Chung tay xây dựng văn hóa đọc ở nông thôn

Trẻ em vùng nông thôn, miền núi vẫn luôn có nhu cầu được đọc sách, nhưng hệ thống phát hành sách ở nông thôn, miền núi chưa đồng bộ.

Nông thôn, miền núi thiếu sách

Chị Bùi Thị Phượng, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái than thở, sinh nhật con gái, muốn mua tặng con một bộ truyện, mà tìm mỏi mắt chẳng thấy cửa hàng nào có sách bán. Khi tìm đến những cửa hàng bán văn phòng phẩm, chỉ thấy lèo tèo vài quyển sách giáo khoa, sách truyện hầu như không có, nên chị phải nhờ người nhà mua ở Hà Nội mới mua được một bộ truyện làm quà sinh nhật cho con. 

Xây dựng văn hóa đọc để bồi dưỡng những con người có ích cho xã hội.

Thực tế cho thấy, không riêng gì ở Nghĩa Lộ, mà tình trạng thiếu sách ở những vùng nông thôn, miền núi khá phổ biến. Huyện Thọ Xuân, một trong những huyện khá về kinh tế ở Thanh Hóa, nhưng ở phố huyện chỉ có 6 cửa hàng sách tư nhân, cũng thuần túy bán sách giáo khoa cũ và mới cùng văn phòng phẩm. Hỏi chủ nhà sách thì được biết, có khi cả tháng mới có người hỏi mua 1 - 2 cuốn truyện thiếu nhi cho trẻ, vì vậy họ không dám nhận sách về bán. 

Mới đây, trong một cuộc hội thảo bàn về “Sách cho trẻ em nông thôn, miền núi”, các chuyên gia đã đưa ra con số thống kê, cả nước hiện có khoảng trên 100 đơn vị phát hành xuất bản phẩm, với khoảng 13.700 nhà sách, hiệu sách, trung tâm sách, siêu thị, điểm cho thuê, mua bán sách; gần 300 công ty trách nhiệm hữu hạn, tư nhân kinh doanh xuất bản phẩm. Tuy nhiên, những đơn vị phát hành sách này chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, còn các đơn vị phát hành sách ở các địa phương, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa đang ngày càng thu hẹp. 

Ông Phạm Thế Khang, Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam nêu một thực trạng đáng ngại, không chỉ mạng lưới phát hành sách ở nông thôn, miền núi bị thu hẹp, mà hệ thống thư viện ở các trường học ở nông thôn, miền núi hầu như chỉ có sách giáo khoa, thậm chí sách giáo khoa cũng không đủ cho học sinh mượn học. Trong khi đó, một nguồn cung cấp sách khác đối với trẻ em nông thôn, miền núi là hệ thống thư viện công cộng, cũng vô cùng khó khăn. 

Nói về tình trạng này, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thừa nhận, hiện nay, các thư viện công cộng cũng như thư viện trường học ở miền núi vẫn còn khó khăn vì thiếu sách. Một phần do điều kiện bổ sung tài liệu từ nhà trường và thư viện công cộng hạn chế. Một phần nữa do chương trình mục tiêu quốc gia về việc trang bị sách cho các thư viện huyện ở vùng sâu, vùng xa đã không còn được duy trì. Chính vì vậy, ngoài sự cung cấp của Nhà nước, các thư viện hiện đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu đầu sách. 

“Việc sách không về nông thôn, miền núi đã tạo tâm lý một thế hệ trẻ không yêu thích văn hóa đọc. Và như vậy, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi đang ngày càng cách biệt, là những thiệt thòi không thể bù đắp nổi đối với người dân, đặc biệt là trẻ em ở nông thôn, miền núi”, ông Phạm Thế Khang cho biết. 

Cộng đồng chung tay 

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, trong bối cảnh thiếu sách như hiện nay, để đưa được sách đến vùng nông thôn, miền núi, giúp các em thiếu nhi được tiếp cận với sách, tiếp cận với kho tri thức vô tận, biện pháp đầu tiên là đẩy mạnh luân chuyển sách từ thư viện công cộng cấp tỉnh, cấp huyện đến vùng miền núi, vùng sâu vùng xa. Một số địa phương như Yên Bái, Đồng Tháp... đã tổ chức đưa thư viện lưu động đến tận nơi phục vụ các em thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa và có hiệu quả tốt. Năm 2016, Vụ Thư viện đã xây dựng đề án về xe thư viện lưu động, vận động từ nguồn xã hội hóa và được tài trợ 5 xe ô tô thư viện lưu động, cho 5 tỉnh: Sơn La, Quảng Nam, Gia Lai, An Giang và Nghệ An. Những chiếc xe ô tô thư viện lưu động đã trở thành tòa nhà thư viện lưu động với đầy đủ trang thiết bị cần thiết, có sách, có máy tính đi khắp nơi phục vụ thiếu nhi, và được các em nhiệt tình đón nhận. 

Cũng với mong muốn thúc đẩy văn hóa đọc, nâng cao dân trí, trong thời gian qua, nhiều cá nhân, đơn vị, các nhóm hoạt động thiện nguyện đã rất nỗ lực mang sách đến các vùng miền, giúp các em thiếu nhi có nhiều cơ hội được đọc sách, tìm hiểu tri thức, đồng thời thành công trong việc thúc đẩy văn hóa đọc ở các vùng nông thôn, miền núi. Nổi bật là dự án “Sách hóa nông thôn” của anh Nguyễn Quang Thạch, trong vòng hơn 10 năm, Nguyễn Quang Thạch cùng những người đồng sự của mình đã xây dựng được gần 10.000 tủ sách ở nhiều tỉnh, thành.

Tương tự, dự án “Tủ sách Lam Sơn” của nhóm trí thức, doanh nhân là những người con xứ Thanh hỗ trợ phát triển hệ thống thư viện sách theo mô hình "Tủ sách lớp học", với mục tiêu, tặng tủ sách cho các học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hội Doanh nhân Hải Hậu tại Hà Nội đã tự xây dựng chương trình “Tủ sách lớp học” tại Hải Hậu. Tỉnh Nam Định cũng đã phát động chương trình “Xây dựng 12.662 tủ sách lớp học ở Nam Định”, với mục tiêu phủ sách lên toàn bộ 10 huyện và thành phố của tỉnh, để các học sinh Nam Định từ mẫu giáo đến trung học đều được tiếp cận với sách phù hợp với các em... 

Thầy Hà Duyên Sơn, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Thọ Xuân, sau khi nghỉ hưu, đã phát triển tủ sách gia đình thành “Thư viện tư nhân Hà Duyên Đạt”, với khoảng 2.500 đầu sách và trên 7.000 bản sách thuộc nhiều thể loại, phù hợp với mọi lứa tuổi. Thư viện mở cửa phục vụ bạn đọc miễn phí theo lịch... “Đến nay, Thư viện Hà Duyên Đạt đã có trên 500 bạn đọc ở mọi lứa tuổi được cấp thẻ thường xuyên, bình quân mỗi ngày có từ 30 - 50 lượt bạn đọc đến đọc, mượn sách”, thầy giáo Hà Duyên Sơn, quản lý Thư viện tư nhân Hà Duyên Đạt cho biết. 

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, việc Nhà nước, nhân dân, doanh nhân cùng chung tay xây dựng tủ sách, giúp trẻ em nông thôn, miền núi có sách để đọc, dần dần thúc đẩy niềm yêu thích đọc sách trong các em, giúp các em có cơ hội học tập tốt hơn, tích lũy tri thức để trở thành người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.
Lan Lộc/Báo Tin Tức
Thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản và văn hóa đọc
Thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản và văn hóa đọc

Chiều ngày 3/8, Sở Thông tin Truyền thông (TTTT) Hà Nội, Hội sách quốc tế Frankfurt, Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức khai giảng khóa bồi dưỡng nghiệp vụ xuất bản. Khoá học sẽ diễn ra đến hết ngày 5/8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN