Áo dài váy đụp, là cách tân hay 'mắm tôm pha với ca cao'?

Hết ba ngày Tết, với tinh thần “Tết này ta mặc áo dài”, những chiếc áo dài đã rực rỡ phố Xuân, mang đến những cảm giác thật sự nôn nao cho người du Xuân. Tuy nhiên, cũng từ chuyện chiếc áo dài, mà cư dân mạng đang dậy sóng với những tranh luận trái chiều, về chiếc áo dài mặc kèm váy- mốt mới tinh của mùa Tết Đinh Dậu 2017.

Ngược đãi áo dài

Những thợ trẻ lành nghề làm việc tại xưởng may Thảo Trần ở làng Trạch Xá. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN.

Facebook Hoàng Nguyên Vũ “bắt phát đạn” đầu tiên khi đưa ra một status: “Tôi đồ rằng cái đứa nghĩ ra cái mẫu áo dài mặc với cái váy đụp này nó căm thù cả áo dài lẫn phụ nữ các mẹ ạ. Và sản phẩm kết hợp giữa Bến Thượng Hải và làng Vũ Đại này là cách để nó thoả cái sự căm thù ấy. Chắc giờ thì nó hả hê khi cái sự nghiệp dở hơi hoá thời trang đã thành công. Cơ mà tôi thì vẫn van xin chúng nó tha cho chị em với mấy cái kiểu "cách tân" kinh dị này. Nhìn cứ như trên thì Ngọc Trinh dưới thì Hoàng Kiều ạ, mà đã thế mỗi năm cách tân một kiểu, kiểu nào cũng làm cho áo dài trở nên dị thường.


Năm trước là áo dài mặc với quần ống bó, thôi thì cũng tạm chấp nhận dù nhìn hơi không giống ai cho lắm, giống như sữa pha với nước mắm để uống buổi sáng. Cá nhân em thấy dưới váy đụp, bên trên là thân áo dài, ôi thôi, mắm tôm pha với ca cao ấy ạ. Em trân trọng di sản, có thể hơi khắt khe nhưng em vẫn yêu cái tinh thần nguyên bản của áo dài. Cùng lắm, cách tân có tâm và có tầm, là cái áo dài cổ thuyền, làm cho cái cổ của chị em phụ nữ trở nên quyến rũ. Nhưng mấy cái đợt cách tân gần đây, em thấy chị em phụ nữ đang bị ngược đãi bởi mấy cái nhà cách tân trời ơi đất hỡi kia”.


Status này ngay lập tức gây sóng gió, với số người đồng tình vô cùng đông và số người phản đối cũng vô cùng lớn, đến mức chủ nhân facebook phải đặt chế độ hạn chế cho status và viết một status khác để giải thích, tuy nhiên vẫn giữ nguyên quan điểm của mình: “Nói thẳng toẹt ra là cái bộ đó chẳng cách tân cái quái quỷ gì hết. Kẻ nào nói rằng bộ này là cách tân thì kẻ đó kém hiểu biết. Váy đụp của các bà các chị đồng bằng Bắc Bộ xưa, nó là đồ cổ.


Áo dài nhái phong cách Thượng Hải cũng chẳng có gì mới. Đừng nhân danh cách tân cách cựu gì đây. Hai thứ cũ ghép đôi lại thôi. Mà đã ghép lại, có cái ăn nhập có cái không. Cái này cũng tuỳ thuộc vào thẩm mỹ của từng người. Các thím thấy đẹp thì cứ mặc, ok, đó là việc của các thím. Tôi không thấy đẹp, đó là cảm nhận của tôi”.


Cùng quan điểm nhưng nhẹ nhàng hơn, facebook Vũ Lê chia sẻ: “Khách quan mà nói nhé, không phải vì áo dài cách tân nó xấu, công nhận là nó đẹp bởi nó có thể khiến một cô gái có ngoại hình không gợi cảm lắm trở nên xinh xắn hơn, vấn đề lại chính ở cái cách người ta đặt tên nó là áo dài cách tân, khi mà mình chẳng còn nhận ra 1 chút nào cái hình dáng của áo dài, bộ mặc với quần thì nhìn như Hoàn Châu Cách Cách, bộ mặc với váy thì như cô hầu gái! Trong khi cái nét thiêng liêng và độc nhất của áo dài Việt Nam để khác với trang phục của người Trung Quốc hay các nước khác là cái cách nó tôn lên các đường nét gợi cảm của người con gái.


Có trách thì trách cái cách người ta cứ cố vặn vẹo và cải biên một thứ truyền thống sao cho hợp thời một cách khiên cưỡng mà chẳng biết rằng họ đang mặc nhầm 1 trang phục khác chứ chẳng có cái áo dài nào ở đó cả. Áo dài không cần cách tân cũng chẳng cần cứu, vẫn là thứ quốc phục đẹp nhất và tôn lên vẻ đẹp phụ nữ. Chỉ có những người phụ nữ không biết làm đẹp mới không mặc áo dài truyền thống!”.

Chiếc áo dài váy đụp đang gây tranh cãi dư luận.

Mới nhất, facebook Vũ Mạnh Cường khẳng định: “Hãy chấm dứt ngược đãi áo dài’.


Facebook này chia sẻ: “Chưa bao giờ áo dài bị ngược đãi tàn bạo như Tết này. Cái gọi là "các nhà tạo mẫu" đã cho áo dài sống chung với váy đụp thành một thứ trang phục mới, không mang lại bất cứ một giá trị thẩm mỹ nào. Cái váy đụp mặc cùng cái yếm cho thấy một vẻ đẹp gợi cảm dân dã. Nhưng khi nó đi cùng với áo dài, thì sự kết hợp thô kệch ấy phá hỏng mọi ý nghĩa mà áo dài đã mang lại cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt. Thướt tha, gợi cảm, tinh tế, quyến rũ, bay bổng đều bị mất sạch. Thành thật xin phái đẹp Việt Nam ngừng ngược đãi áo dài và đừng khoác lên mình bộ trang phục xấu xí ấy”.


Là phái nữ, facebook Đặng Kim Minh Hảo cũng chia sẻ: “Áo dài cách tân và váy đụp đã hấp diêm thị giác người nhìn một cách tàn nhẫn. Ba ngày Tết không mặc một chiếc váy hay khoác một bộ áo dài nào lên người mà vẫn thấy rất Xuân”.


Cũng rất nhiều phái nữ có quan điểm này, facebook Tuyết Lan Trần: “Quả là cái sự tung toé của váy đụp cùng nghiêm ngắn áo dài khó vào mắt quá”. Facebook Phan Thu Huong: “Ngàn like cho post này ạ. Các chị em thích cắt xén mổ xẻ thế nào cũng được nhưng xin đừng gọi những thứ lai căng kệch cỡm ấy là áo dài cho xấu hổ tà áo dài truyền thống Việt Nam”.


Cách tân là sự đa dạng


Đó là quan điểm của những người ủng hộ áo dài cách tân.


Facebook Hương Nguyễn chia sẻ: “ Vừa đọc được bài của 1 gã nói mặcáo dài với váy đụp như là "pha mắm tôm với cacao". Cũng đúng thôi. Tôi nghĩ là đâu đó trên thế giới này kiểu gì chả có người thích ăn mắm tôm với cacao. Đâu có luật nào cấm mắm tôm không được pha với cacao nhỉ, miễn là họ thấy ngon, tôi thấy đầy người thích ăn cả đất cát, kim loại nữa kia. Tôn trọng sự đa dạng tý đi!


Nếu ai cũng suy nghĩ như anh thì trên đời này sẽ chẳng có designer/stylist nào ra đời. Sự sáng tạo sẽ bị tuyệt chủng. Ca cao nhất định phải pha với sữa đặc, áo dài nhất định phải mặc với quần lụa. Bé trai phải chơi xe cẩu màu xanh, bé gái phải chơi búp bê màu hồng. Béo thì cấm được mặc sọc ngang, gầy thì cấm mặc màu tối. Váy hoa cấm đi với giày converse. Còn cái tầm dám mặc cả bộ váy làm bằng thịt sống như Lady Gaga thì đáng tội tru di cửu tộc…”.


Facebook Le Van Duc: “Tôi lại nghĩ khác. Người Vỉệt Nam ta có văn hóa là luôn coi cái gì khác với "truyền thống" là không đẹp. Ngay bản thân cái áo dài mà chủ thớt khen đẹp thì từ khi được các nhà thiết kế Pháp và Việt Nam đưa ra đầu thế kỷ 20 cũng chịu nhiều thị phi, thậm chí nhiều cụ thời đó còn đòi cấm vì nó "lai căng" quá, không hợp với bản tính ưa kín đáo của phụ nữ Việt Nam. Vậy mấy mẫu áo dài này chỉ là cách tân từ mẫu áo dài truyền thống, đẹp hay không phải có thời gian mới trả lời được. Cũng như chụp ảnh xong, về để đó, hàng tuần hàng tháng sau xem lại mới lọc ra được bức nào đẹp, bức nào không”.


Một facebook khác, Nguyễn Phượng Hoàng cho rằng: “Thời trang luôn có xu hướng thay đổi, cũng không ảnh hưởng gì đến ai. Đa phần mặc cho lạ mắt thôi. Cả nhà em mặc áo dài váy với tâm thế chụp ảnh nghịch ngợm cho nó vui chứ cũng không phải vì say mê, chắc người ta cũng không dùng lâu. Cái gì cũng nhốt vào một cái khuôn chán lắm. Mà đính chính, nó không phải váy đụp mà là 1 cái quần ống rộng và ngắn”.


Ai đúng, ai sai quả cũng khó phân định, vì đẹp xấu cũng còn do quan điểm của mỗi người; tuy nhiên, cái gì đúng sẽ còn mãi với thời gian. Có lẽ, cũng nên chờ các nhà chuyên môn sẽ lên tiếng thêm về vấn đề này.

TT
11 giờ trưa ngày mùng 1 Tết Đinh Dậu 2017: Xôn xao áo dài Hồ Hoàn Kiếm
11 giờ trưa ngày mùng 1 Tết Đinh Dậu 2017: Xôn xao áo dài Hồ Hoàn Kiếm

"Tết này ta mặc áo dài", phong trào do MC Phan Anh phát động đã mang tới một nét văn hóa truyền thống tuỵệt đẹp cho sáng mùng 1 Tết Đinh Dậu. "Đầu cầu" Hà Nội, đại diện là MC Phan Anh, đã hẹn nhau 11 giờ trưa sẽ mặc áo dài tập trung ở Hồ Hoàn Kiếm để tôn vinh chiếc ào dài dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN