Chặn đứng nạn chảy máu cổ vật - Kỳ 1

Có một thị trường cổ vật Việt Nam khá phong phú và đa dạng trên thế giới. Điều đó đáng mừng nhưng cũng lại đáng lo đối với những người quản lý văn hóa và những người yêu cổ vật của Việt Nam, vì đây là bằng chứng cho sự thất thoát cổ vật do nạn buôn bán trái phép. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý tốt kho tàng cổ vật Việt Nam, không để xảy ra tình trạng “chảy máu cổ vật” đang được ngành văn hóa đặt ra một cách nghiêm túc và bức thiết?

BUÔN BÁN CỔ VẬT... KHÔNG NGỪNG NGHỈ

Một chuyên gia nghiên cứu về cổ vật chia sẻ: Nếu trong những năm trước đây, khi nói về thực trạng buôn bán cổ vật ở Việt Nam thì cụm từ được nghe nhiều nhất là “chảy máu cổ vật”, do những cổ vật quý hiếm của Việt Nam liên tục bị bán ra nước ngoài bằng nhiều con đường khác nhau. Trước khi Luật Di sản Văn hóa ra đời vào năm 2001, mọi hình thức buôn bán cổ vật đều là bất hợp pháp. Tuy nhiên, hoạt động buôn bán trái phép cổ vật ở Việt Nam vẫn luôn sôi động và liên tục. Hà Nội và Sài Gòn là hai “vựa” thu mua cổ vật từ các tỉnh, thành trong nước. Từ đây, cổ vật Việt Nam sẽ được “mông má” và được áp khung giá mới rồi “xuất” đi khắp thế giới.

Nghiên mực bằng đá cẩm thạch, đời Thiệu Trị, từng được nhà đấu giá Sotheby's rao bán ở Pháp.

Theo chuyên gia này, vào tháng 6/1999, khi ông ghé thăm nhà một người bạn ở Seoul (Hàn Quốc), thì thấy trong phòng khách trưng bày rất nhiều đồ đồng Đông Sơn, đồ gốm Chu Đậu và đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh - Nguyễn. Người bạn này cho biết, ông mua chúng trong các cửa hàng đồ cổ ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội...

Còn vào tháng 9/2004, khi ông ghé thăm cửa hàng đồ cổ Georg Luitpold Hartl trên phố Ludwigstrass ở Muenchen (Đức); ông bất ngờ khi thấy nơi đây bày hàng chục chiếc đĩa gốm Chu Đậu trục vớt từ con tàu đắm Cù Lao Chàm (Hội An), được rao bán với giá từ dăm bảy trăm đến cả chục ngàn euro. Cùng với đó là bộ sưu tập đồ sứ men lam Huế khoảng mươi món được định giá 10.000 euro; chiếc trống đồng Đông Sơn, hoàn hảo như vừa đưa ra từ phòng trưng bày của một bảo tàng quốc gia ở Việt Nam, có giá 6.400 euro; cặp độc bình pháp lam Huế thuộc vào tuyệt hảo, đề giá 7.900 euro... “Tôi hỏi người bán hàng: tất cả những cổ vật được bày bán ở đây đều có nguồn gốc hợp pháp phải không, ông ấy thản nhiên trả lời: Có thể các cổ vật này có nguồn gốc bất hợp pháp trước khi chúng đến đây. Tuy nhiên, khi đã được rao bán trong các gallery hay trong các cuộc đấu giá ở châu Âu thì chúng đều trở nên hợp pháp”; nhà nghiên cứu chia sẻ.

Còn rất nhiều những câu chuyện khác về tình trạng “tràn lan” của cổ vật Việt Nam tại các quốc gia trên thế giới. Thậm chí, rất nhiều cổ vật của Việt Nam đã trở thành “món hàng” chính thống để các nhà đấu giá nổi tiếng rao bán. Ngày 16/12/2010 nhà đấu giá Sotheby’s ở Paris đưa ra đấu giá một cuốn sách phong bằng bạc mạ vàng của triều Nguyễn; do vua Thiệu Trị tấn phong cho vợ là bà Vũ Thị Viên, từ hạng Lương tần lên hạng Lương phi vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Sách phong này gồm 5 tờ 10 trang, kích thước 23cm x 14cm, được đặt giá là 30.000 - 40.000 euro. Cuối cùng, một nhà buôn cổ vật người Việt Nam đã mua sách phong này với giá 72.750 euro, chưa tính tiền thuế.

Và tháng 3/2011, Eric Chaim Klein Bookseller, một nhà sách ở Santa Monica (California, Mỹ), đã rao bán một sưu tập gồm những bức họa về lễ phục tế Nam Giao thời Nguyễn. Đó là bộ họa phẩm được đặt tên là Grande Tenue de la Cour d'Annam (Lễ phục của triều đình An Nam), do Nguyễn Văn Nhân, Biên tu Hàn lâm viện của triều Nguyễn, vẽ vào năm 1902, nay đang được rao bán với giá 35.000 USD. Bộ tranh sau đó đã được bán cho một nhà sưu tầm người Việt tại Hội chợ sách New York.

Trong một cuộc hội thảo gần đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên khẳng định: Tình trạng thất thoát, chống buôn bán, xuất nhập khẩu trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa luôn diễn ra phức tạp, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tình trạng thất thoát cổ vật ở Việt Nam diễn ra từ thế kỷ 19 đến nay, có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, các nguyên nhân do chiến tranh, đào bới trái phép các di sản khảo cổ học, lấy cắp cổ vật trong các di tích như đình, chùa, miếu mạo... là chủ yếu. Hầu hết các hiện vật này bị mua bán ở trong nước cũng như xuất khẩu trái phép ra nước ngoài.

Trong đó, các tư liệu lịch sử đã được ghi chép lại một vài trường hợp thất thoát cổ vật ở Cố đô Huế. Cụ thể, ngày 5/7/1885, khi tấn công vào kinh đô Huế, đội quân Pháp đã lấy đi rất nhiều những gì quý báu nhất. Linh mục Pere Siefert, người chứng kiến sự kiện này đã ghi lại “Kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng bạc”, “ 228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ... Tại các tôn miếu thờ các nhà vua: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị, thì hầu hết các thứ có thể mang đi như mũ miện, đai áo, thảm đệm, triều phục, long sàng và bàn xoay có chạm trổ, các giá treo vũ khí, hộp đựng trầu để thờ, ống nhổ... đều bị lấy đi”.

Còn mới đây nhất, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Carmona Antonio Miguel (quốc tịch Mỹ), về hành vi xuất khẩu 2 thanh kiếm nguồn gốc Đông Nam Á niên đại đầu thế kỷ XX; ông Jurdy John Kenneth (quốc tịch Canada) vì xuất khẩu trái phép 10 cổ vật, trong đó có 5 rìu đá niên đại 3.500 năm...
Anh Minh

Kỳ cuối: Cuộc đấu tranh mang tầm quốc tế

Anh Minh
Chặn đứng nạn chảy máu cổ vật - Kỳ cuối
Chặn đứng nạn chảy máu cổ vật - Kỳ cuối

Để ngăn chặn tình trạng chảy máu cổ vật, theo các chuyên gia, một quốc gia vào cuộc chưa đủ, mà cần có sự chung tay của quốc tế, bởi lẽ hành trình buôn bán cổ vật luôn có điểm đến là các quốc gia khác trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN