'Chiến trường cho chúng tôi những trang viết'

“Sống đã rồi hãy viết”, câu nói ấy của nhà văn Nam Cao đã trở thành khẩu hiệu vẫy gọi, trở thành lý tưởng sống- chiến đấu của thế hệ các nhà văn, nhà thơ khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ. Rất nhiều người đã lên đường nhập ngũ, đến những nơi mũi nhọn trên các chiến trường và nhiều tác phẩm đã ra đời ở những nơi nóng bỏng ấy, đúng là chiến trường đã cho chúng tôi những trang viết”, nhà văn Nguyễn Khắc Trường xúc động nhớ lại.

Những người lính cầm bút


Khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, lớp nhà văn, nhà thơ đàn anh đã có tên tuổi từ thời tiền chiến hay trong kháng chiến chống Pháp như: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Quang Dũng, Hoàng Cầm... vẫn tiếp tục sáng tác trên mọi ngả đường, với những đóng góp xứng đáng vào thành tựu của cả nền văn chương chống Mỹ.

Cũng ở thời điểm đó, một thế hệ hàng trăm nhà thơ, nhà văn trẻ ở độ tuổi chỉ mới 20- 35 cũng đã xuất hiện, tạo nên một lực lượng văn chương đông đảo, mạnh mẽ, đã khẳng định được vị trí và giá trị của mình khi họ dám dấn thân và hết mình với cuộc chiến đấu của dân tộc.

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương: “Nếu thế hệ các nhà văn, nhà thơ trong kháng chiến chống Pháp nhìn và “ghi” lại cuộc chiến ở tầm bình luận sâu rộng, thì tinh thần của lớp nhà văn, nhà thơ trẻ trong kháng chiến chống Mỹ lại có một chút khác biệt khi nó còn có “vị thật” của cuộc sống, bởi thơ, văn của họ còn có yếu tố “miêu tả” chiến tranh. Đó là những ngày thường sinh động, của tâm trạng tươi ròng trong những khoảnh khắc đời thực, đó là những ý thơ không thể ngồi nghĩ ra mà phải có mặt trong hiện hữu để “chộp” lấy mới có được”.

Cuộc hội ngộ của các nhà văn, nhà thơ thời kỳ chống Mỹ nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.


Thế nên mới có những phát hiện rất đời thường trong thơ Phạm Tiến Duật:

Đại đội trong đêm đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất
hay Hoàng Nhuận Cầm đã ghi nhanh lại được một khoảnh khắc trong ngày tất niên của lính chiến trường: “Lính tráng cởi truồng lội sông đón Tết”;

Hay Hữu Thỉnh đã ghi như kể lại lòng mình khi xe tăng đơn vị ông đánh vào Phan Thiết, nơi người anh ruột của mình đã hi sinh:

Em đã qua những cơn sốt anh qua
Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp
Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết
Em một mình đứng khóc ở sau xe
Kho sử đồ sộ bằng văn chương

Hơn tất cả, những bài thơ ra đời trên chiến trường đã trở thành một thứ “nuôi sống tinh thần” những người lính. Ít ai biết được rằng, trong hành trang của những người lính giữa khói lửa bom đạn luôn thường trực những tập thơ viết về họ, bởi những câu thơ, mẩu chuyện ra đời trong hoàn cảnh ấy lại là ánh sáng soi đường cho họ bước tiếp.

“Những bài thơ viết trong chiến tranh thường đặc biệt, đặc biệt là ở nơi mình viết bài thơ ấy. Lúc làm thơ dọc đường Trường Sơn tôi luôn có cảm giác mình đang viết nhật ký. Vì chúng ra đời ở những thời điểm đôi khi gấp rút, ngắn ngủi. Có khi là lúc đang nằm trên võng, lúc chờ cơm hay có khi là đang chiến đấu cùng đồng đội ý thơ cũng bật lên. Chúng như những ánh chớp bất chợt sáng trong đầu mình và quyển sổ nhỏ là nơi ghi chép lại những giây phút đó”, nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ.

Không chỉ có giá trị tinh thần trong chiến đấu, sự nở rộ của các tác phẩm thơ, văn ra đời thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với những chi tiết thấm đẫm hiện thực đời thường; các nhà văn, nhà thơ còn làm nên một “pho sử” về  cuộc chiến bằng văn chương, mà theo GS Phong Lê: “Trong lịch sử dân tộc ta, chưa có thời kỳ nào chúng ta lại có kho tư liệu về lịch sử đồ sộ như trong thời kỳ 2 cuộc kháng chiến, nhất là kháng chiến chống Mỹ".

"Những diễn biến lịch sử của cuộc chiến không chỉ được ghi lại mà còn được miêu tả rất tỉ mỉ và sâu sắc với đầy những cảm xúc chân thực. Đó là sự cống hiến, là vai trò to lớn của các nhà văn, nhà thơ thời kỳ đó. Họ đã tạo nên một nền văn nghệ có sức sống và giá trị tư liệu cho muôn đời sau. Bởi họ là những người lính, những người trực tiếp ra chiến trường, những người xả thân vì lý tưởng cao đẹp mới có được bài thơ, những trang viết có giá trị lịch sử như vậy”.

“Chúng ta vô cùng trân trọng những nhà văn, nhà thơ đã đóng góp cho cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc không chỉ ở chỗ họ cầm súng mà họ cũng cầm bút để làm vũ khí chiến đấu. Và đất nước ta, quân đội ta cũng rất tự hào vì đã sinh ra được những người lính, nhà văn, nhà thơ như thế”, nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa chia sẻ.   


Bài và ảnh: Tạ Nguyên


Bộ đội Tăng Thiết giáp trong kháng chiến chống Mỹ
Bộ đội Tăng Thiết giáp trong kháng chiến chống Mỹ

Với quyết tâm và ý chí chiến đấu cao, vận dụng cách đánh mưu trí, sáng tạo, linh hoạt, táo bạo, dũng cảm, kiên cường bộ đội Tăng Thiết giáp tạo nên truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN