Búp sen vàng 2013:Trải nghiệm mới của những nhà làm phim trẻ không chuyên

Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2010, đến nay, giải thưởng Búp sen vàng đã vào mùa thứ 4. Đây là giải thưởng thường niên lớn nhất trong năm của Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) - Hội điện ảnh Việt Nam, nhằm tôn vinh các nhà làm phim ở lĩnh vực phim tài liệu và phim truyện ngắn thuộc dự án Chúng ta làm phim.


Năm nay, với chủ đề “Trải nghiệm của tôi - Tuổi trẻ của tôi”, Búp sen vàng hứa hẹn sẽ đem lại cho khán giả nhiều bất ngờ thú vị qua những thước phim của những nhà làm phim trẻ không chuyên. Lễ trao giải Búp sen vàng 2013 sẽ diễn ra tối ngày 28/7 tại Rạp Công Nhân (42 Tràng Tiền, Hà Nội).


Theo ban tổ chức, trên tổng số 48 bộ phim (38 phim tài liệu và 10 phim truyện ngắn), sau vòng thi đầu, 12 bộ phim xuất sắc nhất cho các hạng mục phim tài liệu ngắn (7 phim) và phim truyện ngắn (5 phim) đã được tuyển chọn. Các tác phẩm này sẽ tiếp tục bước vào vòng chấm thi thứ hai nhằm tìm ra 3 phim tài liệu cùng 3 phim truyện có chất lượng tốt nhất để trao giải và trình chiếu trong đêm vinh danh ấy.

Một cảnh trong phim Ngoài kia có gì (đạo diễn Nguyễn Diệp Thùy Anh).


Ở hạng mục phim truyện ngắn, 5 đề cử gồm: Chạy trên đôi nạng gỗ (đạo diễn Nguyễn Hà Phương), Ngoài kia có gì (đạo diễn Nguyễn Diệp Thùy Anh), Trang 69 và lớn tự khắc biết (đạo diễn Mai Thị Búp), Những ngày đẹp trời (đạo diễn Đỗ Phương Trang) và YRML (đạo diễn Trần Thanh Vân). Có một điều rất đặc biệt là, ở hạng mục này tất cả đạo diễn đều là nữ, họ đến từ các trường đại học trong và ngoài nước, tuổi đời còn rất trẻ. 5 bộ phim là năm câu chuyện khác nhau, nhưng dù được thể hiện bằng cách này hay cách khác thì tất cả đều được thực hiện công phu với sự đam mê của các nhà làm phim. Họ chấp nhận những khó khăn về thời gian, kinh phí để hoàn thành phim tốt nhất.


Đạo diễn Trần Thanh Vân (hiện đang du học tại Hàn Quốc) cho biết, để hoàn thành bộ phim YRML, một bộ phim xoay quanh câu chuyện tình yêu đầu đời của tuổi học trò, cô đã phải tận dụng quỹ thời gian ít ỏi 3 tháng về nước, xoay xở mọi thứ bởi kinh phí hạn hẹp. “Năm 2011 khi thực hiện bộ phim đầu tay, Trung tâm TPD tài trợ 500.000 đồng, đoàn đã xoay xở rất khéo nên khoản đó vừa xinh. Nhưng năm nay, với số tiền ấy chỉ đủ cho đoàn ăn sáng, gửi xe và lo một số đạo cụ”, Vân cho biết. Và cũng chính bởi số tiền hạn hẹp không đáp ứng được giá cả so bên kia đưa ra nên cô đã bị từ chối sau khi chọn được một bối cảnh mà cô rất thích. Đạo diễn Nguyễn Diệp Thùy Anh (phim Ngoài kia có gì) đã lấy chính nhà của ông bà mình làm bối cảnh sau khi đi rất nhiều khu tập thể cũ ở Hà Nội, mượn đồ dùng cũ làm đạo cụ. Đạo diễn Nguyễn Hà Phương (phim Chạy trên đôi nạng gỗ, bộ phim kể về câu chuyện cảm động của hai chị em, chị gái bị chấn thương nặng do thi đấu thể thao, em gái hết lòng chăm sóc) đã cùng các diễn viên trẻ bỏ nhiều công sức tập luyện võ thuât, thể lực, guitar trước ngày bấm máy. Được thực hiện khoảng bốn tháng, Chạy trên đôi nạng gỗ trở thành tác phẩm có thời gian sản xuất dài hơi nhất trong các phim đề cử.


Ở hạng mục phim tài liệu, 7 đề cử gồm: Chúng tôi đã cưới (đạo diễn Nguyễn Hà Phương, Mai Thị Búp), Nguyên Linh (đạo diễn Lê Thu Minh), Cha và con (đạo diễn Hà Huyền Linh), Tôi đi bán tôi (đạo diễn Mạc Phạm Ngọc Hà), Khoảng trời của em (đạo diễn Phan Ngọc Mai), Con đi trường học (đạo diễn Hà Lệ Diễm), Bạn đồng hành (đạo diễn Lê Mỹ Cương).


Vốn bị mặc định là khô khan, kén người xem bởi cách làm phim truyền thống, nhưng ở Búp sen vàng, các nhà làm phim trẻ đã mang đến cho phim tài liệu một màu sắc mới khi thực hiện cách làm phim tài liệu theo lối trực tiếp. Cách làm phim này dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự thật, để sự thật bắt đầu và kết thúc tự nhiên như chính nó. Đây cũng là đặc trưng quan trọng nhất của phim tài liệu trực tiếp. Nói một cách rõ hơn, phim tài liệu trực tiếp gần như không có sự can thiệp dàn dựng của đạo diễn và điều này là sự thách thức không nhỏ khi theo đến cùng sự thật đối với các đạo diễn. Họ vì thế phải sống cùng nhân vật, ở trong hoàn cảnh của nhân vật thật nhiều hơn, tỉ mỉ hơn và công phu hơn. Nhưng họ đã làm được.


Mai Thị Búp, Nguyễn Hà Phương - hai nữ đạo diễn trẻ của Chúng tôi đã cưới đã không quản ngại những chuyến xe đi về liên tục giữa Hà Nội - Hải Phòng, ăn ngủ cùng những người khuyết tật để tái hiện sắc nét và cảm động tình yêu giữa hai người bị bệnh đao. Hà Lệ Diễm đưa khán giả cheo leo rừng núi Bắc Kạn trong giá rét cắt da cắt thịt mùa đông để cảm nhận rõ nỗi cô đơn của một người phụ nữ HIV nuôi con. Dù mang trong mình căn bệnh thế kỉ, người mẹ đáng thương trong bộ phim Con đi trường học vẫn khát khao sống để lo cho tương lai cậu con trai nhỏ. Những thước phim của Lê Thu Minh trong Nguyên Linh thực sự gây sốc đối với khán giả khi đề cập đến nạn nạo phá thai của giới trẻ. Tác giả không tìm quay những nhân vật trong cuộc mà thể hiện câu chuyện từ những nấm mồ chôn cất thai nhi. Lựa chọn cách kể này, bộ phim thực sự là nỗi ám ảnh người xem về tình thương và tội ác với những sinh linh bé nhỏ từ những lầm lỡ của người trẻ.


Năm nay, thể loại phim tài liệu nhiều hơn so với phim truyện về số lượng dự thi. Điều này cho thấy các nhà làm phim trẻ ngày một có trách nhiệm với xã hội, với những gì đang diễn ra xung quanh nhiều hơn, họ cũng muốn thể hiện cái nhìn của mình trước hiện thực nhiều hơn. Đây là một tín hiệu đáng mừng mà Búp sen vàng mang lại cho thể loại phim này. Nhưng quan trọng hơn cả, dù là ở hạng mục nào, phim truyện hay tài liệu thì Búp sen vàng qua những mùa giải của mình đã thực sự trở thành sân chơi của các nhà làm phim trẻ không chuyên. Đây cũng là nơi để họ có cơ hội thể hiện tài năng, khát vọng, hoài bão và niềm đam mê điện ảnh, từ đó đưa các tác phẩm tới gần hơn với khán giả.


Hoàng Linh

Giải Búp sen vàng 2012: Đề tài chuyên sâu hơn

Lễ trao giải Liên hoan phim Búp sen vàng 2012 dành cho các nhà làm phim trẻ do Trung tâm hỗ trợ tài năng điện ảnh (TPD - Hội Điện ảnh Việt Nam) tổ chức với chủ đề: “Chúng ta cùng theo đuổi” đã diễn ra vào tối 29/7, tại Rạp Công nhân, Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN