Bảo tồn lễ hội Kinh Dương Vương

Kinh Dương Vương được coi là vị vua thủy tổ của nước Nam. Tuy nhiên, lễ hội hàng năm tưởng nhớ công đức của vị thủy tổ này chưa thực sự được chú ý.

Dấu tích Kinh Dương Vương

Hàng năm, cứ đến dịp 10 tháng 3 âm lịch, hàng ngàn, hàng vạn du khách thập phương lại hành hương về vùng Đất Tổ (Phú Thọ) dâng hương tưởng nhớ đến công đức tổ tiên. Nhưng khu di tích đền thờ, lăng mộ Kinh Dương Vương - bậc thủy tổ đất nước, mở ra thời đại của các vua Hùng, nằm ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh lại chưa được nhiều người biết tới. Năm 1993 khu lăng, đền Kinh Dương Vương được nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia thì đến năm 2000 bắt đầu công tác xây dựng để có được cảnh quan như hiện nay. Khu lăng mộ Kinh Dương Vương nằm bên bờ nam sông Đuống thuộc thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Trong lăng hiện còn bức hoành phi đề “Nam Bang Thủy Tổ” (tức “Thủy tổ nước Nam").

Lễ tế và đánh trống khai hội Kinh Dương Vương tại Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương năm 2015.Ảnh: Thái Hùng-TTXVN


Cách lăng mộ không xa là đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ. Theo truyền thuyết và các tài liệu cổ, năm 2.879 trước Công nguyên, Kinh Dương Vương lên ngôi, lập lên nhà nước Xích Quỷ, nhà nước sơ khai độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta. Kinh Dương Vương kết duyên với Thần Long sinh ra Sùng Lãm, hiệu là Lạc Long Quân. Sau đó, Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra 100 người con trai, lên rừng, xuống bể xây dựng nên nước Văn Lang.

Ông Nguyễn Trí La, người trông nom khu lăng mộ cho biết: “Với khu đền thờ, trước đây có ba đền thờ riêng từng vị như đền thượng (thờ Kinh Dương Vương, đền trung (thờ Lạc Long Quân và đền hạ (thờ Âu cơ) nhưng do chiến tranh tàn phá nên hiện trạng người dân thờ chung tại đền thờ thuộc đất Văn Chỉ (nơi trước kia ghi công danh những người đỗ đạt). Còn với khu lăng mộ, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhiều triều đại tôn tạo, chỉnh sửa nhưng khu lăng mộ vẫn giữ nguyên được vị trí. Hiện nay, đã xây dựng thêm hai miếu thờ Tả Văn, Hữu Võ ở hai bên lăng mộ Kinh Dương Vương (theo đúng quy tắc khi đến lễ thì phải vào hai miếu này xin phép trước) cùng với đó khoảng sân rộng và bốn cột đá được coi nhu tứ trụ triều đình hướng ra sông”.

Lễ hội diễn ra từ ngày 14-18 tháng Giêng hàng năm. Bắt đầu từ ngày 12, người dân toàn thôn Á Lữ bắt đầu dọn dẹp vệ sinh, cảnh quan (gọi là Xái Tảo). Đến ngày 14 bắt đầu lễ hội với lễ Rước Ruộc (còn gọi là Nhập Tịch), thanh niên trong thôn sẽ đưa cụ cao tuổi được chọn đi thuyền ra giữa sông, múc nước đem về dâng lên lăng mộ vua Kinh Dương Vương. Sau đó là các nghi thức tế lễ, rước bài vị và rước kiệu, trọng tâm là ngày 16, 17 và 18 tháng Giêng. Cuối cùng, ngày 18 tổ chức lễ rước trả bài vị về vị trí ban đầu và lễ Tống Ruộc đem trả nước (tuy nhiên theo người dân địa phương thì nước sẽ đem tưới cho cây cối tốt tươi hoặc gia đình nào có con cháu bị bệnh thì xin nước về uống). Năm nay tham gia các nghi thức trong phần lễ cùng với nhân dân thôn Á Lữ còn có người dân các thôn trong xã là Đồng Đông, Đồng Đoài, Đồng Văn và Phú Mỹ.

Phát huy giá trị văn hóa

Tại khu lăng và đền Kinh Dương Vương, rất nhiều hoành phi, câu đối, thần phả sắc phong, ngọc ấn của vua còn giữ được đến nay. Trước đây lễ hội chỉ bó hẹp trong phạm vi thôn nhưng hiện nay đã được mở rộng hơn rất nhiều với sự tham gia của nhiều làng xã xung quanh. Điểm mới trong lễ hội năm nay là việc rước thành hoàng làng, các vị có công ở các thôn đến bái yết vua Kinh Dương Vương. Điều này có giá trị tâm linh rất lớn và huy động được sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Có thể thấy, ở nhiều nơi trên thế giới không giữ được mộ tổ cha ông. Nước ta cũng có rất nhiều nơi thờ Kinh Dương Vương nhưng chỉ có duy nhất nơi đây là có lễ hội, lưu giữ được nét văn hóa cũng như giá trị tinh thần.

Ông Biện Xuân Phẩm, thủ từ đền Kinh Dương Vương cho biết: “Lễ hội Kinh Dương Vương có từ thời xa xưa (Bách Việt) Kinh Dương Vương xưng là Lộc Tục, là vị vua đầu tiên của nước ta, vì vậy nơi đây được coi là nơi hội tụ của người Việt. Mấy năm gần đây được sự quan tâm của các cấp chính quyền nên việc xây dựng lăng mộ, đền và cảnh quan được tôn tạo. Lễ hội là dịp để nhân dân trong vùng và du khách cùng hướng về nguồn cội, tự hào tưởng nhớ, tri ân công đức vua Thủy Tổ nước ta. Đây là nơi có địa hình đẹp, trước cửa là sông ngòi bên kia là dãy núi phật tích mà nhiều người cho rằng đây là nơi sơn thủy hữu tình nhiều ý nghĩa tâm linh”.

Khu lăng mộ và đền cũng như lễ hội là nơi để nhân dân khắp mọi miền thể hiện sự tôn kính đối với vị vua thủy tổ của dân tộc. Từ đó nhắc nhở lòng tự hào dân tộc, truyền thống chống giặc ngoại xâm, tinh thần yêu nước điều này có giá trị tinh thần khích lệ rất cao. Hiện nay, phần lăng mộ có diện tích khá rộng. Tuy nhiên khi mùa lễ hội đến thì ngoài dân địa phương, các thôn còn có hàng ngàn lượt du khách thập phương đến dâng hương. Không gian khu di tích chưa thể đáp ứng. Ngoài ra xung quanh khu vực còn rất nhiều di tích lịch sử như Chùa Dâu và Thành cổ Luy Lâu; Chùa Bút Tháp; Đền Đô, chùa Phật Tích, lăng và đền thờ Cao Lỗ Vương trong đó cụm di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương là trung tâm. Vì vậy, cần có quy hoạch tổng thể nhằm phát triển khu lăng mộ Kinh Dương Vương xứng tầm là nơi được coi là Thủy Tổ của người Việt.

Ông Nguyễn Bá Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng Thành, kiêm Trưởng ban quản lý Lăng và đền Kinh Dương Vương, cho biết: “Dự án sửa chữa và xây dựng thêm các hạng mục của di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương ước tính vào khoảng 500 tỷ đồng, với diện tích vào khoảng 36 ha. Đến nay đã xây dựng được lăng và đền thờ với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Tuy nhiên người dân cũng mong muốn được mở rộng phát triển hơn nữa để thuận tiện cho người dân, du khách tìm về bái tổ. Ngoài ra rất nhiều du khách đề nghị mua đồ lưu niệm nhưng địa phương chưa thể đáp ứng được, đây cũng là một thiệt thòi”.

Tuấn Anh

Bắc Ninh khai hội Kinh Dương Vương
Bắc Ninh khai hội Kinh Dương Vương

Lễ hội Kinh Dương Vương tại Bắc Ninh là dịp bày tỏ lòng thành kính, tuyên truyền, giáo dục những người con dân đất Việt nhớ về nguồn cội, tri ân đức vua Thủy tổ Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN