07:08 26/07/2012

Văn hóa Óc eo – Phù Nam: Nền văn hóa cổ vùng đất Nam bộ xưa

Các di tích thuộc văn hóa Óc Eo là nguồn tư liệu lịch sử quý chứng minh cho sự phát triển và tồn tại một bộ phận đất nước trên con đường hòa nhập vào cơ thể Tổ quốc Việt Nam như một bằng chứng về một nền văn hóa cổ từng tồn tại trên vùng đất phía Nam.

Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ hình thành và phát triển trên cơ tầng bản địa trong khoảng 10 thế kỷ đầu công nguyên ở khu vực Nam bộ. Được phát hiện lần đầu tiên ở Óc Eo (Vọng Thê, An Giang), sau đó được mở rộng ra phạm vi các tỉnh miền Nam như Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ,… qua những cuộc khai quật đã thu được hàng vạn hiện vật phong phú, đa dạng vừa mang tính bản địa, vừa có tính giao lưu kinh tế với các trung tâm lớn thời bấy giờ như Trung Quốc, Ấn Độ, La Mã, Ba Tư…


Cách đây gần 70 năm, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của một nền văn minh khá rực rỡ, cùng thời với văn hóa Đông Sơn tại địa danh Óc Eo thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Cũng từ đó, các nhà khoa học đã dùng hai từ Óc Eo để chỉ những di tích và di vật Phù Nam tìm thấy ở những địa bàn khác nhau thuộc các tỉnh Nam bộ. Trải qua gần 70 năm phát hiện và nghiên cứu (tính từ cuộc khai quật lần đầu tiên vào năm 1944 do học giả người Pháp là Louis Malleret thực hiện tại Óc Eo), tới nay diện mạo của nền văn hóa đặc sắc, nổi tiếng này ngày càng trở nên rõ nét hơn. Các di tích thuộc văn hóa Óc Eo là nguồn tư liệu lịch sử quý chứng minh cho sự phát triển và tồn tại một bộ phận đất nước trên con đường hòa nhập vào cơ thể Tổ quốc Việt Nam như một bằng chứng về một nền văn hóa cổ từng tồn tại trên vùng đất phía Nam.

Tượng Phật (Đá, thế kỷ 6-7, Phuớc Mỹ Trung, Bến Tre).


Những khám phá khảo cổ học sơ kỳ thời đại đồ sắt ở Nam bộ với hàng vạn di vật văn hóa Óc Eo đa dạng về loại hình, phong phú về chất liệu, vừa mang tính bản địa, vừa hàm chứa những thành tố của các nền văn minh Ấn Độ, Ba Tư, La Mã, Trung Hoa… đã được tìm thấy và đưa về bảo quản, phát huy tại các bảo tàng khu vực phía Nam đã chứng minh nguồn gốc bản địa của văn hóa Óc Eo và là nguồn tài liệu quý giá phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu nhiều lĩnh vực của văn hóa Óc Eo.

Chân đèn hình người ( Đồng, thế kỷ 4-6, Rạch Giá, Kiên Giang).


Qua những lần khai quật các di chỉ khảo cổ học Óc Eo ở gò Ô Chùa vùng Đồng Tháp Mười (thuộc xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), di chỉ khảo cổ học Giồng Cá Vồ ở khu vực rừng ngập mặn ven biển Đông Nam bộ, thuộc xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh và di chỉ khảo cổ học Giồng Lớn thuộc xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều loại di vật như di cốt người, xương răng động vật, đồ trang sức bằng vàng, thủy tinh, mã não, hồng ngọc, các công cụ sắt, nồi rót kim loại, đồ gốm, đồ đá... Các di vật sưu tập được trong những di chỉ khảo cổ này tuy phân bố ở những tiểu vùng sinh thái khác nhau, nhưng đều chứa đựng những yếu tố đặc trưng của văn hóa Óc Eo khá rõ nét, mà biểu hiện rõ ràng nhất là đồ gốm.


Nhằm điều kiện cho công chúng trong và ngoài nước tìm hiểu thêm về nền văn hóa Óc Eo – Phù Nam, ngày 25/7/2012, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã khánh thành Phòng Trưng bày văn hóa Óc Eo - Phù Nam. Phòng trưng bày này có trên 100 hiện vật tiêu biểu, đặc sắc, chia thành 3 nhóm: Nhóm 1: Giới thiệu đồ trang sức và kim loại, trong đó tiêu biểu phải kể đến là: Lá vàng dập nổi hình người, con dấu, và các loại hiện vật hợp kim thiếc…; nhóm 2: Giới thiệu những hiện vật chất liệu gốm, trong đó loại hình đặc trưng nhất là bếp lò, bình, hũ, nồi, nắp…; nhóm 3: Giới thiệu những hình tượng Phật giáo và Hindu giáo bằng nhiều chất liệu: Đá, gỗ và đồng.

Có thể thấy, trong văn hóa Óc Eo, đồ gốm hiện diện trong hầu hết các di tích và là loại hình hiện vật thể hiện truyền thống bản địa rõ ràng nhất, bao gồm ba loại hình chính là đồ gia dụng, công cụ lao động và trang trí kiến trúc. Sản phẩm phổ biến là đồ gốm gia dụng như bình, hũ, nồi, nắp, bát, cốc, chai… trong đó loại hình đặc trưng nhất là bếp lò, vật dụng quen thuộc và thiết yếu của cư dân vùng sông nước. Vật liệu xây dựng và phù điêu trang trí kiến trúc bằng đất nung cũng là những di vật chủ yếu trong các di tích kiến trúc đền tháp của văn hóa Óc Eo.


Bên cạnh đồ gồm, đồ trang sức thời kỳ Óc Eo như vòng, nhẫn, bông tai, dây chuyền, hạt chuỗi… được chế tác từ các loại chất liệu quý như vàng, đá ngọc, mã não, thạch anh, thuỷ tinh… với nhiều màu sắc, kích cỡ, hình dáng khác nhau. Đáng chú ý là các lá vàng dập nổi, chạm khắc tạo hình hoa văn trang trí và chữ Phạn cổ. Ngoài ra còn có những con dấu, mặt nhẫn khắc hình người, động vật và các loại tiền vàng, bạc, hợp kim thiếc…


Bên cạnh đồ gốm, đồ trang sức, các tượng thần, tượng Phật bằng đá, gỗ và một số ít bằng đồng, được tìm thấy trong nhiều di tích và rải rác trên khắp vùng Nam bộ đã cho thấy có sự giao thoa văn hóa lớn diễn ra tại đây. Theo sử liệu, tại vùng đất này, giai đoạn từ thế kỷ V đến thế kỷ VII là giai đoạn phát triển rực rõ nhất của điêu khắc Hindu và Phật giáo Ấn Độ, chính vì vậy mà những hiện vật này mang dấu ấn của nghệ thuật Ấn Độ, nhưng lại được bản địa hóa và tạo dấu ấn riêng của văn hóa Óc Eo…


Cùng những tư liệu lịch sử, những di vật khảo cổ học trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hiện nay, giúp người xem có thể hình dung về một nền văn minh khá rực rỡ đã từng tồn tại ở Óc Eo. Nhiều nhà khoa học đã đánh giá những di tích Óc Eo và di vật được tìm thấy tại đây đã khẳng định một thời đại phát triển ở trình độ cao về kinh tế, kỹ thuật, về văn hóa, xã hội của vùng đất Nam bộ. Quá trình phát hiện, nghiên cứu văn hóa Óc Eo là để tìm lại chân dung vùng đất cổ và các di tích thuộc văn hóa Óc Eo chứa trong mình một trữ lượng tư liệu lịch sử quý, chứng minh cho sự tồn tại của một nền văn hóa cổ trên vùng đất phía Nam.


Phương Hà