Chuyện “Em gái Xơ Đăng ở Trường Sa”

Trong chuyến đi Trường Sa của đoàn công tác số 3 hồi tháng 4/2013, có cô gái Y Thọ, dân tộc Xơ Đăng của huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) cùng tham gia. Hình ảnh người con gái từ đại ngàn Tây Nguyên đến thăm Trường Sa đã tạo cảm hứng để nhà báo - nhà thơ Uông Ngọc Dậu (Giám đốc hệ VOV1 - Đài Tiếng nói Việt Nam) viết bài thơ “Em gái Xơ Đăng ở Trường Sa”. Đồng cảm với hình ảnh đó, nhà báo - nhạc sỹ Trần Nhật Dương (Phó giám đốc hệ VOV3 - Đài Tiếng nói Việt Nam) đã phổ nhạc và cho ra đời ca khúc cùng tên.

 

Nhà báo Uông Ngọc Dậu chia sẻ: “Tháng 4/2013, tôi tham gia chuyến công tác ra Trường Sa cùng các đồng nghiệp của Đài Tiếng nói Việt Nam, trong đó có nhà báo, nhạc sỹ Trần Nhật Dương. Trên cùng chuyến tàu HQ-996 của tôi lần ấy, có đoàn đại biểu người dân tộc thiểu số của huyện Đắk Hà. Trong đoàn, có một cô gái tên Y Thọ, dân tộc Xơ Đăng, cán bộ huyện Đắk Hà.

 

Nhà thơ Uông Ngọc Dậu (bên trái) và nhạc sỹ Trần Nhật Dương.

 

Trong những ngày lênh đênh trên biển, rồi vào các đảo, tôi đã quan sát và nhận thấy những tình cảm hồn nhiên, trong sáng của cô gái Xơ Đăng này. Và giữa đảo chìm, đảo nổi, giữa biển trời Trường Sa, hình ảnh “Em gái Xơ Đăng thung thăng giữa Trường Sa” đã bật ra. Từ ý thơ đầu tiên, nối tiếp mạch cảm xúc, tôi tiếp tục viết những khổ thơ khác… Điều mà tôi muốn nói ở đây chính là câu chuyện về mạch Trường Sơn nối với Trường Sa, mà điểm tựa là hình ảnh cô gái Xơ Đăng”.


Ngay khi hoàn thành, nhà báo Uông Ngọc Dậu đã mang bản thảo bài thơ sang cho nhạc sĩ Trần Nhật Dương. Trong khoang tàu chật hẹp, nhạc sĩ Trần Nhật Dương đã cầm đàn gảy lên những nốt nhạc đầu tiên cho bài thơ. Và khi tàu HQ-996 còn chưa vào đất liền, thì toàn bộ phần nhạc phổ cho bài thơ đã hoàn thành.

Em gái Xơ Đăng ở Trường Sa

Em gái Xơ Đăng thung thăng Trường Sa

Háo hức hân hoan như trở về nhà

Chân đạp sóng đầu ngập tràn nắng gió

Mắt em cười biển biếc bao la...

 

Em mang gió Trường Sơn reo cùng sóng Trường Sa

Nối nhịp thở đại dương cùng nhịp chiêng Tây Nguyên hùng vĩ

Em chở nỗi khát khao thiêng liêng bình dị

Chân Trường Sơn đạp sóng Biển Đông.

 

Mạch Trường Sơn chạy suốt tận Biển Đông

Lặn vào sóng nâng đảo chìm nổi

Thềm lục địa-mạch đại ngàn tụ hội

Bóng kơ nia so dáng bóng bàng vuông.

 

Chân em qua trăm suối mười rừng

Giờ thân thuộc giữa đảo chìm đảo nổi

Trong tiếng sóng có tiếng rừng bổi hổi

Trường Sơn liền một dải với Trường Sa...

Uông Ngọc Dậu


Nhạc sỹ Trần Nhật Dương tâm sự: “Đây là chuyến đi đầu tiên của tôi đến với Trường Sa, một chuyến đi hết sức ý nghĩa và xúc động. Hình ảnh các chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ, nhưng rất rắn rỏi, vững vàng cầm súng đứng canh gác bên cột mốc chủ quyền, đã để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc, tôi đã muốn viết một bài hát tặng các anh. Đúng lúc ấy, nhà báo Uông Ngọc Dậu mang cho tôi bài thơ “Em gái Xơ Đăng ở Trường Sa”. Những bỡ ngỡ ban đầu của một cô gái Tây Nguyên ra đảo, rồi những bước chân lạ lẫm của cô khi từ rừng xuống biển… đã được nhà báo Uông Ngọc Dậu khắc họa nổi bật.

Càng đọc bài thơ, tôi càng ấn tượng với những hình ảnh cô gái đã mang gió Trường Sơn xuống reo cùng sóng Trường Sa, trong đó, tôi đặc biệt là khổ thơ: “Mạch Trường Sơn chạy suốt Biển Đông/ Lắng vào con sóng nâng đảo chìm, đảo nổi/ Thềm lục địa - mạch đại ngàn hội tụ/ Bóng kơ nia so bóng dáng bàng vuông”. Những hình ảnh trong bài thơ đã làm toát lên hình tượng đất nước Việt Nam nối liền một dải từ Trường Sơn, Tây Nguyên đến Trường Sa, và tôi đã hòa vào mạch hình tượng đó, viết lên những giai điệu âm nhạc cho bài thơ này”.


Trở về từ chuyến công tác, nhạc sỹ Trần Nhật Dương đã trực tiếp dàn dựng, mời nhạc sỹ Vũ Mạnh Cường phối khí và mời ca sĩ Trường Bắc, Hồng Nhung thể hiện bài hát này. Khi được giới thiệu trên đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát đã nhận được sự ủng hộ của nhiều khán giả, nhất là các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ.


Nhạc sỹ Trần Nhật Dương cho biết, anh đang ấp ủ để cho ra đời một bài hát khác về Trường Sa, tuy nhiên, bài hát chưa hoàn chỉnh nên anh chưa công bố. “Chủ đề về Trường Sa, Hoàng Sa đối với một nhạc sỹ sẽ không bao giờ cạn kiệt, với trách nhiệm của một nhà báo, một người nhạc sỹ, tôi sẽ tiếp tục sáng tác những ca khúc về chủ đề này” - nhạc sỹ Trần Nhật Dương khẳng định.


Phương Lan

Tiếng hát đại ngàn vang giữa Trường Sa
Tiếng hát đại ngàn vang giữa Trường Sa

Giữa biển khơi được nghe tiếng hát hào sảng của những chàng trai, cô gái đến từ núi rừng Tây Nguyên là ấn tượng không thể quên đối với các chiến sỹ ở Trường Sa cũng như các thành viên trong đoàn công tác các tỉnh Tây Nguyên...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN