Bảo tồn làn điệu giao duyên trên vịnh Hạ Long

Điệu hát giao duyên vùng biển, nét văn hóa đặc trưng của người dân trên vùng lõi di sản vịnh Hạ Long đang dần bị mai một. Đặc biệt, mới đây tỉnh Quảng Ninh đã di dời toàn bộ hộ dân ở 7 làng chài trong vùng lõi di sản này lên sống định cư trên bờ, điều này khiến công tác bảo tồn làn điệu giao duyên của ngư dân vạn chài Hạ Long càng khó khăn hơn.

Đội hát giao duyên trên vịnh Hạ Long - thuộc Trung tâm bảo tồn Văn hóa biển. Ảnh: BQL Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh


Theo quan điểm của những người làm công tác quản lý du lịch, giờ đây Cửa Vạn, Vung Viêng, Ba Hang... không còn được gọi là làng chài nữa. Bởi theo lý giải của họ, Cửa Vạn hay bất cứ làng chài cũ nào giờ đây, sau khi các hộ dân vạn chài đã được đưa lên bờ sinh sống, đã không còn dân, không còn làng, không còn bộ máy chính quyền cơ sở (cấp thôn, khu), mà chính quyền địa phương chỉ giữ lại một số nhà bè nổi để bảo tồn phục vụ du lịch. Không còn dân sinh sống trên vịnh cũng là lý do điệu hát giao duyên của người dân vạn chài vốn đang bị mai một nay có nguy cơ... biến mất.

Trước thực tế đó, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã có sáng kiến thành lập một đội hát giao duyên thuộc Trung tâm Bảo tồn Văn hóa biển để lưu giữ nét văn hóa này. Có đến một nửa số thành viên của đội hát giao duyên là con em người dân vạn chài vịnh Hạ Long. Họ là những người có năng khiếu và đã được truyền dạy những câu hát cổ từ thế hệ cha, ông.

Chị Dương Thị Nụ, một người con của làng chài Cửa Vạn cũ, nay là nhân viên của Trung tâm bảo tồn Văn hóa biển, cho biết: Trước đây, vào các ngày lễ, ngày hội, hay đêm sáng trăng, thanh niên làng chài hát giao duyên, hát đối trên vịnh rất vui. Tuy nhiên, nhiều năm qua rồi, việc hát giao duyên không còn diễn ra thường xuyên nữa. Giờ đây thanh niên Cửa Vạn chỉ còn khoảng 6 người biết hát, số khác thì đã lên bờ sinh sống cùng gia đình.

Bà Esther, du khách Tây Ban Nha: Đã từng đi du lịch qua nhiều quốc gia, nghe nhiều làn điệu dân ca, nhưng khi được nghe làn điệu hát giao duyên trên vịnh Hạ Long, bà cảm thấy rất bình yên, thư giãn và vô cùng thú vị vì được chứng kiến một cuộc sống sinh động với nét văn hóa đặc trưng của con người ngay giữa vùng di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Chị Nụ kể, trước đây ở làng chài Cửa Vạn, lứa thanh niên được các nghệ nhân như cụ Thân, cụ Hưu và cụ Cận trong làng truyền lại những bài hát giao duyên và hát hò biển lời cổ. Tuy nhiên, giờ các cụ chỉ thi thoảng mới hát giao lưu và dạy lại cho thế hệ sau này hát, chứ không thường xuyên hát nữa.

Chị Đoàn Thị Anh Thảo, hướng dẫn viên, cũng là người hát giao duyên của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, chia sẻ: “Hát giao duyên, hò biển là nét văn hóa đặc sắc của người dân vạn chài sống trên vịnh Hạ Long. Từ xa xưa, người dân vùng biển tìm hiểu và đến với nhau thông qua câu hò, điệu hát này. Giờ đây, người dân vạn chài không còn hát nhiều giai điệu truyền thống nữa, chính vì vậy, tôi và các đồng nghiệp muốn mang tiếng hát, điệu hò này phục vụ khách du lịch đến với Hạ Long; đồng thời mong muốn thông qua đội hát giao duyên, người dân vạn chài sẽ giữ được nét văn hóa đặc sắc này”.

Hát giao duyên thực sự là nét sinh hoạt độc đáo, thể hiện nét đặc sắc riêng của ngư dân vùng biển Hạ Long, là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, cưới hỏi… hoặc trong những giờ giải lao sau những mùa vụ đánh bắt…

Đây là phương tiện để người dân vạn chài truyền đạt tình cảm, diễn tả tâm hồn mình. Giai điệu của lối hát này mềm mại, chậm rãi, mênh mang, trữ tình, đơn giản, mộc mạc. Lời ca là những ngôn từ bình dân, mộc mạc, thô sơ và nhiều khi còn có những từ ngữ mang tính chất địa phương.

Hát giao duyên chứa đựng một kho tàng khổng lồ về ca dao, dân ca, phong tục tập quán và lễ hội. Tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời sưu tầm, lưu giữ các bài hát lời cổ và tổ chức tập luyện cho các thanh niên của làng chài Cửa Vạn cũ thông qua Dự án “Phục dựng, bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa dân gian của ngư dân làng chài Cửa Vạn (vịnh Hạ Long)”. Dự án do Sở Văn hóa Thông tin trước đây (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh) thực hiện.

Giờ đây, thông qua các đội hát giao duyên của Trung tâm bảo tồn Văn hóa biển (Ban Quản lý vịnh Hạ Long), điệu hát giao duyên, hò biển lại vang lên giữa vùng vịnh là một cách làm hay để bảo tồn, phát huy nét văn hóa đặc sắc của người dân vạn chài ở vùng di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.


Bài, ảnh: Văn Đức

Quan họ cổ “giao duyên” cùng điện ảnh
Quan họ cổ “giao duyên” cùng điện ảnh

Trong khi ở Hà Nội, Liên hoan Ca trù đang là tâm điểm thì tại làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang) cũng vui như đang vào hội. Vui vì trong suốt mấy tháng qua, các liền anh liền chị tạm gác việc ruộng đồng để áo quần xúng xính tham gia đóng phim ca nhạc dân ca quan họ cổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN