10:07 18/10/2014

Văn hóa mạng - Con dao hai lưỡi

Vào Facebook dần trở thành một thói quen khó từ bỏ, không ít người bị “nghiện” lúc nào không biết... Việc không thể kiểm soát thông tin, hoặc đua theo những trào lưu vô cảm, đang biến các trang mạng xã hội thành những cái bẫy nguy hiểm cho người sử dụng.

Khi xã hội phát triển, công nghệ thông tin trở thành một trong những nhu cầu cần thiết đối với giới trẻ, đặc biệt là sự phát triển của các trang mạng xã hội. Có thể nói, ở Việt Nam, mạng xã hội được biết đến và sử dụng phổ biến nhất hiện nay là Facebook, với khoảng 12 triệu người sử dụng, bên cạnh hàng trăm mạng, diễn đàn xã hội khác.

Phải thừa nhận rằng, Facebook có rất nhiều tiện ích, nhất là sự kết nối thông tin và những ứng dụng giải trí thú vị. Nếu sử dụng đúng mục đích và ở chừng mực phù hợp, mạng xã hội này sẽ là công cụ hữu hiệu cho những công dân hiện đại ưa chuộng công nghệ. Tuy nhiên, thông tin bổ ích cũng nhiều và thông tin tiêu cực cũng không phải ít và thật khó kiểm soát. Rất nhiều người đã không thể cưỡng nổi sự lôi cuốn như mê hoặc của Facebook.


Vào Facebook dần trở thành một thói quen khó từ bỏ, không ít người bị “nghiện” lúc nào không biết... Bên cạnh tính tiện ích, thì việc không thể kiểm soát thông tin, hoặc đua theo những trào lưu vô cảm, đang biến các trang mạng xã hội thành những cái bẫy nguy hiểm cho người sử dụng. Xa rời đời sống thực, hết khoe thân, khoe của rồi đến chửi bới người thân, văng tục, quan hệ ân ái... đó là thực trạng đáng lo ngại của các trang mạng xã hội hiện nay.


Mạng xã hội đang cuốn hút giới trẻ.


Thực tế hiện nay có rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội như một công cụ để xả stress, để soi mói cuộc sống của người khác và thể hiện cái tôi có phần tầm thường và ít va chạm xã hội, hoặc có định kiến với xã hội của mình. Sự nhanh chóng của Facebook, với việc có thể đưa lên ngay lập tức theo thời gian thực một quan điểm, càng khiến họ trở nên thiếu suy nghĩ, càng bộc lộ sự thiếu chín chắn của mình. Do sức lan tỏa của mạng nhanh tới mức chóng mặt, nên rất nhiều người bị cuốn hút vào một sự việc, rồi không ngần ngại đưa ra những bình luận (cả đúng, cả sai). Thật đáng lo ngại, rất nhiều người mượn Facebook để đưa ra quan điểm cá nhân, cái tôi cục bộ, nói xấu người khác, thậm chí còn lợi dụng diễn đàn này để bôi xấu chế độ.


Cộng đồng mạng có lẽ chưa quên những cô gái nhanh chóng nổi như cồn bởi cơ thể đẹp, đường cong quyến rũ, đặc biệt là vòng 1 nóng bỏng. Muốn nhanh chóng được nổi tiếng, những hotgirl thường post những tấm ảnh hở hang hết cỡ, thậm chí không mảnh vải che thân, tạo dáng sexy hoặc kỳ quặc, cốt sao cho nổi bật gương mặt và đường cong cơ thể. Không cần chào mời, hình ảnh của họ nhanh chóng được truyền đi trong cộng đồng mạng và đón nhận những “cơn bão” like, share... Với những hotgirl đã nổi tiếng trước đó, có chút nhan sắc hoặc sử dụng mánh lới để chen chân vào giới giải trí, những màn khoe thân nóng bỏng sẽ khiến họ được nhiều người biết đến hơn. Còn với những cô gái vô danh, không có tài năng gì nổi bật, chiêu trò cởi đồ, hoặc những màn khoe thân trên Facebook sẽ sớm làm họ nổi tiếng. Xu hướng này còn đang lan sang cả phái mạnh.


Tư duy sai lầm khi cho rằng đây chỉ là thế giới ảo, cho nên có thể nói gì, làm gì cũng được mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do những lời mình viết lên sau bàn phím, đã tạo ra một sự dễ dãi trong cách hành xử với nhau trên mạng. Khi các mạng xã hội, mà ở đây là Facebook, được sử dụng để truyền tải những nội dung và quan điểm lệch lạc, dễ dãi, thiếu trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, nó trở thành một công cụ nguy hiểm khi nằm trong tay của một số đông cùng “sở thích”. Tâm lý đám đông, hiếu kỳ cùng với suy nghĩ thiếu chín chắn đã tạo ra những làn sóng ập lên những “nạn nhân” không cùng sở thích, suy nghĩ với họ. Thật nguy hại khi số đông đã bám lấy những hình ảnh, những thông tin chưa qua kiểm chứng để quy chụp, thậm chí bình luận bằng những lời lẽ vô cảm, thiếu văn hóa.


Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là những hệ lụy từ việc quá lạm dụng mạng xã hội. Không ít người, nhất là giới trẻ do bị cuốn sâu vào mạng xã hội mà quên đi cuộc sống thật của mình, tìm thú vui qua những dòng bình luận, thích thú khi được nhiều người “like”. Những nội dung độc hại, khó kiểm soát đã tác động xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.


Vậy phải làm gì để ngăn chặn những tiêu cực từ mạng xã hội đối với giới trẻ? Có lẽ cùng với sự thức tỉnh của bạn trẻ đã trót đam mê thế giới phẳng, thì đó còn là trách nhiệm của các cơ quan chức năng (trách nhiệm chính thuộc về các bộ: Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Thông tin truyền thông). Bên cạnh đó là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, nhà trường, gia đình và xã hội. Để ngăn chặn những tác động xấu từ mạng xã hội, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ.



Yến Nhi