Chia sẻ yêu thương

Tôi quen Trần Phước Ninh qua... thơ, tình cờ khi được đọc tập thơ “Tạ lỗi cùng quê” (NXB Văn học) với 36 bài thơ của anh vào cuối năm 2011. Đó là những bài thơ anh viết trong nhiều năm bán vé số ở Sài Gòn, với chân tay lèo khoèo, bước thấp bước cao và miệng méo nói không rõ chữ.

Trần Phước Ninh, sinh năm 1972, ở thôn Xuyên Đông 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên. Một buổi trưa, khi Ninh đang là học sinh lớp 11 Trường THPT Sào Nam (Duy Xuyên), Ninh bất ngờ bị bạo bệnh, tử thần chưa gọi tên nhưng thân mình mang di chứng. 

Nghĩ mình vô dụng, Ninh xin phép mẹ vào TP. Hồ Chí Minh tìm kế sinh nhai. Sau 10 năm bán vé số ở Sài Gòn, Ninh quay về Đà Nẵng tiếp tục bán vé số. Và Ninh đã vượt qua mặc cảm, trở về quê hương, về với quê mẹ dấu yêu “Ta về quỳ giữa đất trời/ Tạ ơn mẹ đã hát lời ca dao” (Bài thơ Tạ lỗi cùng quê).

Trần Phước Ninh (hàng sau cùng) phát quà cho trẻ em thôn Đông Bình,xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên đầu năm học 2015-2016.

Vịn câu thơ đứng dậy

Biết được hoàn cảnh con bị tật nguyền, mẹ già sức yếu của gia đình Ninh, một bác sỹ ở Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên cùng các “Mạnh Thường Quân” đã chung tay mỗi người một ít giúp anh mở quán cà phê nhỏ “Thi hữu quán” ngay tại nhà anh ở thôn Xuyên Đông 2 này. 

Mỗi sáng, tại quán cà phê có tên rất thơ ấy, Trần Phước Ninh cần mẫn bán cà phê cho khách. Người mẹ già của anh lưng còng, tay yếu cũng phụ giúp con. Cuộc mưu sinh khó nhọc này đã diễn ra gần 10 năm nay, từ khi căn quán nhỏ này ra đời. Thấu hiểu hoàn cảnh của Ninh, người hỗ trợ ít tiền, vài chục kg gạo, có người vận động một nhà hảo tâm xóa nhà tạm cho mẹ con anh có chỗ ở ổn định.

Tiền bán cà phê mỗi ngày không bao nhiêu nhưng Trần Phước Ninh vẫn dành một ít bỏ heo đất, tích cóp từng ngàn để làm từ thiện theo cách của anh - san sẻ yêu thương cho người khác. Như Ninh chia sẻ, lâu nay mẹ con anh đã và đang được rất nhiều tấm lòng hảo tâm cưu mang, giúp đỡ. 

Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, việc làm từ thiện của Ninh được nhiều người biết đến, ủng hộ; thêm nhiều gia cảnh khó khăn được san sẻ yêu thương... Có được ngày hôm nay, bản thân Ninh đã vin câu thơ đứng dậy. Năm 2014, Trần Phước Ninh ra tiếp tập thơ thứ hai mang tên “Tình thơ” (NXB Văn học), như là sự tri ân với anh chị em văn nghệ sỹ, các nhà hảo tâm. 

Nói như thầy thuốc Trần Viết Phi: “Em sống bằng tâm hồn thơ, lấy thơ làm niềm vui, là ngọn đuốc sáng và sức mạnh, mượn thơ để ru hồn bằng hữu, thơ đã cho em nhựa sống, niềm tin cuộc đời”.

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình!”. Câu thơ của nhà thơ Tố Hữu từ thời học phổ thông Ninh đã khắc trong tâm - biết cho đi yêu thương, sống tận tâm, quan tâm; muốn nhận được điều tốt đẹp ta phải biết “cho” đi những điều tốt đẹp. Và Ninh đã thực hành cách “cho” ấy theo kiểu từ thiện của riêng mình. 

Đồng nghiệp kể, khi có trong tay 100 ngàn đồng trở lên là Ninh lại bắt xe ôm, xe buýt hoặc quá giang đến với những mảnh đời thương tâm, lúc đầu là trên địa bàn huyện, sau đó là một số địa phương trong cả tỉnh.

Có lần, khi đang đến với một hoàn cảnh khó khăn, anh bị ngất xỉu dọc đường, may có người phát hiện bồng vô nhà cứu chữa... Hỏi chuyện này, Ninh méo miệng cười. Anh tâm sự: “Suốt bao năm nay, mình nhận được biết bao tình cảm yêu thương của mọi người, cả những người chưa một lần quen biết. Mình mong có nhiều sức khỏe để mang niềm vui đến cho những hoàn cảnh khó khăn như mình, bởi các nhà hảo tâm cũng kỳ vọng ở mình rất nhiều”.  

Rồi Ninh tổ chức chương trình thơ - nhạc từ thiện, lên mạng xã hội kêu gọi các nhà hảo tâm cùng anh tổ chức các chương trình trao học bổng, hỗ trợ quà cho một số trường mẫu giáo, THCS; các hoàn cảnh khó khăn... Cứ thế, đều đặn mỗi tháng, Ninh và những người trong nhóm lại tổ chức ít nhất một chuyến đi làm từ thiện “Chung một tấm lòng”. Mỗi suất quà không nhiều, khi thì 200 - 300 ngàn đồng, lúc thì vài kg gạo, ít gọi mì tôm, chai nước mắm...

Gần 5 năm nay, Ninh không còn nhớ mình và những “Mạnh Thường Quân” đã tặng bao nhiêu suất quà từ thiện cho các hoàn cảnh khó khăn và học sinh ở những miền quê nghèo. 

Đầu năm học 2015 - 2016 này, chúng tôi có dịp theo chân Ninh và những người trong nhóm đến thôn Đông Bình, xã Duy Vinh (Duy Xuyên) để trao 35 suất quà cho các em học sinh và các gia đình khó khăn. Bà Vũ Thị Thương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Duy Vinh, cho biết: “Năm học này là năm thứ hai liên tiếp anh Ninh và các anh chị trong nhóm về trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Đông Bình. Món quà từ tấm lòng của người khuyết tật như anh ấy thật đáng quý, có sức động viên, khích lệ con em trong thôn nỗ lực vươn lên trong học tập”. 

Thân tàn tật, tâm hồn không phế

Rồi Ninh mở phòng đọc sách miễn phí ngay tại nhà, hiện có hơn 4.000 đầu sách ở nhiều thể loại, quán sách của Ninh gần như là một thư viện tổng hợp, từ văn học, đắc nhân tâm, khảo cứu... do các nhà hảo tâm tặng. Ngày nào thư quán của Ninh cũng có rất đông các em học sinh đến đọc và mượn sách mang về đọc. Những lúc trời mưa, quán dột tứ bề, mẹ con Ninh rất vất vả che chắn, hứng nước bảo vệ với sách. 

Chung tay với Trần Phước Ninh chia sẻ yêu thương với trẻ em nghèo tại quê hương, giữa tháng 10 năm 2015, một số nhà hảo tâm ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP. HCM cùng anh em thợ xây ở quê và Chi đoàn thanh niên xã Duy Phước hỗ trợ kinh phí và nhân công giúp anh sửa lại phòng đọc sách.

Công trình hoàn thiện và đưa vào sử dụng sau một tháng thi công tích cực. Anh Lê Công Đào, người kết nối và tham gia hầu hết các hoạt động từ thiện của Trần Phước Ninh trong chương trình “Chung một tấm lòng” cho biết: “Với một người khỏe mạnh, có đủ điều kiện làm từ thiện là đáng quý. Nhưng một người khuyết tật, còn nhiều khó khăn như anh Trần Phước Ninh nhưng biết sẻ chia với người khác thì thật đáng trân trọng. 

Chúng tôi cùng với những “Mạnh Thường Quân” chung tay cùng anh trong các chương trình tặng học quà, học bổng cho những hoàn cảnh khó khăn, trẻ em ở các vùng quê nghèo vì thấy việc làm của anh rất ý nghĩa, có sức động viên rất lớn đối với các em học sinh. Tôi mong anh ấy có sức khỏe để tiếp tục thực hiện ước mơ của mình”.

Người đi qua căn bệnh hiểm nghèo, sức khỏe giảm sút như Trần Phước Ninh thì phải ao ước có sức khỏe. Ninh cần sức khỏe để làm việc, để có tiền thực hiện những chuyến đi từ thiện san sẻ yêu thương cho những người có hoàn cảnh khó khăn bất hạnh. Ninh kiên trì tập luyện Yoga nên sức khỏe của anh khá lên rất nhiều, chân tay linh hoạt hơn, giọng nói dần rõ hơn. 

Ninh làm thơ, chia sẻ ước mơ, hoài bão, cả nỗi lòng của mình qua thơ... và nhận được sự đồng cảm của nhiều bạn đọc. Có thể nói, Trần Phước Ninh đã vin câu thơ đứng lên. Như Ninh đã viết: “Vâng! Ta không hề sợ/ Thế gian này ai đồng cảm với ta?/ Thân tàn tật, tâm hồn không phế/ Vẫn cười vui khi nàng thơ ngự trị...”.
Bài và ảnh: Phước Lê
Vượt lên số phận tật nguyền
Vượt lên số phận tật nguyền

Gần 30 năm qua, bằng ý chí và nghị lực, chàng trai tật nguyền ấy đã nêu tấm gương sáng vượt lên số phận nghiệt ngã, tiếp sức cho hàng trăm em khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN