Bài học từ vụ dỡ gỗ sưa đình Cựu Quán mang bán

Vấn đề bảo vệ, quản lý di tích đang được đặt ra cấp thiết trên địa bàn Thủ đô. Thời gian gần đây, dư luận nhân dân rất bất bình trước sự việc chính người trong Ban Quản lý di tích đình làng Cựu Quán, xã Đức Thượng huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã mang những cấu kiện nghi là gỗ sưa đi bán.

Hiện nay, cơ quan điều tra vẫn chưa tìm được những thanh gỗ sưa để có căn cứ xử lý những cá nhân, tập thể để xảy ra vụ việc. Tuy nhiên, qua vụ việc ở Hoài Đức cho thấy, nhiều bài học cần được rút ra trong công tác quản lý các di tích, không chỉ riêng trên địa bàn Thủ đô.

Theo Công an xã Đức Thượng vào hồi 18 giờ, ngày 2/3/2014, 6 người gồm: Lãnh đạo thôn và Ban Khánh tiết thôn Cựu Quán đã bán 4 thanh gỗ nghi là gỗ sưa với trọng lượng 127,5kg gỡ ở mái vảy của đình để bán với giá 1,2 tỷ đồng. Bước đầu, số người bán gỗ của di tích khai nhận, trong số tiền thu được này, 700 triệu đồng đã được gửi tại Ngân hàng Nông nghiệp huyện Hoài Đức, còn 500 triệu đồng đã mua ruộng gần chùa và mua đồ gỗ sửa lại mái vảy của đình.

Phần mái đình có gỗ sưa bị dỡ đem bán cho chùa cùng thôn. Ảnh: Vietnamnet


Một số cụ cao niên trong thôn Cựu Quán cho biết: Đình đã có lịch sử lâu đời nhưng chưa được xếp hạng, bên trong có nhiều gỗ, trong đó có 4 thanh kẻ làm mái vảy làm bằng gỗ sưa. Trước sự việc trên, ông Nguyễn Khắc Dong, “thủ từ” mới của đình làng Cựu Quán, xã Đức Thượng chia sẻ: Được sự chỉ đạo của xã, người dân đã kịp thời bầu ra Ban Quản lý mới. Mặt khác, dùng bạt để đậy lên chỗ mái bị phá dỡ cho đỡ nắng mưa, đồng thời đặt thợ mộc làm lại bằng gỗ xoan và gỗ lim thay thế. Người dân trong làng rất mong muốn giải quyết vụ việc cho thấu tình đạt lý, đặc biệt phải xử đúng người đúng tội, đúng sự việc.

Theo ông Đỗ Văn Thúy, Trưởng phòng Văn hóa huyện Hoài Đức, việc một số cá nhân thôn Cựu Quán tự ý tháo dỡ mái di tích đình Cựu Quán để lấy một số thanh gỗ đem bán là đúng sự thật. Huyện Hoài Đức đã thông báo với cơ quan chức năng của thành phố cũng như đại diện của Cục di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Cục di sản văn hóa đã đến xem xét và đánh giá rằng Quán thờ thôn Cựu Quán là một cơ sở văn hóa tín ngưỡng của thôn có quy mô nhỏ hơn ngôi đình làng truyền thống.

Ông Thúy cũng cho biết, Quyết định của UBND thành phố Hà Nội, nêu rõ, việc quản lý di tích Cựu Quán được phân cấp cho UBND huyện Hoài Đức mà trực tiếp là UBND xã Đức Thượng. Sự việc xảy ra thật đáng tiếc và trách nhiệm chính thuộc về chính quyền sở tại. Trước mắt, huyện Hoài Đức giao Công an huyện truy tìm bằng được 4 thanh gỗ bị bán ở Quán làng Cựu Quán; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn và đặc biệt là nhân dân ở các vùng có di tích, các ban quản lý di tích các xã, thị trấn về việc bảo vệ phát huy các giá trị di tích lịch sử cho dù di tích đó được xếp hạng hay chưa được xếp hạng theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tại Hà Nội có khoảng 6.000 di tích, điểm thờ tự tâm linh, được trải đều ở các quận, huyện và thị xã. Trong khi đó, nhiều di tích trên địa bàn Thủ đô có những kiến trúc, đồ thờ tự hay những cấu kiện được làm bằng gỗ, đồng… có giá trị cao.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, sau sự việc ở Hoài Đức, thời gian tới ngành sẽ đề nghị các quận huyện, thị xã, đến xã phường tiến hành kiểm kê hiện trạng và hiện vật của các di tích trên địa bàn; qua đó, có kế hoạch quản lý tốt hơn, nhằm giữ gìn được giá trị gốc của di tích.

Hiện nay, Hà Nội cũng như một số địa phương khác trong cả nước có những di tích chưa được xếp hạng, hàng ngày phải "đối đầu" với nguy cơ bị lấn chiếm, bị tàn phá của thời gian và con người. Số phận của di tích chưa được xếp hạng vì thế lại càng... bấp bênh. Sự việc xảy ra với di tích ở Hoài Đức cho thấy cần phải nâng cao ý thức của cả cộng đồng trong bảo vệ di tích.


Mạnh Khánh
Sư trụ trì bán lại gỗ sưa vì bị đe dọa
Sư trụ trì bán lại gỗ sưa vì bị đe dọa

Trong khi người dân làng Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội vẫn còn đang xôn xao về chuyện gỗ sưa trong đình bị tháo dỡ để bán thì sư cô đứng ra mua lại 4 thanh gỗ sưa cho hay đã bị một nhóm người dọa nạt, buộc phải bán lại số gỗ cho họ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN