'Chuyện nhạc phố cổ' ở đất kinh kỳ

Những loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống đặc sắc như chầu văn, quan họ, hát xẩm... được các nghệ sỹ của nhóm “Đông Kinh cổ nhạc” biểu diễn bằng giọng hát mộc, tiếng đàn mộc, đã thu hút và chinh phục đông đảo khán giả trong và ngoài nước.

Các nghệ sỹ biểu diễn trong chương trình “Chuyện nhạc phố cổ”.


Bắt đầu từ ngày 8/5/2015, chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” đầu tiên đã ra mắt khán giả tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phổ cổ, 50 Đào Duy Từ, Hà Nội. Đây là đêm diễn mở màn của chuỗi chương trình âm nhạc mang tên “Chuyện nhạc phố cổ”, nhằm mang đến cho khán giả một không gian văn hóa độc đáo về âm nhạc xưa của đất kinh kỳ Thăng Long.

Trong buổi biểu diễn ra mắt, “Chuyện nhạc phố cổ” đã mang đến cho khán giả những tiết mục nghệ thuật đặc sắc như ngâm thơ cổ Đào Liễu, ngâm dâng hương, hát xẩm, diễn các trích đoạn hề chèo, hát giáo đầu, hát ru cửa đình...

Tham gia chương trình là những nghệ sỹ đầu ngành của âm nhạc cổ truyền hiện nay, đó là: NSND Xuân Hoạch, nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam về đàn đáy; NSND Thanh Hoài (hát chèo), NSƯT Thanh Bình (hát chèo, ca trù), NSƯT Vũ Ngọc (bộ gõ), NSƯT Công Hưng (đàn nguyệt), NSƯT Mạnh Phóng (hát chèo), nghệ sĩ Thanh Hà (hát chèo)... Đây là các thành viên trong nhóm “Đông Kinh cổ nhạc”, được thành lập khoảng 2 - 3 năm nay, những người đã biểu diễn chương trình “Tiếng trúc tiếng tơ” làm lay động khán giả Pháp và Việt Nam trong thời gian qua. Hiện nay, nhóm có thêm sự tham gia của một số gương mặt khác như NSND Minh Gái (hát tuồng), NSƯT Thúy Ngần (hát chèo), nghệ nhân Trọng Quỳnh (hát văn)...

Chia sẻ cảm xúc khi biểu diễn trong chương trình “Chuyện nhạc phố cổ”, NSND Xuân Hoạch xúc động nói: “Đây là một chương trình nghệ thuật đặc biệt, không chỉ về nghệ thuật, mà nó còn được biểu diễn ở nơi cũng rất đặc biệt. Bởi đây chính là nhà hát cổ, có từ rất lâu đời, và là nơi biểu diễn của rất nhiều gánh hát của Thăng Long - Hà Nội xưa. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc khơi dậy và gìn giữ những nét đẹp của văn hóa cổ Thăng Long - Hà Nội xưa”.

NSƯT Đoàn Thanh Bình cho biết, chị tham gia chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” đơn giản là vì lòng yêu nghề, muốn làm hết sức mình để giữ gìn loại hình nghệ thuật cổ truyền của cha ông, muốn giới thiệu nghệ thuật truyền thống đến với nhiều người, nhất là lớp trẻ, để các em biết đến, hiểu và yêu nghệ thuật truyền thống dân tộc...

Nhạc sỹ Vũ Nhật Tân, một trong những thành viên tham gia tổ chức chương trình cho biết, âm nhạc cổ truyền Việt Nam vốn hay ở độ rung, nảy, rền, vang, những yếu tố đó truyền thẳng xúc cảm đến khán giả. Chính vì vậy, trong chương trình “Chuyện nhạc phố cổ”, các nghệ sỹ và nhạc công sẽ đàn và hát mà không sử dụng micro, phóng thanh hay các phương tiện kỹ thuật hiện đại nào nhằm khôi phục lại không gian âm nhạc xưa tới công chúng Việt, đồng thời để gìn giữ vẻ đẹp của âm nhạc cổ truyền, khán giả có thể thưởng thức được cái hay nhất, đẹp nhất của âm nhạc dân tộc. “Bên cạnh việc đàn và hát mộc, chúng tôi còn muốn phục dựng cả nghi lễ hát cổ nhạc, phục dựng phong cách nghe nhạc thời xưa như khán giả thưởng thẻ tre cho các nghệ sỹ, nhạc công đàn, hát hay...”, nhạc sỹ Vũ Nhật Tân cho biết.

Sau thành công của chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” đầu tiên, dự kiến, chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” sẽ diễn ra vào tối thứ sáu tuần thứ 2 hằng tháng. Để chương trình không bị nhàm chán và để “thực đơn” biểu diễn không cứng nhắc, bên cạnh việc giới thiệu nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống trong một buổi diễn, tới đây, có thể mỗi một chương trình biểu diễn sẽ dành cho một loại hình nghệ thuật riêng, vừa biểu diễn, vừa giới thiệu về lịch sử, sự phát triển... giúp khán giả hiểu hơn về loại hình nghệ thuật truyền thống...

Trước thực tế nhiều chương trình nghệ thuật dân tộc không tồn tại được lâu sau khi dưa ra giới thiệu với công chúng, nhạc sỹ Nguyễn Nhật Tân tâm sự: “Đó cũng là lo ngại của chính những người làm nghệ thuật. Chương trình có tồn tại được hay không thì còn phải chờ, nhưng ít ra, chuỗi chương trình thỏa mãn ước nguyện của những người làm nghề và gìn giữ vốn cổ như chúng tôi, đem đến cho khán giả thưởng thức được cái hay nhất, đẹp nhất của âm nhạc dân tộc”.

Phương Lan

Nhạc sĩ Cát Vận và 3 ca khúc  trong Chiến dịch Hồ Chí Minh
Nhạc sĩ Cát Vận và 3 ca khúc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Đã 40 năm trôi qua, nhưng có lẽ trong lòng nhạc sĩ Cát Vận chưa bao giờ quên thời khắc trưa 30/4/1975. Khi nhận tin chiến thắng, ngay trong giờ phút xúc động đó, ông đã đặt bút sáng tác và chỉ chưa đầy 1 ngày sau, ca khúc “Hát về thành phố tên Vàng” đã ngân vang trên Đài tiếng nói Việt Nam…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN