Chiếc đèn lồng đỏ

Chuyện những chiếc đèn lồng không rõ nguồn gốc xuất xứ treo nhan nhản ở các điểm vui chơi công cộng bỗng dưng có chuyện khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) có văn bản yêu cầu các địa phương tháo dỡ. Theo văn bản của Bộ VH,TT&DL, thì các loại đèn lồng trang trí tại các di tích, lễ hội, khu dân cư, các điểm vui chơi công cộng phần lớn in chữ nước ngoài, màu sắc sặc sỡ, không phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam.

 

Đèn lồng nhập ngoại được bày bán nhiều trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Lê Phú


Treo đèn lồng là phong tục đã có từ lâu của người Việt Nam. Đèn lồng Việt có nét khác biệt so với Trung Quốc, đặc trưng nhất là hình dáng của chiếc đèn lồng được làm từ tre, gỗ. Ở Hội An (Quảng Nam), việc treo đèn lồng trước nhà vào những ngày lễ cũng đã trở thành tập tục từ rất lâu, với nét trang trí bình dị nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp rực rỡ, sang trọng vốn có. Cứ có hội hè là người dân lại làm đèn để treo trang trí trong gia đình, sau đó là làm để bán. Làm đèn lồng đã trở thành một nghề đặc sắc của riêng Hội An.


Đèn lồng được sản xuất ở nhiều địa phương trong cả nước, nhưng có truyền thống lâu đời nhất phải kể đến Hội An. Trước đây, Hội An chỉ làm lồng đèn dự cuộc thi lồng đèn do chính quyền thành phố phát động vào dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán hằng năm hoặc làm lồng đèn treo trước ngôi nhà của mình vào những đêm phố cổ. Nhưng nay nghề làm đèn lồng phát triển đại trà, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ tập thể (năm 2000).


Đèn lồng Hội An được làm bằng tre, gỗ và dán bằng lụa đã trở thành sản phẩm có thương hiệu, được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới với sản lượng mỗi năm hơn 1 triệu chiếc. Nghề làm đèn lồng Hội An phát triển đã giải quyết cho thành phố hơn 3.000 lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Nguyên liệu chính để làm đèn lồng là tre và vải lụa. Tre dùng để tạo khung đèn là loại tre già được ngâm kĩ với nước muối để chống mối mọt. Sau đó tre được phơi khô vót mỏng cho phù hợp với kích cỡ của các loại đèn.

 

Vải lụa tơ tằm có độ dai khi căng trên khung đèn không bị rách. Người Hội An thích dùng lụa Hà Đông để bọc đèn. Thứ lụa này làm cho ánh sáng thêm huyền ảo sống động. Để hoàn chỉnh một chiếc đèn lồng còn phải bỏ công sức tiện gỗ quét sơn hay véc ni, kết tua đèn, uốn dây thép làm chỗ treo đèn. Trước đây, lồng đèn được làm chủ yếu loại lồng đèn lớn, lồng đèn kéo quân, nhưng dành cho người giàu, người bình thường khó có tiền sắm được. Sau đó, tự người dân học hỏi và bắt đầu làm đèn lồng phục vụ trang hoàng nhà cửa.


Nhiều năm trở lại đây, với mục đích thu hút khách du lịch, Hội An thường tổ chức Lễ hội đèn lồng vào dịp Tết Nguyên đán. Du khách đến thăm Hội An vào dịp này sẽ được ngắm nhìn những con phố rực rỡ đèn lồng. Đèn lồng thắp sáng không gian phố cổ với các loại đèn lồng truyền thống như đèn lồng long, lân, quy, phụng, cây trái đến đèn lồng ông sao, kéo quân và đèn lồng biểu tượng các nhân vật lịch sử, các di tích...


Ấy vậy mà, thời gian gần đây, ở một số lễ hội, di tích, đường phố, đèn lồng Hội An không còn được chuộng và cứ teo tóp dần. Vào dịp lễ, Tết, người ta dăng kín đường phố, khu di tích, nơi vui chơi công cộng bằng những chiếc đèn lồng có xuất xứ nước ngoài. Có người nói, sở dĩ người dân chuyển sang treo đèn lồng có xuất xứ nước ngoài bởi màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, giá rẻ và có thể mua ở bất kỳ đâu. Còn đèn lồng Hội An tuy bền, nhưng giá thành cao, hơn nữa chưa có mạng lưới tiêu thụ rộng, nên rất khó mua. Lợi dụng điều này, đèn lồng ngoại được nhập ồ ạt và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trong nước. Người dân thấy rẻ thì mua và chẳng mấy quan tâm trên chiếc đèn đó được in gì.


Thật đáng lo ngại, ở nhiều địa phương, chính quyền còn khuyến khích người dân treo đèn lồng vào dịp lễ, Tết. Thế nên, đèn lồng có xuất xứ nước ngoài được treo nhan nhản ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Ở Hà Nội, phố Hàng Mã từng là con phố của những đồ thủ công trang trí truyền thống, cũng tràn ngập những chiếc đèn lồng được nhập về từ biên giới. Đèn lồng đỏ in chữ nước ngoài cũng một thời gian dài kết chùm “bao vây” Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Thật đáng lo ngại, vào dịp Tết Quý Tỵ 2013, tại một số tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hải Phòng xuất hiện rất nhiều đèn lồng in chữ Tam Sa (đơn vị hành chính do Trung Quốc lập trái phép, gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) và chữ Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam).


Từ bài học nêu trên, dư luận đồng tình với quyết định tháo dỡ đèn lồng ngoại của Bộ VH,TT&DL. Tuy nhiên, không thể cấm người dân mua bán và treo được vì đèn lồng không nằm trong danh mục hàng hóa bị cấm. Do vậy chỉ có thể thuyết phục, nhắc nhở người dân không sử dụng, chứ không thể sử dụng biện pháp hành chính cứng nhắc.


Yến Nhi


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN