Cần xem xét tính hiệu quả của loa phát thanh

* Bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh): Về xuất xứ, loa phát thanh ra đời thời bao cấp trong điều kiện thiếu phương tiện truyền thông thông tin từ chính quyền tới người dân và khá phù hợp với địa bàn nông thôn. Giờ xã hội hiện đại, người dân có điều kiện tiếp cận thông tin đa dạng, phong phú hơn. Quá trình đô thị hóa cũng đã làm thay đổi không gian tiếp cận thông tin qua loa phát thanh, nên cách truyền thông qua loa phát thanh cần tính lại.

Bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang.


Với địa bàn nông thôn, khoảng cách xa và việc tiếp cận thông tin khó khăn, thì vẫn nên duy trì tuyên truyền qua loa để chuyển tải thông tin trực tiếp. Còn với đô thị, theo tôi nên xem xét lại tính hiệu quả bởi mật độ dân cư, giao thông đông đúc và đời sống chịu nhiều áp lực, nên để loa phát thanh sẽ gây ra phản cảm. Thực tế, nhiều người dân đô thị phản ứng vấn đề loa phát thanh vì thời điểm phát thường vào lúc nghỉ ngơi; nội dung thông tin không mới, giọng đọc nhiều lúc nghe thôi cũng mệt. Trong không gian đô thị, thông tin qua loa phường nhiều khi không nghe được gì, chất lượng loa kém, khiến nhiều người khá bực mình.


Bên cạnh đó, do người dân không thiếu thông tin, nên cần phải tính lại cách thức truyền thông khác cho phù hợp. Còn việc thông tin những vấn đề cụ thể của phường có thể chọn cách khác như thông qua họp tổ dân phố thì hợp lý hơn.

 

Bà Bùi Thị An

* Bà Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội): Theo quan điểm của tôi thì loa phát thanh vẫn truyền thông tốt đến tận người dân. Nhưng vấn đề là phải lựa chọn chất lượng thông tin, thời điểm phát khi nào cho phù hợp. Thực tế, một số phường trên địa bàn phát loa vào thời điểm chưa thích hợp, nội dung thông tin chưa chọn lọc và có ý kiến đề nghị bỏ loa phát thanh.


Do đó, với đội ngũ làm công tác nội dung thông tin tại loa phát thanh phải có kiến thức về địa bàn, đồng thời cơ quan chức năng có kiểm tra hiệu quả loa phát thanh để có những điều chỉnh thích hợp với từng địa bàn. Các địa bàn cũng không nên rập khuôn nhau về hình thức, mà phải có sự uyển chuyển trong cách truyền thông, từng thời điểm, nội dung liên quan đến cuộc sống thiết thực với người dân.

 

Để đánh giá hiệu quả và tác dụng của loa phát thanh thì Bộ Thông tin Truyền thôn nên có nghiên cứu tổng quát để chỉ ra những bất cập để có những điều chỉnh thích hợp.

 

* Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội: Loa phát thanh trong thời gian chiến tranh đã phát huy hiệu quả thông tin nhưng trong thời điểm hiện nay, cũng bộc lộ nhiều bất cập. Có vị khách nước ngoài khi nghỉ tại phố cổ cũng đã rất bực mình với loa phát thanh vì làm phiền đến giấc ngủ vào buổi sáng và cũng đã có ý kiến với khách sạn.


Trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay, thông tin qua loa phát thanh theo tôi chỉ nên phát những nội dung cần thiết liên quan đến cuộc sống trực tiếp của người dân, chứ không nên đọc văn bản luật hoặc mở ca nhạc.


Thực tế, một số phường cũng áp dụng truyền thông khác như qua Intenet nhưng hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy, loa phát thanh vẫn có tác dụng nhất định nhưng cần phải thay đổi nội dung, thời điểm phát.

 

Xuân Minh

Phản hồi loạt bài “Để loa phát thanh thực sự phát huy giá trị”
Phản hồi loạt bài “Để loa phát thanh thực sự phát huy giá trị”

Loạt bài viết “Để loa phát thanh thực sự phát huy giá trị” của PV báo Tin tức (TTXVN) đã đề cập đến những lợi ích cũng như bất cập của hệ thống loa phát thanh công cộng hiện nay, đặc biệt là ở khu vực thành thị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN