Cả thập kỷ rồi mà "búp bê" vẫn... "bằng bông"

Với tâm trạng khá ngậm ngùi, chị Khánh An - mẹ của 2 bé gái, một 10 tuổi, một 2 tuổi kể: "Hôm trước đột nhiên thấy chồng về khoe: "Hôm nay anh ngồi ở quán ăn, bỗng nhiên lại nghe thấy cái đĩa Xuân Mai ngày xưa của Sóc, vẫn còn hoảng cả hồn vì nhớ lại cái thời ngày nào cũng bị "tra tấn" bằng đĩa ấy".

 

Nghe chồng hồ hởi thông báo, chị Khánh An đột nhiên "sống lại" cái thời điểm cách đây hơn chục năm, khi con gái chị mới vài tháng tuổi, và đĩa nhạc được bật thường xuyên nhất để con ăn, ngủ, chơi... là "Búp bê bằng bông", "Con cò bé bé"... của cô ca sĩ nhí Xuân Mai. Thời điểm ấy, Xuân Mai còn là tuổi thần tiên, và cô bé đã trở thành ngôi sao sáng trong mỗi gia đình có con nhỏ. Bọn trẻ mê mẩn nghe Xuân Mai, và nói thật cũng chẳng có gì nhiều hơn ngoài đĩa Xuân Mai cho "thị trường băng đĩa nhạc thiếu nhi".


Ở thời điểm ấy, đĩa Xuân Mai được lên "đỉnh" là ổn, bởi cô bé với sự hồn nhiên, với giọng hát cao vút, với cái líu lo con trẻ, cộng với sự đầu tư khá kỹ càng của cha cô bé - ca sĩ Tuấn Cảnh... đã trở thành đĩa nhạc "hot" trên thị trường, được tiêu thụ với số lượng khổng lồ và được tái bản đi tái bản lại không biết bao lần.


 

Đĩa nhạc của bé Xuân Mai vẫn là đĩa nhạc "hot" hiện nay của thị trường băng đĩa cho thiếu nhi.

 

Thế nhưng, sau hơn 10 năm, khi Xuân Mai giờ đây đã thành thiếu nữ, khi thị trường âm nhạc Việt Nam đã có rất nhiều xoay vần, sóng gió có, tích cực có... trong những năm qua; thậm chí là "xoay vần" trong từng tháng... mà việc đĩa Xuân Mai vẫn là đĩa đỉnh, vẫn là "món ăn tinh thần" mà các bậc cha mẹ tiếp tục dành cho con mình, thì quả thật phải giật mình với thị trường băng đĩa nhạc thiếu nhi Việt Nam.


Quả thực, dạo qua thị trường băng đĩa nhạc thiếu nhi hiện nay, thấy sự nghèo nàn khiến khả năng lựa chọn của các bậc cha mẹ chỉ có thể là trong vòng "10 đầu ngón tay". "Con em chủ yếu nghe đĩa Đồ Rê Mí, nhưng cũng không tỏ ra khoái lắm" - bà mẹ trẻ Kiều Trang cho biết về sở thích của Cò - cậu con trai 3 tuổi của mình.

Cũng nhiều bà mẹ như Kiều Trang đã thử chọn đĩa ghi hình Đồ Rê Mí cho con mình, tuy nhiên, cũng như Kiều Trang bật mí, bọn trẻ chưa thực sự "thỏa mãn" với đĩa Đồ Rê Mí như với "Búp bê bằng bông", hay "Con cò bé bé". Lý do là những ca sĩ nhí trong đĩa... quá lớn, có lẽ phù hợp với tuổi teen hơn là tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Bên cạnh đó, các ca khúc được trình bày trong đĩa Đồ Rê Mí cũng không phải là những ca khúc quen thuộc, dễ nghe, dễ nhớ với trẻ nhỏ. Chưa kể việc trang phục, đạo cụ, thiết kế sân khấu... cũng quá "già", thiếu đi sự nhí nhảnh, hồn nhiên đáng yêu mà các em nhỏ cần và thích. "Ngoài Đồ Rê Mí mỗi năm ra một đĩa, còn thì các đĩa nhạc cho thiếu nhi hầu như không có, cả chục năm nay chưa có thêm những đĩa mới nào ngoài các đĩa Xuân Mai và Xuân Nghi. Bởi vậy hiện nay các bậc cha mẹ đi mua đĩa vẫn chọn Xuân Mai là chính, và đó vẫn là đĩa bán chạy của tôi" - một người bán băng đĩa trên phố Hàng Bài cho biết.


Tình trạng "Búp bê bằng bông" này có lẽ không chỉ tồn tại trong lĩnh vực băng đĩa nhạc thiếu nhi, mà ngay với sân khấu kịch, ca múa nhạc dành cho thiếu nhi cũng có tình trạng "10 năm không đổi" như vậy. Theo dõi các chương trình của Nhà hát T.T, một trong những đơn vị hàng đầu trong việc phục vụ thiếu nhi những năm qua, thì có một thực tế là bên cạnh việc chương trình có chất lượng, có tính giáo dục cao... thì có những điều cứ "đến hẹn lại lên" đến mức đáng buồn. Đội ngũ diễn viên của Nhà hát tuy được bổ sung khá nhiều trong những năm qua, những gương mặt trẻ xuất hiện nhiều trên sân khấu kịch, ca nhạc của Nhà hát; nhưng xem ra những gương mặt trụ cột thì 15-20 năm qua vẫn thế. Những cái tên như H.P, H.Y... và đặc biệt là diễn viên đã lên chức ông tới cả chục năm nay là H.K vẫn tiếp tục "làm nóng" sân khấu. Không phủ nhận sự nỗ lực cũng như tài năng của những diễn viên này, cũng như những đóng góp bền bỉ của họ trong suốt những năm qua cho đời sống tinh thần của thiếu nhi, tuy nhiên, việc lặp đi lặp lại cùng yếu tố tuổi tác cũng khiến họ có những hạn chế nhất định. Ví như việc diễn viên H.K vẫn tiếp tục mặc quần soóc đóng vai cậu bé trong suốt mấy chục năm qua, vẫn kiên trì năm nào cũng dạy các cháu phải đánh răng... Hay việc H.P. H.Y vẫn tiếp tục đóng vai những cô bé nhí nhảnh... là không còn phù hợp với sân khấu thiếu nhi... Thậm chí, với những chương trình mới ra mắt vài năm nay, như chương trình thiếu nhi của X.B, T. L... thì nội dung kịch bản cũng vẫn từ năm nay tới năm kia lặp lại...


Phải chăng với thiếu nhi không cần phải đầu tư quá nhiều, không cần phải thay đổi quá nhiều? Đây chính là một quan niệm sai lầm của những người làm nghệ thuật cho thiếu nhi, khi xã hội ngày càng phát triển, và các em có thể được tiếp xúc với rất nhiều văn hóa quốc tế, có thể dễ dàng bị "đồng hóa" bởi những thứ hào nhoáng bên ngoài, trong khi "thị trường nghệ thuật" trong nước dành cho các em vẫn đang dậm chân tại chỗ như vậy. Có lẽ chính vì thế mà xu hướng hiện nay của trẻ 7-8 tuổi đã là ca sĩ Hàn, là ca sĩ Mỹ. Một phần lỗi chính là ở người lớn, khi đã không kịp "lớn" cùng với các em!


P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN