậy, tại LH này, ngoài việc tổ chức biểu diễn, BTC sẽ đưa các đoàn đi lưu diễn để phục vụ nhân dân vùng đồng bằng Bắc bộ, cụ thể là các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương, Vĩnh Phúc”, ông Chương cho biết.


Liên hoan sẽ trao các giải vàng, bạc cho các tiết mục xuất sắc; trong đó tổng số giải thưởng cho chương trình không vượt quá 35% tổng số chương trình tham dự LH; tổng số giải vàng cho chương trình không vượt quá 30% tổng số chương trình đạt giải, tổng số giải thưởng cho tiết mục không vượt quá 35% tổng số tiết mục tham dự Liên hoan; tổng số giải vàng cho tiết mục không vượt quá 30% tổng số tiết mục đạt giải.


Muộn hơn 1 tháng, cuộc thi “Nghệ thuật sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc-2105” sẽ diễn ra từ ngày 6-23/11/2015, tại Nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu). Theo Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương, việc tổ chức cuộc thi tại tỉnh Bạc Liêu nằm trong kế hoạch của Cục NTBD là đưa các liên hoan, hội diễn, cuộc thi về các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; nhằm tạo điều kiện cho người dân nơi đây được thụ hưởng các giá trị văn hóa nghệ thuật. 


Cũng theo ông Chương, dù diễn ra trong bối cảnh các đoàn nghệ thuật đều gặp khó khăn, nhưng cũng đã có tới 25 đơn vị nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp trong toàn quốc tham gia LH, với tổng số 31 vở diễn, rất phong phú về đề tài, phản ánh đa dạng cuộc sống từ dã sử cho đến các vấn đề nhức nhối hiện nay mà người dân quan tâm như nạn tham nhũng, chạy chức, chạy quyền như: Vở “Quê hương và mẹ” của đoàn cải lương Cao Văn Lầu, “Bóng biển” của CLB Dạ cổ hoài lang, “Bông mận trắng” của Nhà hát Tây Đô, vở “Chiến binh”, “Lâu đài cát”, “Đời như ý” của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang… 


Đặc biệt, có 7 đơn vị xã hội hóa tham gia cuộc thi, đây là một con số rất đáng mừng, một minh chứng cho việc các đơn vị xã hội hóa ngày càng khẳng định được chỗ đứng của mình trong đời sống nghệ thuật. “Điều đáng mừng hơn nữa là có rất nhiều đơn vị đăng ký tham gia cuộc thi, ở mọi miền của đất nước, có những đoàn ở Thủ đô cũng lặn lội vào Bạc Liêu để tham gia cuộc thi. BTC đã phải chọn lựa kỹ, tìm những đoàn, những tiết mục phù hợp với tiêu chí, đảm bảo chất lượng mới cho tham dự cuộc thi”, đại diện Cục NTBD cho biết.


Cũng như với LH múa rối quốc tế, các vở diễn tham dự cuộc thi này đều là những vở vừa dàn dựng của các đoàn nghệ thuật; nhằm tạo thêm kịch mục để biểu diễn phục vụ công chúng. “Phải khẳng định rằng chất lượng của các vở diễn tham gia các cuộc thi ngày càng cao. Không còn tình trạng dựng vở tham dự cuộc thi, LH xong rồi xếp kho như lâu nay; mà rất nhiều vở diễn sau cuộc thi đã được công diễn hàng trăm buổi phục vụ công chúng, thậm chí gây sốt”, ông Nguyễn Đăng Chương chia sẻ.


Cũng theo ông Nguyễn Đăng Chương, BGK của cuộc thi năm nay sẽ được trẻ hóa, đồng thời sẽ hoạt động một cách nghiêm túc, công minh, hạn chế tối đa tình trạng chạy giải; nhằm đảm bảo chất lượng của các giải thưởng của cuộc thi.


BTC sẽ trao HCV, HCB cho các vở diễn có chất lượng; các cá nhân nghệ sĩ biểu diễn đạt được các tiêu chí của cuộc thi, giải xuất sắc nhất cho các tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ có những sáng tạo xuất sắc trong các vở diễn tham dự cuộc thi.

AM
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN