Bài chòi trên đường thành di sản thế giới

Nghệ thuật bài chòi đang trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bởi những giá trị về văn hóa, nghệ thuật cũng như sức sống mạnh mẽ của loại hình nghệ thuật này trong lòng người dân vùng duyên hải miền Trung.


Bài 1: Di sản sáng tạo của nhân dân lao động


Từ khi bắt đầu hình thành với hình thức sơ khai là trò chơi đánh bài chòi (hay còn gọi là hô bài chòi), hát bài chòi trở thành loại hình nghệ thuật dân gian gần gũi, đặc sắc thể hiện tâm tư, tình cảm, cuộc sống sinh hoạt của người dân duyên hải miền Trung.

 

Nếu người Nam Bộ say mê và tự hào với Đờn ca tài tử, thì người miền Trung cũng say mê và tự hào với nghệ thuật bài chòi.


“Rủ nhau đi đánh bài chòi
Để con nó khóc mà lòi rốn ra”


Câu ca dao ấy của người dân miền Trung đã cho ta thấy, nghệ thuật hát bài chòi được nhân dân miền Trung yêu thích và bài chòi đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của nhân dân lao động miền Trung. Cũng như hát bội, bài chòi có nguồn gốc từ dân gian, trải qua thời gian, bài chòi đã phát triển thành nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng hình thức sinh hoạt bài chòi theo kiểu dân gian vẫn bám trụ trong lòng nhân dân lao động ở các tỉnh miền Trung.

 

Đông đảo người dân đến xem hội đánh bài chòi cổ ở Bình Định. Ảnh: baobinhdinh.vn


Nói về nguồn gốc của bài chòi, GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, người đã có hàng chục năm tìm hiểu và nghiên cứu nghệ thuật bài chòi cho biết: “Cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy văn bản nào có ghi lại nguồn gốc ra đời của nghệ thuật bài chòi. Tuy nhiên, qua truyền thuyết dân gian, qua lời kể của những nghệ nhân cho thấy, nguồn gốc và sự ra đời của nghệ thuật bài chòi gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của nhân dân lao động”.


Theo lời kể của các nghệ nhân, vào cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII, nhiều thú dữ trên rừng thường về phá hoại mùa màng, quấy nhiễu cuộc sống của dân lành. Để chống lại thú dữ tấn công, người dân trong làng đã dựng những chiếc chòi rất cao ở ven rừng, trên mỗi chiếc chòi cắt cử một thanh niên trai tráng canh gác, nếu thấy thú dữ về phá hoa màu thì đánh trống, hô to để đuổi thú rừng… Trong quá trình canh giữ như vậy, để đỡ buồn chán, những người canh giữ trên chòi đã nghĩ cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò.


Để phù hợp với hoàn cảnh khi đó, các chòi đã ngồi trên chòi hát - hô đối đáp nhau, giữa chòi này với chòi khác. Không chỉ có hô - hát không, người dân còn sáng tạo ra cách ngồi chơi bài tứ sắc (tương tự như tam cúc ở ngoài Bắc - PV). Hình thức vừa chơi bài, vừa hô (hát) giữa các chòi với nhau để giải trí này được dân gian gọi là hô bài chòi, khởi nguồn của nghệ thuật bài chòi sau này.


Trải qua thời gian, để nhiều người dân có thể biết đến cách chơi hát - hô bài chòi này, những cuộc giải trí này dần dần được nâng lên thành hội bài chòi. Mỗi một hội đánh bài chòi, họ cắt cử một chòi trung tâm làm ông hiệu, cầm thẻ bài hô: “Đi đâu đi hủy đi hoài/Cử nhân không đậu tú tài cũng không” - câu hô đó ứng với con bài anh học trò, người ngồi trên chòi khác, ai có quân bài học trò thì gõ vào mõ cốc cốc, báo hiệu là tôi trúng rồi… Cứ như vậy, trong quá trình chơi, những người dân lao động đã sáng tác và phát triển ra rất nhiều câu hô, mỗi câu ứng với những con bài khác nhau.


Cùng với tình yêu văn chương, nghệ thuật, dần dần, việc thắng thua trong chơi bài không còn mang ý nghĩa vật chất, mà nó đã trở thành một trò giải trí, một sân chơi văn hóa của người dân nơi đây. Người dân chủ yếu đến để nghe người chơi hát - hô bằng những câu ca dao, tục ngữ, hoặc là tự sáng tác ra những câu hát hay, hô hay. Dần dần, để đáp ứng nhu cầu người xem, trong quá trình phát triển, những người chơi bài chòi đã đưa thêm những tích trò, những câu chuyện vào trong nghệ thuật hát bài chòi…


Theo GS Hoàng Chương, thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám (khoảng những năm 1930 - 1940), để thu hút người xem, từ một điệu hô ban đầu, những nghệ nhân hát bài chòi đã sáng tạo ra 4 làn điệu cơ bản của bài chòi là xuân nữ, cổ bản, xàng xê và hò quảng để diễn tả nhân vật. Sau này, các nghệ nhân còn mượn một vài làn điệu của hát bội sang làm phong phú thêm cho nghệ thuật này những năm 1930 -1940.


Đến năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta nhận thấy, người dân ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ đặc biệt yêu thích hát bài chòi, nên đã vận dụng đưa loại hình nghệ thuật vào hỗ trợ công tác tuyên truyền cho người dân. Vậy nên, trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp được coi là “thời hoàng kim” của nghệ thuật bài chòi. Khắp nơi khắp chốn, từ bộ đội, nhân dân… đâu đâu cũng hát bài chòi nên nhiều sáng tác mới, gắn với cuộc sống sinh hoạt của người dân đã ra đời.


Khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (năm 1954), đất nước chia 2 miền, tất cả nghệ nhân bài chòi phục vụ kháng chiến được tập kết ra Bắc. Đến đầu năm 1955, bài chòi bắt đầu lên sân khấu và đến năm 1957 thì thành chuyên nghiệp khi chính thức thành lập đoàn nghệ thuật bài chòi đầu tiên ở Hà Nội. Các nghệ sỹ đã xây dựng vở bài chòi Thoại Khanh - Châu Tuấn với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ, vở diễn này sau đó cũng đã giành được Huy chương vàng trong hội diễn văn nghệ. Vào những năm 1960, nghệ thuật bài chòi đã phát triển rất mạnh, thu hút đông đảo người xem, trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn thu hút đông đảo người xem. Sau này, Nhà nước đã cử nhiều diễn viên và nhạc công của đoàn nghệ thuật bài chòi về Nam Trung Bộ biểu diễn phục vụ kháng chiến, đồng thời đào tạo lớp nghệ sỹ kế cận.


Phương Lan

Bài cuối: Những giá trị văn hóa cần lưu giữ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN