Chuyện vợ chồng “ông già Nam Bộ”

Hiếm cặp vợ chồng nghệ sĩ nào có mối tình đẹp và lâu bền như NSƯT, Nhà giáo ưu tú Đoàn Mạnh Dung và NSƯT Thanh Dậu. Ở họ, tình yêu và sự cống hiến cho nghệ thuật là vô bờ bến.

 

Nên duyên vì học chung lớp


Trong những ngày Hà Nội mùa thu nắng đẹp, vợ chồng nghệ sĩ, NGƯT Đoàn Mạnh Dung và NSƯT Thanh Dậu ra chơi Hà Nội. Chị là con gái Hà Nội thứ thiệt, anh là trai Bắc chẳng chệch đi đâu. Hai vợ chồng ngồi cạnh nhau, chị cười nhẹ nhàng, nói năng nhỏ nhẹ, một hai đều “anh nhỉ”, anh nhìn chị ánh mắt dịu dàng. Bằng ấy tuổi rồi (chị năm nay sáu tám tuổi, anh bảy ba), anh chị vẫn cùng nhau đi khắp nơi, vui vẻ và hạnh phúc.

 

Vợ chồng NSƯT Đoàn Mạnh Dung và NSƯT Thanh Dậu.


Anh chị là hai trong số hai mươi lăm học viên của khóa đào tạo diễn viên đầu tiên do Sở Văn hóa Hà Nội tổ chức năm 1957, khi ấy chị 12 tuổi, anh 17 tuổi. Học xong, anh chị cùng đầu quân về đoàn cải lương Chuông Vàng, tiền thân là đoàn cải lương Kim Chung nức tiếng Hà Nội.

NSƯT Đoàn Mạnh Dung gần như đã “đóng đinh” trong lòng khán giả với hình ảnh “ông già Nam Bộ” cao gày, mặt xương xương, tóc bạc búi tó củ hành, nói giọng Nam Bộ đặc sệt trong các phim Đất phương Nam, Những đứa con thành phố;… mà hầu như quên mất hoặc ít ai biết rằng Đoàn Mạnh Dung từng là kép chính nổi tiếng với gần 100 vở cải lương, trong đó có vở Bạch Xà nương, Tống Chân - Cúc Hoa, Lục Vân Tiên. NSƯT Thanh Dậu cũng nổi danh trong làng cải lương trong Nam ngoài Bắc những năm 60, 70 của thế kỷ trước với hàng loạt vở: Bạch Viên Tôn Cát, Mỵ Châu - Trọng Thủy, Phương Hoa, Lý Công,… Năm 1964, khi kỷ niệm 10 năm giải phóng Thủ đô, chị vào vai Chị Quyên, anh vào vai Anh Trỗi trong vở “Sống như anh”. Cùng năm ấy, vai kỹ sư Phi Nhạn trong vở “Một dòng” của soạn giả, đạo diễn Lộng Chương cũng đã đem lại Huy chương vàng cho chị.


Chị vốn con nhà nòi cải lương, bố là nghệ sĩ đàn tranh Ba Vân, mẹ là nữ hề Vân Quý nổi tiếng của Hà Nội những năm năm mươi của thế kỷ trước. Nhà chị có sáu chị em thì năm người làm nghệ thuật. Theo bố mẹ đi diễn từ khi mới hai tuổi, cô bé Dậu đã lây niềm say mê cải lương từ lúc nào không hay. Còn Đoàn Mạnh Dung đến với nghề tình cờ đến mức hồn nhiên. Sau khi được một ông bầu, mà sau này cậu mới biết, bảo “có muốn học hát không, về nhà tôi hát cho vui” lúc cậu đang ngồi tán đinh trên đường đi Sơn Tây, hát nghêu ngao cùng vài anh em khác, anh vui chân đi theo.

Ông bảo gì thì làm nấy, tuổi trẻ hiếu động, thấy bảo múa giáo, múa kiếm, chạy vòng vòng thì khoái lắm. Nhưng thời bấy giờ, đoàn tư nhân không được phép hoạt động, ai muốn làm diễn viên thì phải thi, thế là khi đoàn Chuông Vàng tổ chức thi tuyển, cậu cũng tham dự. Cuối cùng là đỗ, rồi đi học. Lúc đó, Đoàn Mạnh Dung mới nhận ra, mình cũng có niềm yêu thích bộ môn nghệ thuật này.


“Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cảm giác chân mình run lên khi lần đầu tiên đứng trên sân khấu rạp Chuông Vàng, trước đầy ắp người xem cả ba tầng lầu. Khi ấy tôi đóng vai Hứa Tiên (vở Bạch xà nương), vai này tôi đóng khi mới chỉ học một năm rưỡi”, nghệ sĩ Đoàn Mạnh Dung kể. Và cũng chính từ vai diễn đó, cộng với thời gian học cùng nhau mà cô bé Thanh Dậu đã để ý đến anh chàng đẹp trai, cao ráo, hát hay Đoàn Mạnh Dung.


Bây giờ, ngồi trước anh, chị đỏ mặt thừa nhận: “Nói ra thì mắc cỡ nhưng đúng là mình thích ổng trước. Chẳng biết ổng thế nào chứ mình yêu ông ấy là người đầu tiên và cũng là duy nhất”. Khi nghe chị nói thế, anh nheo mắt cười hiền, “bà ấy nói thật đấy”. Khi nhận lời tỏ tình dễ thương “làm vợ anh nhé”, chị thấy mình hạnh phúc hơn bất cứ lúc nào.


Tâm đầu ý hợp


Cho đến bây giờ nghĩ lại, cả anh và chị đều thấy mình may mắn đã lấy được nhau. Chị dịu dàng, chăm lo cho chồng con rất mực, anh hiền lành, yêu thương vợ con. May mắn hơn nữa, họ cùng chung một niềm đam mê nghệ thuật cải lương. Cuộc đời họ, ngoài chuyện tình nghĩa vợ chồng, còn là chuyện đồng nghiệp say nghề, cống hiến tận tâm cho nghề, càng yêu nghề bao nhiêu càng gắn bó với nhau bấy nhiêu. Trên bước đường nghệ thuật của anh đều có chị bên cạnh, sự nghiệp của chị cũng đều có anh ở bên, dù họ ở đâu, trong Nam hay ngoài Bắc, làm gì cũng có nhau, thời gian nào xa nhau thì chỉ là lý do đi biểu diễn mà thôi.


Anh chị cũng thừa nhận, vì chung sở thích nên họ đồng cảm, chung suy nghĩ trong khai thác các vai diễn, nhất là với những đoạn diễn chung. Niềm say mê đó theo họ vào cả trong bữa ăn, giấc ngủ. Khi còn ở Ngô Thì Nhậm (Hà Nội), hàng xóm cứ tưởng họ điên, bởi nửa đêm hai vợ chồng dựng nhau dậy để… diễn.


Cũng bởi niềm say mê mà năm 1970, anh chị đều xin từ Chuông Vàng sang Đoàn cải lương Nam Bộ (ban đầu Đoàn cải lương Nam Bộ ở Hà Nội) bởi anh chị nghĩ rằng, Nam Bộ mới là cái nôi của nghệ thuật cải lương, ở đó, anh chị sẽ được học hỏi nhiều và phát huy hết tài năng. Để có thể ca tốt, cả anh và chị đều học nói giọng Nam Bộ. Vì thế, bây giờ cả anh và chị đều nói giọng Nam Bộ rất ngọt, anh còn có thể nói đặc sệt tiếng Huế. Và cũng chính vì yêu nghề mà sau này, anh chị quyết định rời Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, mảnh đất của cải lương.


Nhưng, hai vợ chồng chị hay dùng từ “nhưng”, khi Nhà hát cải lương Trung ương thành lập năm 1977 ở Hà Nội (ban đầu là Đoàn Cải lương Trung ương), cần có những diễn viên cốt cán về gây dựng thì cũng là anh chị, lại đầu quân cho nhà hát, anh ở đoàn 1, chị là đoàn trưởng đoàn 2. Trong khi chị đi lưu diễn liên miên, đến cả vùng sâu vùng xa phục vụ bà con, có thời gian đi diễn ở Cao Bằng cả tháng trời, thì anh theo học lớp đạo diễn sân khấu khóa đầu tiên. Năm 1984, anh được điều về Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (TP Hồ Chí Minh) giảng dạy môn Kỹ thuật biểu diễn (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh). Để có thể gần chồng, tiện chăm sóc cho anh, chị cũng xin về trường dạy môn hóa trang. Anh chị ở TP Hồ Chí Minh từ đó cho đến bây giờ.


Giờ đây chị đã lui vào hậu trường, nhưng niềm say nghề của chị thì vẫn như thưở nào. Gần bảy mươi tuổi rồi, nhưng dù có làm gì thì chị cũng vẫn quanh quẩn với sân khấu, khi trường cần giảng viên đi tỉnh dạy là chị xung phong ngay. “Không có ai say mê cải lương như bà ấy. Đấy, có mấy ngày ra Hà Nội, trời mưa thế mà vẫn đội mưa đi xem bằng được vở “Yêu là thoát tội” của Nhà hát cải lương Hà Nội”, anh kể. Niềm say mê ấy đi vào tiềm thức chị, trong các giấc mơ còn mơ về những chuyến đi diễn, mơ đến nơi diễn bị lạc đường. Những giấc mơ liên tục hàng đêm, để sáng hôm sau nói với anh: “anh ơi em lại mơ mình bị lỡ lớp, em lại mơ anh quên không mang cho em cái vali để đồ hóa trang, anh ơi bộ quần áo của em đâu”.


Còn NSƯT Đoàn Mạnh Dung thì chưa khi nào rảnh rỗi. Lúc nào “ông già Nam Bộ” cũng tất bật với hết phim này đến phim khác. Mới đây, anh vừa tham gia một vai trong bộ phim truyền hình “Bên lề tội ác” (đạo diễn Minh Quang). Trở về TP Hồ Chí Minh sau chuyến ra Hà Nội lần này, anh sẽ tiếp tục tham gia bộ phim truyền hình “Vết dầu loang” (đạo diễn Nguyễn Trọng Hải). Trong suốt cuộc đời mình, dù là diễn viên cải lương, diễn viên điện ảnh hay giảng viên thì anh đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Anh đã được khán giả ghi nhận, và đây món quà quý giá hơn bất cứ tấm huy chương hay danh hiệu nào dành cho người nghệ sĩ.


Bài và ảnh:Xuân Phong 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN