Bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng trên địa bàn Hà Nội

Trên địa bàn Hà Nội có gần 300 di tích, địa điểm cách mạng kháng chiến và gần 250 di tích, địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây là những địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kỳ cách mạng kháng chiến của Trương ương, Đảng bộ Hà Nội, đảng bộ các quận, huyện, thị xã và gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trưng bày tranh dân gian tại đình Kim Ngân (Hà Nội). Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN

Tiêu biểu là các di tích: Ngôi nhà 48 Hàng Ngang, 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm (cùng quận Hoàn Kiếm), nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc (quận Hà Đông), nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vân Canh (huyện Hoài Đức), nơi Bác về ở và làm việc tại xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất), nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai)…

Ngoài ra, Hà Nội còn có nhiều địa danh là chứng tích về tội ác của thực dân, đế quốc như: Nhà tù Hỏa Lò, nhà Rượu Gia Lâm, nhà Tiền, Căng 42 Sơn Tây, đài tưởng niệm Khâm Thiên…

Hầu hết các di tích cách mạng kháng chiến và địa điểm lưu niệm Hồ Chí Minh đã được kiểm kê, nhiều di tích đã được lập hồ sơ công nhận và gắn biển. Từ năm 2006 đến hết năm 2016, thành phố đã gắn biển 148 di tích cách mạng kháng chiến, phục vụ tốt công tác giáo dục truyền thống cho nhân dân.

Thành phố và các quận, huyện, thị xã đã chủ động nguồn kinh phí đầu tư tu bổ, tôn tạo thường xuyên cho di tích, đặc biệt là trong các dịp lễ lớn. Trong 10 năm qua, Hà Nội đã đầu tư gần 29 tỷ đồng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Trong đó, lập hồ sơ khảo sát cho 147 địa điểm lưu niệm lịch sử cách mạng kháng chiến, gắn biển 148 di tích, địa điểm lưu niệm cách mạng kháng chiến, tôn tạo chỉnh trang 31 di tích, trưng bày, triển lãm tại 14 di tích.

Tuy nhiên, công tác nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch đầu tư tu bổ, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng triển khai còn thiếu hiệu quả. Vì vậy, nhiều di tích có giá trị đặc biệt nhưng vẫn chưa thực hiện được việc bảo tồn, khai thác tốt.

Các tài liệu, hiện vật trưng bày tại các nhà lưu niệm, điểm di tích cách mạng vẫn còn đơn điệu, chưa phong phú nên các di tích cách mạng kháng chiến chưa thực sự lôi cuốn, thu hút khách tham quan. Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống tại các cơ quan, trường học chưa thường xuyên…

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn. Ngành Văn hóa và Thể thao phối hợp với các địa phương tổ chức sưu tầm tư liệu, tài liệu liên quan đến các sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu của địa phương, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm di tích cách mạng kháng chiến để phục vụ khách tham quan.

Thành phố Hà Nội đang nghiên cứu cơ chế, hình thức ưu tiên đối với hoạt động liên quan đến các địa điểm, di tích lịch sử cách mạng kháng chiến trên địa bàn, có cơ chế hỗ trợ đối với cán bộ, người tham gia công tác quản lý, giữ gìn các di tích. Đồng thời, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tuyên truyền, giới thiệu di tích lịch sử cách mạng để người dân hiểu hơn về ý nghĩa, giá trị của các di tích.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Bước ngoặt phát triển mới của du lịch Việt Nam
Bước ngoặt phát triển mới của du lịch Việt Nam

Năm 2016 là năm thành công, phát triển ấn tượng của du lịch Việt Nam. Riêng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hai mốc kỷ lục từ trước đến nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN