Bia chùa Sùng Khánh, Hà Giang - bảo vật quốc gia

 Ngày 14/2, tại thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, đã công bố Bia chùa Sùng Khánh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đồng thời tổ chức lễ hội Lồng Tồng và lễ dâng hương lên Chùa Sùng Khánh.    

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bia chùa Sùng Khánh là bảo vật Quốc gia cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên.       

Bia chùa Sùng Khánh được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Ảnh: Minh Tâm - TTXVN


Theo bà Nguyễn Thị Toán, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang: Chùa Sùng Khánh được xây dựng vào thời nhà Trần năm 1356 và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1993.

Cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2599/QĐ-TTg ngày 30/12/2013 về công nhận bảo vật Quốc gia. Theo quyết định này, 37 hiện vật, nhóm hiện vật có giá trị đã được công nhận là bảo vật quốc gia, trong số đó tỉnh Hà Giang đã có Bia chùa Sùng Khánh ở xã Đạo Đức và Chuông chùa Bình Lâm ở xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Vị Xuyên nói riêng.      

Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là ngày Hội xuống đồng là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở Hà Giang. Lễ hội được duy trì tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm, với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Lễ hội năm nay diễn ra náo nhiệt với sự tham gia của hàng nghìn phật tử, du khách thập phương và bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn đến để cầu sức khỏe, bình an... Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian như: Tung còn, đánh đu, đẩy gậy, kéo co, thi cấy...    

Đông đảo tăng ni, phật tử và người dân về dự lễ. Ảnh: Minh Tâm - TTXVN


Theo các nhà nghiên cứu: Bia chùa Sùng Khánh được dựng vào năm 1367, sau khi xây dựng chùa Sùng Khánh 11 năm. Bia được đặt trên một con rùa đá, điểm độc đáo là trán bia được bao bọc trong băng trang trí hình cánh cung và được chia làm 3 ô. Trán bia này là một tổ hợp trang trí đặc biệt chưa từng thấy trên một tấm bia nào khác ở nước ta.


Tấm bia có một giá trị lớn, về mặt văn bản nó có thể xem là một tài liệu gốc dùng để so sánh đối chiếu một số dạng thời Trần khi nghiên cứu các văn bản khác. Hơn nữa, ở tấm bia chùa Sùng Khánh, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số chữ Nôm khắc trên bia góp phần bổ sung thêm tài liệu cho việc tìm hiểu chữ Nôm thời Trần...    

Bia chùa Sùng Khánh và chuông chùa Bình Lâm, Hà Giang là minh chứng về vùng đất có bề dày lịch sử, văn hiến, với những cổ vật đặc sắc đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Toán, để có thêm các điều kiện bảo tồn hiện vật theo chế độ đặc biệt, trở thành những điểm nhấn, hấp dẫn du khách trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh khi đến Hà Giang, ngay trong năm 2014, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hà Giang sẽ cùng với các ngành chức năng, các địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn, gìn giữ để hiện vật không bị biến dạng, xuống cấp, để các bảo vật quốc gia giữ nguyên giá trị.     


Minh Tâm
TP Hồ Chí Minh đề xuất công nhận 46 bảo vật quốc gia

UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Bộ VH,TT&DL đề nghị xét công nhận 46 hiện vật của các đơn vị trực thuộc là bảo vật quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN