Chiếc trống khổng lồ "hỏng" tới đâu?

Thông tin về việc chiếc trống lớn nhất Việt Nam bị xuống cấp đang trở thành điểm nóng của những vấn đề “hậu Đại lễ”. Trước đó, vào đầu tháng 10/2010, chiếc trống khổng lồ này đã được Hiệp hội thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội “cung tiến” cho Hoàng thành Thăng Long và đặt tại điện Kính Thiên gần 3 tháng qua.


1. “Chuyện mốc mặt trống và giá trống bị nứt là có thật. Nhưng cần hiểu đúng, tình trạng này xuất phát từ việc người làm trống sử dụng da trâu tươi và gỗ tươi. Đặt trong điều kiện thời tiết ẩm phía Bắc, việc mốc, nẻ như vậy là không tránh khỏi” - ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội, đơn vị đang bảo quản trống, cho biết. Theo ông Sơn, tình trạng nấm mốc như vậy diễn ra khá phổ biến với những chiếc trống đặt tại một số đình, chùa phía Bắc. Theo thời gian, tình trạng trên sẽ bớt đi hẳn sau khi da trâu bịt mặt trống khô dần. Tương tự, khi gỗ ở giá trống khô và co lại, các vết nứt nhẹ cũng sẽ không còn phát triển. Tới lúc đó, tôi sẽ bàn thêm với các chuyên gia và nghệ nhân để khắc phục. Thông thường, dân gian hay trám sơn ta vào các vết nứt này - ông Sơn nói.




Theo lời ông Sơn, việc che bạt bảo quản nắng mưa cho trống vẫn được nhân viên của trung tâm tiến hành chu đáo suốt thời gian qua. Khi có nấm mốc, vì sợ làm mủn da trâu, dẫn tới ảnh hưởng về âm thanh của trống.

Hiện, trung tâm đã có công văn đề nghị Hiệp hội thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội giúp dư luận hiểu rõ bản chất sự việc. Trước đó, vào tuần qua, đơn kiến nghị của ông Lê Giang Tô (Phó chủ tịch Hiệp hội thủ công, người chi 160 triệu đồng làm trống) và nghệ nhân Phạm Chí Tịnh (người làm trống) đã được gửi lên UBND TP Hà Nội. Theo đó, chiếc trống sấm có đường kính 3,15m này đang bắt đầu hỏng vì sự xâm thực của vi khuẩn, mưa nắng và thời tiết: mặt trống mốc nặng, các hoa văn phai màu, giá trống bằng gỗ xuất hiện nhiều vết nứt. Lá đơn khẳng định: nếu được bảo quản tốt, chiếc trống sẽ có thể “thọ” ít nhất là 300 năm

Một số vết nứt trên giá trống. Ảnh: Hoàng Hà


2. Hiện tại, thay cho việc trùm vải bạt bảo quản, bốn cọc thép và một bộ khung thép đã được triển khai để căng lên một nhà bạt dã chiến bảo vệ chiếc trống này. Theo lời ông Sơn, cách bảo quản trong không gian thoáng như vậy sẽ hạn chế bớt độ ẩm của môi trường quanh trống. Trong những ngày trời nắng vừa phải, bạt sẽ được tháo và trống được phơi nắng nhẹ diệt mốc.


Trước câu hỏi về lý do không sử dụng nhà bạt bảo quản ngay từ đầu, ông Sơn cho biết: việc sử dụng kinh phí cho các hạng mục trong thành cổ rất phức tạp và cần được thông qua bằng công văn. Ngoài ra, cũng do thành cổ đang trong quá trình quy hoạch, việc xây một nhà riêng để bảo quản trống là chưa khả thi. (Hiện, trong thành cổ không có phòng nào đủ độ cao và độ rộng để đặt trống). Trong tương lai, có thể việc này sẽ được tính đến.


Dù chưa tới mức “nghiêm trọng” như e ngại của dư luận, nhưng chuyện về chiếc trống khổng lồ này đặt ra một câu hỏi khác: phải chăng, chúng ta mải nhiệt tình thiết kế những vật phẩm đạt “kỷ lục” trong các dịp lễ hội nhưng lại có phần ít nghĩ về việc tìm một cách tồn tại hợp lý cho những vật phẩm sau khi đạt kỷ lục ấy?


Theo TTVH

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN