Bảo tàng làng nghề đầu tiên

Bảo Tàng Nhiếp ảnh Lai Xá là bảo tàng đầu tiên do cộng đồng một thôn đầu tư và tổ chức trưng bày giới thiệu về truyền thống của một làng nghề - làng nhiếp ảnh.

Kể chuyện nghề ảnh Lai Xá

Ngày 15/5/2017, nhân dân thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội tưng bừng khai trương Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá - bảo tàng đầu tiên được cộng đồng thôn/làng thành lập nhằm bảo tồn và giới thiệu di sản truyền thống của làng mình.

Cụ Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký), ông tổ nghề ảnh Lai Xá.

Tòa nhà Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá được dân làng dự kiến xây 3 tầng nhưng ở giai đoạn đầu hiện nay, do hạn hẹp về kinh phí nên mới chỉ hoàn thành được 2 tầng, khoảng gần 300 m2.


Tầng 1 của bảo tàng là nơi đón tiếp khách và phần mở đầu của Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, gồm có một khu giới thiệu chung về bảo tàng, và một phòng chụp ảnh theo phong cách xưa được tái hiện lại. Ở đây, khách thăm quan có thể thấy một chiếc máy ảnh cổ, hộp gỗ trên một chiếc giá 3 chân, tường phía trước ống kính máy ảnh là phông vẽ cảnh quan, tuỳ sở thích của khách mà lựa chọn cảnh để chụp ảnh.


Trên bức tường dọc theo cầu thang di chuyển lên tầng 2, trưng bày những bức ảnh đẹp của những người Lai Xá yêu thích ảnh hiện nay. Những bức ảnh treo tại đây sẽ được các thành viên của Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Lai Xá thường xuyên thay đổi, để tạo cho khách tham quan mỗi khi trở lại bảo tàng luôn có thể ngắm những bức ảnh mới...


 Tầng 2 là không gian trưng bày chính của bảo tàng, được chia thành nhiều không gian nhỏ, với từng chủ đề riêng. Không gian có chủ đề “Tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá” giới thiệu về cuộc đời cụ Nguyễn Đình Khánh, với dấu mốc đặc biệt mở hiệu ảnh có tên Khánh Ký đầu tiên vào năm 1892 ở phố Hàng Da, Hà Nội. Không gian thứ hai có chủ đề về “Các hiệu ảnh xưa”, giới thiệu một số hiệu ảnh nổi tiếng của người Lai Xá. Trong đó, hiệu ảnh xưa nhất được giới thiệu là Phúc Lai ảnh viện, được cụ Nguyễn Văn Đính mở từ 1924 - 1925 ở Hải Phòng.


Những người muốn khám phá “bếp núc” của nghề ảnh sẽ đặc biệt thú vị với không gian được tạo dựng giống như trong căn buồng tối in phóng ảnh xưa. Một căn phòng hẹp, dùng ánh sáng đỏ, như mầu đèn đỏ trong buồng tối tráng phim, rửa ảnh... Ở đây còn trưng bày một số máy ảnh, thuốc ảnh, máy phóng ảnh và kỹ thuật chấm sửa ảnh bằng tay... giúp du khách được trải nghiệm công đoạn tạo ra những bức ảnh đẹp ngày xưa của người Lai Xá.


Bảo tàng còn có những khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm ảnh của các bậc tiền bối. Những tác phẩm này được phân loại và kể theo một số chuyên đề về ảnh, như ảnh chân dung, ảnh thờ, nghệ thuật ảnh sáng trong chụp ảnh, ảnh ghép và ảnh tô mầu bằng tay... Không gian cuối cùng của Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá nói về nghề ảnh với người Lai Xá hiện nay.


Thêm một điểm đến văn hóa

Ông Đặng Tích, 85 tuổi, một trong những người góp nhiều tâm sức trong việc xây dựng Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá tự hào lắm, bởi đây không chỉ là nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật, là nơi kể chuyện về lịch sử hình thành và phát triển của làng nghề, mà còn tự hào hơn, vì đây là bảo tàng mà người dân Lai Xá chung tay xây dựng lên. Để có được bảo tàng này, lãnh đạo thôn, câu lạc bộ nhiếp ảnh Lai Xá và nhân dân trong làng đã tổ chức cuộc vận động cộng đồng nhiếp ảnh Lai Xá hiến tặng các hiện vật, tư liệu về nghề ảnh hoặc có liên quan, và nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của những thợ ảnh, nhà nhiếp ảnh, các chủ hiệu ảnh xưa và nay, đặc biệt các thợ ảnh và nhà nhiếp ảnh lão thành...

Tham quan trưng bày tại Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá.

Những thông tin, những câu chuyện kể về các hiện vật trưng bày trong bảo tàng được chính người dân Lai Xá kể. Những tình nguyện viên đã dành rất nhiều thời gian đến từng nhà, nghe từng người kể những câu chuyện về nghề ảnh Lai Xá. Vào tận Thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ những người đồng hương Lai Xá, hoặc gọi điện thoại trực tiếp nghe kể về cuộc sống và những trải nghiệm về nghề ảnh của họ.


Liên hệ với những người Lai Xá ở Pháp, Mỹ... là con cháu của các nhà ảnh nổi tiếng như Phúc Lai, Thiên Nhiên để trao đổi và có được những câu chuyện hay, những hiện vật, bức ảnh đẹp... Và những câu chuyện được kể trong bảo tàng đã giúp người xem hiểu được, lịch sử hình thành và phát triển nghề ảnh Lai Xá, về cội nguồn từ ông tổ nghề ảnh Khánh Ký, cho đến sau này thành làng nhiếp ảnh Lai Xá.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cộng đồng tự xây dựng bảo tàng của thôn để tôn vinh một nghề truyền thống, nhằm gửi gắm sự tôn trọng đối với các bậc tiền bối và quyết tâm giữ nghề của cộng đồng người dân làng Lai Xá. Một ý nghĩa lớn nữa, làng Lai Xá hiện đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, người dân không còn đất sản xuất, và họ nhận thức được vai trò của bảo tàng, có thể giúp họ thực hiện một trong những phương cách làm thay đổi cuộc sống của làng.


Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, cùng với Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Gallery ảnh Nguyễn Anh Tuấn cùng những thế mạnh về di sản văn hóa truyền thống của làng... sẽ trở thành một điểm du lịch văn hóa mới hấp dẫn của thành phố. “Điều này thực hiện được là rất khó, nhưng nếu vượt qua được, thì sẽ là một thành công lớn, một kinh nghiệm biến tiềm năng văn hóa thực sự thành động lực cho sự phát triển”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy khẳng định.


Phương Hà/Báo Tin Tức
Trọn đời cống hiến cho nền nhiếp ảnh Việt Nam
Trọn đời cống hiến cho nền nhiếp ảnh Việt Nam

Dù đã gần 20 năm từ giã cõi đời nhưng hình ảnh người phóng viên, chiến sĩ, nghệ sĩ chiến trường Lâm Tấn Tài luôn sống hết mình vì sự nghiệp phát triển nhiếp ảnh Việt Nam vẫn là tấm gương sáng trong tâm thức của người thân, đồng nghiệp và các thế hệ học trò.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN