Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020

Ngày 18/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo giới thiệu Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.


Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn của đất nước trong thời kỳ mới hội nhập quốc tế, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 210/QĐ-TTg ngày 8 tháng 2 năm 2015 phê duyệt Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định văn hóa đối ngoại được thực hiện bởi mọi tầng lớp xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và xây dựng thông điệp, hình ảnh quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.


Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga. Ảnh: Duy Trinh - TTXVN.


Mục tiêu của chiến lược là chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa để quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.


Chiến lược đã xác định 3 mục tiêu cụ thể: Quảng bá các giá trị văn hóa của dân tộc ra thế giới, làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, tạo dựng lòng tin và sự yêu mến đối với Việt Nam, góp phần thúc đẩy việc triển khai quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác; Tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp và đồng bộ, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa ra các thị trường nước ngoài, góp phần đưa thương hiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới, quảng bá văn hóa quốc gia.


Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020 là xây dựng và vận hành cơ chế điều phối quốc gia về văn hóa đối ngoại; phát triển những loại hình, mô hình, phương thức hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng, hiệu quả để giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật và truyền thống phù hợp với từng địa bàn như các ngày văn hóa, tuần văn hóa Việt Nam, các lễ hội văn hóa - du lịch… Phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, xây dựng biểu tượng văn hóa quốc gia và một số thương hiệu sản phẩm văn hóa quốc gia; Thành lập trung tâm văn hóa ở một số địa bàn trọng điểm trên thế giới và xây dựng trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài; Thiết lập đội ngũ Tham tán văn hóa, Tùy viên Văn hóa tại các cơ quan địa diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài và hệ thống Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác văn hóa đối ngoại…


Trong giai đoạn đến năm 2020, các nhiệm vụ này sẽ ưu tiên triển khai tại các địa bàn trọng điểm, là những nhóm có quan hệ truyền thống, lâu đời và gần gũi về địa lý như Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước khác thuộc khối ASEAN; các nước đối tác chiến lược ở Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Âu, Bắc Mỹ. Đến năm 2030 đưa các các quan hệ quốc tế về văn hóa đã được thiết lập đi vào chiều sâu, đồng thời tiếp tục mở rộng quan hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ ở những địa bàn có khoảng cách địa lý xa…


Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN