“Bi, đừng sợ!” tạo cơn sốt đáng sợ?

Từ khi bộ phim “Bi, đừng sợ!” được công chiếu đã gây ra một cơn “sốt”, người ta quan tâm, bàn cãi về bộ phim. Một cuộc sống với những lát cắt khá động, khá đau đã tạo ra những ám ảnh về bộ phim. Tuy nhiên, không ít khán giả không đồng tình với bộ phim này và đặt vấn đề: Đây là bộ phim Việt Nam" bạo" nhất từ xưa đến nay về những cảnh nóng?

Những ẩn dụ đậm đặc

Bộ phim ẩn dụ về cuộc đời con người ta đi từ ấu thơ trong lành qua mắt cậu bé Bi cùng những trò nghịch ngợm ở xưởng nước đá, ngoài bãi sông Hồng đến tuổi teen “nhất quỷ nhì ma” nô đùa và còn dám tương tư cả cô giáo, đến tuổi trưởng thành của người đàn ông bia rượu triền miên, muốn “vượt rào” với cô bé ở quán gội đầu. Rồi tuổi già thì lặng lẽ thẩm thấu hết cuộc đời, và cạn thời gian sống.

Một cảnh trong phim.

Ám ảnh từ cậu bé Bi chui xuống gầm giường mở chiếc bô nước giải có con thạch thùng chết đuối. Ám ảnh về sự ngăn cách thế hệ như không thể gặp được nhau, khi người cha nằm hấp hối dưới gầm giường, người con trai luẩn quẩn như mộng du mà không tìm cha. Những ẩn dụ dưới gầm giường không phải ai cũng đồng tình.

Trong phim có một đám giỗ không ồn ào như thường thấy vì các tác giả có dụng ý chưng cất những nỗi niềm. Có người cho rằng việc để ban thờ có màn xô khi giỗ là không sát với phong tục Việt Nam vì thường màn này được xếp lại sau 49 ngày. Trong lúc mọi người đang ăn cỗ thì mẹ của Bị đưa con ra cánh đồng thăm mộ cha chồng. Kết phim, có một chiếc máy bay bay ngang nghĩa địa giữa cánh đồng. Tiếng gọi mẹ của Bi và tiếng đáp lời của người mẹ nghẹn ngào trong nước mắt là cảnh kết đầy tâm trạng với người nhập tâm và dấy lên hẫng hụt với người chưa thật đồng cảm trong quá trình xem phim.

Hành trình từ ấu thơ đến trưởng thành, già cả rồi đi đến cái chết…được thâu tóm trong một bộ phim là một tham vọng lớn. Người ta với những “tham-sân-si” khó thoát. Nhưng rồi ai cũng phải sống, phải vượt lên. Có lẽ neo lòng người xem nhất là tạo ra hình ảnh bà vú (Mai Châu thể hiện) thật chu đáo, thật nghĩa tình. Hình ảnh mẹ của Bi trong những khát khao, trong cả chịu đựng, đảm đang đến đáng kính phục. Người xem nhớ mẹ Bi (Kiều Trinh đóng) khi ấp ủ bố chồng trong nỗi đau bệnh tật của ông, tô son, lồng bít tất vào tay chân khi ông mất, và lặng lẽ dắt con ra mộ ông khi cả nhà đang ăn giỗ mà nao lòng… Tạo ra hình ảnh người phụ nữ Việt sao mà đẹp, mà giàu đức hy sinh!

Cái cần ẩn dụ lại phô bày

Những người rất quan tâm đến điện ảnh đã liệt kê: “Phim truyện nhựa gần đây “bạo”nhất về những cảnh nóng có thể kể như cảnh vợ chồng nhân vật chính “yêu nhau” cấp tập bên cửa số trong phim “Sống trong sợ hãi”, dù sao cũng vẫn còn bóng dáng áo quần. Hay trong phim “Trái tim bé bỏng” nửa thân trên của những người đàn ông nhấp nhóa trên cô gái phải bán thân cũng còn gợi về nỗi khổ của cô gái bị dòng đời xô đẩy ấy. Hay gần đây, “Cánh đồng bất tận” có cảnh người cha và cô Sương ngỡ đã là quá nóng, vậy mà chưa “ăn thua” gì với trong “Bi, đừng sợ!”. Đã vậy lại luôn là cảnh nóng bất ngờ với người xem. Cũng bởi cách làm phim, tác giả đã không đưa từ từ như có “đường dẫn” dự báo xa mà sau lát cắt trước liền “độp một cái” đã… nóng đến sửng sốt.

Thứ nhất là cảnh nhân vật Thúy (cô của Bi) và người đàn ông mới quen của cô đã đứng thực hiện hành động yêu cuồng nhiệt “cháy cả màn bạc” trên bãi đá bên bờ biển. Họ không còn một mảnh áo quần nào. Sự vô lý là trước khi lên ô tô đi Hải Phòng cùng người đàn ông ấy, cô giáo Thúy còn có quan hệ khá sơ giao, đó là lần gặp gỡ thứ hai. Người đàn ông bị vấp, đá cứa vào chân máu chảy túa làm người xem nhìn thấy mà ghê. Cô giáo Thúy vội lấy một chiếc giấy thấm ra và bất ngờ không cần diễn giải dài dòng, tốn ảnh mà bập thẳng đến thẳng cảnh nóng. Ẩn dụ của bộ phim khi đặc tả khá lâu việc hai người đưa nhau leo trèo khó nhọc qua một bãi đá hộc, xen lẫn bê tông lổn nhổn. Vất vả cực nhọc đến nỗi người xem phải thốt lên “leo vào đó làm cái gì?”. Rồi người ta như ngộ ra về hành trình của tình yêu cũng vậy. Một khán giả ở Hà Nội đã nhận xét: “Việc ân ái chỉ nên ẩn dụ thì lột tả rõ ràng. Việc triết lý nhân sinh cần lấy sự đồng cảm của người xem lại ú tim, bí mật”.

Tiếp theo phải kể đến cảnh người chồng (bố của Bi) muốn chiếm đoạt cô gái ở chỗ có biển “Gội đầu thư giãn” bị cô này phản kháng đập cốc chảy máu đầu… Cảnh chuyển ngay sang anh ta mãnh liệt cùng vợ trên giường như để xả bực, sau đó người chồng vào nhà tắm, nước từ vòi sen chảy vảo vết xước đau, ứa máu… Có lẽ chưa bao giờ điện ảnh Việt lại tả thực cận cảnh chồng vợ trong phòng the đến thế. Người xem lại bất ngờ. “Lạ” nhất là cảnh người vợ (mẹ của Bi) với bàn tay xục xạo đòi được ân ái, khiến người xem dễ dàng thấy hậu trường phim này hẳn rất “khó” cho diễn viên… Đó còn là cảnh cô của Bi tự xả cơn khao khát của mình bằng một cục nước đá vốn quá xa lạ với khán giả và cả đời sống phụ nữ Á Đông…

Anh Hùng- một khán giả xem phim sau vài tuần “đủ để ngấm” theo cách nói của anh đã khen rằng bộ phim này có thể dành cho nhiều đối tượng nên đông người xem. Khán giả tò mò được xem cảnh nóng, khán giả có trình độ cao đi xem cảm nhận những ẩn dụ và ý nghĩa nhân sinh khá sâu sắc. Khán giả bình thường nghe cãi cọ đi xem cho biết… Chị Hạnh - một cô giáo dạy văn trung học phổ thông ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nói: “Tôi thấy lo lắng lắm nếu học trò của chúng tôi đi xem phim này. Biết rằng cô giáo cũng là người nhưng cô giáo tự thỏa mãn mình trên màn ảnh, cô giáo đi nấp rình xem học trò nam mê mình đi đá bóng, thì có cái gì đó rất quá”. Cô giáo này nói với phóng viên: “Chỉ nghe thuật lại, tôi đã ngại đi xem. Bi không sợ thì tôi đã sợ!”.

Vẫn biết rằng nếu suy ra phim có nhiều ẩn dụ mở rộng song không thể giảng giải cho tuổi teen về các tầng nghĩa cao hơn, khái quát hơn. Ở tuổi mới lớn với sự phát triển dậy thì của cơ thể, chúng ta thật khó có thể “uốn” các em hoặc “nâng cao, mở rộng” ý nghĩa từ những điều bộ phim đặt ra. Hiện tại, không quá nhiều người ra rạp xem phim, nhưng vì phim này “nóng” quá, đĩa lậu cũng in bán đầy đường nên “Bi, đừng sợ!” đang làm cho các bậc phụ huynh lo sợ.

Tìm hiểu qua PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam hai nhiệm kỳ liền và là người đảm nhiệm cương vị Trưởng Ban Giám khảo thể loại phim Truyện nhựa Giải Cánh Diều mới đây, chúng tôi có được nhận xét từ ông: “Tôi không thích bộ phim này. Không phải bất cứ cái gì có trong cuộc đời cũng nên đưa vào phim. Tự nhiên chủ nghĩa quá làm cho bộ phim trở nên xa lạ với cách cảm nhận cũng như đời sống tinh thần của người Việt Nam. Bộ phim có thể nhận được các giải quốc tế vì ở nước ngoài họ thấy lạ nên trao giải, quả thực thế đấy!”.

Thiên Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN