Chuyện về bản quyền âm nhạc

Bảo vệ bản quyền âm nhạc ngày càng được các nhạc sĩ quan tâm. Nhiều nhạc sĩ đã ký ủy thác bản quyền với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và nhận được tiền bản quyền thường xuyên. Tuy nhiên, câu chuyện về bản quyền âm nhạc vẫn còn nhiều điều để trăn trở.

 

1. Sáng 15/1, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã đưa ra con số ấn tượng: năm 2013 VCPMC đã thu về 58,3 tỷ đồng (trước thuế) tiền bản quyền âm nhạc. Như vậy, sau hơn mười năm hoạt động, năm 2013 được coi là năm nỗ lực vượt mức mong đợi của VMPMC. Điều đáng mừng hơn nữa, năm nay số tiền tồn đọng từ mọi năm (đã xác minh được chính chủ) đưa vào chi trả, đưa con số lên tới 49 tỷ đồng thay vì 41 tỷ (trong tỷ trọng phải phân phối của 58,3 tỷ đồng).

 

Số tiền bản quyền thu được từ các chương trình biểu diễn nghệ thuật ngày càng lớn.


Tuy nhiên theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, con số hơn 58 tỷ đồng, còn quá nhỏ khi nhìn ra bên ngoài. Malaysia mỗi năm thu về 25 triệu USD tiền bản quyền âm nhạc, Hàn Quốc là 100 triệu USD, Nhật là 1 tỉ USD, Mỹ là 3 tỉ USD. Như thế, chỉ so trong khu vực thôi, với số thu 2,5 triệu USD của Việt Nam hiện nay, nếu chỉ tăng mỗi năm mười phần trăm thì phải mất đến ba mươi năm mới “đuổi kịp” con số hiện tại của Malaysia. “Có thể trong nước, với bằng ấy thời gian hoạt động thì con số kia đã là tốt, nhưng tôi thì vẫn sốt ruột. Phải làm sao để không phải để tận ba mươi năm sau mới theo kịp Malaysia của năm nay? Phải có cách nhìn và cách làm mới, có các đối tác mới, thay vì cứ đi gõ cửa đòi tiền thì chúng tôi hợp tác cùng với các đơn vị sử dụng để cùng nhau làm việc, người sử dụng cũng có lợi mà quyền tác giả cũng đảm bảo. Tôi hy vọng, Nhà nước sẽ đẩy mạnh một bước nữa về vấn đề này, nhất là khi có các ràng buộc quốc tế khác”, nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ.


Nhìn lại chặng đường đã qua, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng nói rằng, thực ra việc mà tập thể VCPMC đang dốc sức làm việc với sự khổ ải quá mức này, chẳng có ai giao nhiệm vụ và cũng chẳng có ai ép buộc. Nhưng từ búc xúc, tâm huyết, nhất là sau khi có công ước Berne mà ông và những đồng nghiệp thấy rằng cần phải làm việc này cho âm nhạc nói riêng và cho đất nước nói chung. Mục tiêu ban đầu chỉ là để bảo vệ lợi ích cho các tác giả nhưng sau vài năm hoạt động thì công việc này còn nhằm bảo vệ lợi ích của cả cộng đồng. Vì thế mà bản thân ông tự thấy trách nhiệm đó, tự ràng buộc mình với công việc.


2. Tổng kết năm 2013, mỗi quý có top 100 nhạc sĩ nhận tiền bản quyền, nhiều nhất từ 20 triệu đến 187 triệu đồng/quý. Người thường xuyên có tiền bản quyền từ 100.000 đồng đến 20 triệu đồng lên tới gần 80% con số thành viên. Người nhận tiền bản quyền nhiều nhất từ VCPMC lên tới con số gần 700 triệu đồng/năm. Bài hát thu được nhiều tiền bản quyền nhất là “Quên cách yêu” của Nhạc sĩ K.Đ với 164 triệu đồng năm vừa rồi. Dĩ nhiên, chúng ta hiểu rằng, không phải cứ bài hát được đánh giá hay thì nhận được tiền bản quyền nhiều mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: lĩnh vực sử dụng, chương trình, từng địa phương, đơn vị sử dụng sản phẩm âm nhạc.


Theo VCPMC thì, hiện nay, các chương trình nghệ thuật bán được vé đã là khó, nhưng đi “đòi tiền” bản quyền của họ còn khó hơn rất nhiều. Hiện tại, tiền bản quyền thu được nhiều nhất thuộc lĩnh vực nhạc chuông, nhạc chờ, nhạc số (35%), từ nguồn karaoke là 15%, 15% nữa từ các chương trình biểu diễn,... Có những đơn vị ký hợp đồng thì có thể thu từ vài trăm đồng cho một lần sử dụng bài hát, nhưng cũng có nơi phải “cãi lý” với họ. Lần về Hải Dương mới đây, một chủ nhà hàng karaoke từ chối không chịu trả với lý do “tôi chỉ bán hàng nước, có hát karaoke nhưng thỉnh thoảng khách mới hát”. Việc đi thu tiền bản quyền nhiều khi cứ như là đi “đòi nợ” vậy.


3. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có 2.787 nhạc sĩ ký hợp đồng ủy thác tại trung tâm. Con số này tăng lên rất nhiều so với ban đầu là 274 khi trung tâm mới thành lập (năm 2002). Điều này cho thấy ngày càng có nhiều nhạc sĩ tin cậy vào VCPMC. Việc ký hợp đồng ủy thác không những đảm bảo lợi ích của các nhạc sĩ mà còn tránh được nhiều phiền toái không đáng có. Theo bà Trần Thị Trường, Phó giám đốc khu vực phía Bắc của VCPMC, để tránh tình trạng ca sĩ hát sai lời (điều mới xảy ra với Đàm Vĩnh Hưng với ca khúc Chiếc vòng cầu hôn của nhạc sỹ Trần Tiến, ca khúc giúp cho Đàm Vĩnh Hưng giành giải Bài hát được yêu thích nhất của năm 2013 với phần thưởng 1 tỷ đồng), khi các nhạc sĩ đăng ký bản quyền với trung tâm thì trung tâm có thể cung cấp cho ca sĩ bản lời chính xác. Hiện tại trung tâm có gần 90.000 tác phẩm đã có lời do chủ sở hữu tác phẩm và các nhạc sĩ gửi đến. Với vài triệu tác phẩm âm nhạc đang có, trung tâm sẽ tiếp tục đợi xác nhận từ các chủ sở hữu và tác giả.


Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN