Chuyện một người Việt sưu tầm đồng hồ Liên Xô

Đa số người Việt Nam sang thành phố Kharkov của Ukraine chỉ chí thú mưu sính và kiếm tiền, song có một người không hoàn toàn như vậy. Thậm chí một số bạn bè còn cho anh là “hâm” bởi anh chất đầy trong căn hộ của mình cơ man nào là đồng hồ từ thời Liên Xô trước đây. Đó là anh Lê Ngọc Qui, người Khoái Châu, Hưng Yên, hiện ở khu A, Làng Thời đại thuộc tập đoàn Sun Group, thành phố Kharkov.


Đồng hồ báo thức Slava khá nổi tiếng ở Việt Nam.


Đến nhà anh, chúng tôi thực sự bất ngờ khi thấy căn hộ 2 buồng chật ních đồng hồ thời Liên Xô cũ. Trong thế giới cả ngàn chiếc đồng hồ này có cả chiếc Oddo to và nặng choán một khoảng không lớn. Câu chuyện của chúng tôi với anh Qui mỗi lúc một rôm rả. Anh Qui kể rằng anh sang Ukraine vào đầu những năm 1990, bố mẹ anh có 8 người con, bố anh là thợ sửa đồng hồ vì thế anh và người em cũng dấn thân vào cái nghề làm bạn với những cỗ máy tích tắc này.


Mải nói chuyện, song tôi không hề bỏ lỡ cơ hội được chiêm ngưỡng bộ sự tập đồng hồ Liên Xô thú vị của anh Qui. Thôi thì đủ loại thương hiệu, từ chiếc đồng hồ tròn báo thức Slava rất nổi tiếng ở Việt Nam trước đây, cho tới các thương hiệu mà có lẽ chỉ những người Việt đã sang Liên Xô mới biết như Mayak, Yantar, Molnia, Vesna, Minytu, Vitiat. Bộ sưu tập của anh Qui thực sự đa dạng với những chiếc đồng hồ bàn vỏ sắt nặng gần 5kg nhiều hình thù lạ lẫm, kích cỡ đa dạng, cho tới chiếc đồng hồ Mayak có cả chức năng đo nhiệt độ và độ ẩm. Theo anh Qui, đồng hồ cơ bình thường sử dụng từ 20 - 30 năm là hỏng. Ở Ukraine, do tiền công sửa đồng hồ đắt nên những chiếc đồng hồ cũ thường được người dân đem bán rẻ mà không sửa.


Trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây, do kinh tế Ukraine suy thoái nên bộ sưu tập của anh đầy lên khá nhanh. Trong căn hộ khiêm tốn của mình, do không có điều kiện phân loại, anh Qui chỉ chất tạm bộ sưu tập đồ sộ của mình lên giá tự tạo và để cả dưới sàn. Cũng may, khí hậu Ukraine hanh khô chứ không nóng ẩm như ở Việt Nam nên việc bảo quản đồng hồ không quá vất vả. Anh Qui cho biết, hàng ngày, cứ sau buổi đi chợ về là anh lại chúi đầu vào bảo dưỡng, chăm sóc, làm bạn với những chiếc đồng hồ của mình.


Nói tới niềm đam mê sưu tập đồng hồ, anh Qui chỉ vào một chiếc đồng hồ để bàn và cho biết chiếc đồng hồ này anh phải đi tận 300km để mua về vì khi đó bộ sưu tập của anh chưa có. Vui chuyện, tôi hỏi có khi nào anh phải đắn đo khi bỏ khoản tiền kha khá để tậu một chiếc đồng hồ cũ hay không. Anh khéo léo không trả lời thẳng vào câu hỏi này của tôi song qua câu chuyện, tôi có thể hiểu anh đã dành khá nhiều tiền bạc và công sức vào “khối tài sàn” mà nhiều người chỉ xem như “đồng nát” này. Anh tâm sự, ở đây có thể mua được những chiếc đồng hồ mà ở Việt Nam không bao giờ thấy. Hàng tuần anh đều lang thang chợ đồ cũ của thành phố Kharkov, lúc đầu có lúc anh phải mua đồng hồ với giá khá “chát” song sau này, do đã quen nên anh có thể mua đúng giá, thậm chí khi xuất hiện chiếc đồng hồ “đặc biệt” nào là người bán đều “ới” anh. Anh cũng lên Internet sục sạo để có thể bổ sung vào bộ sưu tập những “đứa con” đặc sắc mới.


Ngồi giữa khối tài sản “tích tắc” của anh Qui, tôi như lạc vào một thế giới khác, thế giới của những năm giữa thập niên 1960 khi tôi còn chưa ra đời. Các bậc cha chú của tôi thời đó, từng sống và làm việc ở Liên Xô, nếu được ngồi trong khung cảnh này chắc chắn sẽ kể vanh vách về độ bền, chất lượng, niềm tự hào một thời của hàng hóa Liên Xô cũ.


Chia tay anh Qui và gia đình, tôi thực sự mong mỏi bộ sưu tập sẽ sớm được anh “rinh” về Việt Nam, như mong muốn của anh, để nhiều người có thể chiêm ngưỡng, thưởng thức, tận mắt cảm nhận được chất lượng, sự đa dạng, tính đặc sắc của những chiếc đồng hồ Liên Xô trước kia.



Bài và ảnh: Duy Trinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN