11:06 12/11/2014

Văn hóa giao tiếp khi công nghệ lên ngôi - Bài cuối

Liệu văn hóa giao tiếp của chúng ta có còn tiếp tục nguội lạnh? Làm thế nào để “ấm” lại những cuộc trò chuyện, gặp gỡ, hội họp, đó là điều trăn trở của toàn xã hội? Với các chuyên gia tâm lý, nhà báo, nhà văn, đây còn là điều khiến họ day dứt.

Liệu văn hóa giao tiếp của chúng ta có còn tiếp tục nguội lạnh? Làm thế nào để “ấm” lại những cuộc trò chuyện, gặp gỡ, hội họp, đó là điều trăn trở của toàn xã hội? Với các chuyên gia tâm lý, nhà báo, nhà văn, đây còn là điều khiến họ day dứt.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mạnh Hà: Tạo nền tảng văn hóa giao tiếp từ giới trẻ

Đã có nhiều nghiên cứu về tác động của công nghệ hay smartphone đối với cuộc sống của con người. Hầu hết đều chỉ ra tác dụng hữu ích của nó đối với sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực đối với giao tiếp, đặc biệt là làm giảm vai trò của giao tiếp trực tiếp. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu thì ở các nước phương Tây ít thấy những tác động tiêu cực của smartphone tới giao tiếp trực tiếp, hơn ở Việt Nam. Các nước phương Tây tiếp nhận công nghệ rất chủ động.

Rất cần những cuộc hẹn không điện thoại.



Trong những cuộc hội họp, gặp gỡ, giao lưu, họ thường gạt bỏ hết những cuộc điện thoại, những nhu cầu tìm hiểu thông tin trên mạng, để tập trung tiếp nhận thông tin của người đối diện và giao tiếp với bạn bè. Ở Việt Nam, chúng ta tiếp nhận công nghệ một cách hoàn toàn thụ động và bị phụ thuộc vào công nghệ, mà cụ thể là smartphone, cho nên chúng ta phải đối mặt với nhiều tác động mặt trái của nó.

Căn nguyên sâu xa của việc bị smartphone lấn át giao tiếp trực tiếp, đó là do bản thân người sử dụng đôi khi có tâm lý thiếu tự tin, hay e ngại, sợ người khác đánh giá khi giao tiếp trực tiếp. Vì vậy họ chọn giao lưu trên mạng, qua chiếc smartphone, thay thế cho việc phải đối mặt với người khác.

Để tăng cường giao tiếp trực tiếp, mỗi cá nhân phải hiểu được tác động tích cực và tiêu cực của công nghệ, của smartphone, cần có ý thức tạo ra bầu không khí tâm lý chung trong các cuộc gặp gỡ, hội họp; tạo ra được sự cởi mở với tập thể và với mỗi cá nhân, để mọi người cùng hòa nhịp vào một câu chuyện, hay một chủ đề chung.

Một vấn đề nữa là các em học sinh bây giờ phải “gánh” một chương trình học nặng quá, khiến cho các em ít có cơ hội để rèn luyện sự tự tin và khả năng giao tiếp. Vì vậy nhà trường cần tăng cường hơn nữa các bộ môn rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp cộng đồng cho các em. Phải bắt đầu từ lớp trẻ để tạo nên một nền tảng văn hóa cho cộng đồng.

Nhà báo Việt Văn, báo Lao động: Mất đi không gian giao tiếp thân mật

Không ai phủ nhận sự hữu dụng của điện thoại thông minh (smartphone), nhất là với một nhà báo thì nó giúp ích nhiều cho việc tác nghiệp (viết bài, chụp ảnh, nhận, chuyển tin, bài). Tuy nhiên, như một đồng xu bao giờ cũng có hai mặt, việc lạm dụng điện thoại thông minh cũng có mặt trái của nó. Hình ảnh hai người bạn, hay một nhóm bạn gặp nhau, nhưng ai làm việc nấy, cứ loay hoay tất bật với smartphone của bản thân đã trở thành phổ biến. Không gian giao tiếp thân mật, mặt đối mặt (face to face) bị mất đi, tính chất cởi mở, đa dạng của những cuộc đối thoại sống động, sự lắng nghe nhau với thái độ chăm chú và cùng tranh luận thẳng thắn về một vấn đề gì đó, tất cả đều tan biến. Thế giới ảo, với những con chữ lạnh lùng, vô cảm đang tràn ngập và mỗi cá nhân chìm đắm vào thế giới riêng vị kỷ của bản thân. Chưa bao giờ mà sự tập trung lắng nghe nhau, những cuộc đối thoại bị phá vỡ bởi smartphone lại nhiều như bây giờ. Nó làm tôi nhớ đến “Cô đơn trên mạng” - cuốn tiểu thuyết được nhà văn Ba Lan Janusz Leon Wisniewski từng làm lay động trái tim hàng triệu độc giả, khi thể hiện con người tìm kiếm cảm xúc và yêu thương trên mạng, để rồi tuyệt vọng trong đời thực…

Nhà văn Nguyễn Văn Học: Giới trẻ ngày càng ít giao tiếp

Đã qua rồi cái thời mà người này nắn nót từng nét chữ viết thư gửi cho người kia. Qua nét chữ, người viết dồn tâm huyết vào, để làm sao gửi gắm được nhiều tâm sự nhất. Người nhận cũng thấy vui vẻ, sung sướng hoặc được đồng cảm thông qua những bức thư phương xa nhiều nỗi nhớ. Văn hóa viết thư đã bị coi là lỗi thời, khi công nghệ thông tin dần phát triển. Người ta giao tiếp với nhau bằng thư điện tử, chat… trên máy tính. Đến khi những chiếc điện thoại thông minh ra đời, thì người ta chẳng cần phải ngồi ở nhà hoặc văn phòng để thông tin với nhau, hay phải mất thời gian mở máy tính xách tay.

Họ có thể giao tiếp với nhau thậm chí là trực tiếp trên điện thoại thông minh, smartphone, như nhìn thấy mặt nhau, hoặc người này ở đâu, người kia cũng biết. Nhưng có mặt trái là, chính vì quá biết nhau đang làm gì, nên đôi khi người ta chẳng cần phải hỏi nhau đang ở đâu, làm gì, ăn uống ra sao, sức khỏe thế nào… Song đó chưa phải là tất cả những mặt hạn chế của thời công nghệ: Với chiếc điện thoại của mình, dù người ta có hẹn hò, gặp gỡ nhau thì đến nơi, mỗi người lại chẳng mấy quan tâm đến người đang nói chuyện với mình, mà đi quan tâm đến việc tìm kiếm, đọc thông tin trên mạng, hoặc mải mê chat với người khác.

Bởi vậy, không hiếm chuyện 4, 5 người bạn trẻ ngồi với nhau, nhưng mỗi người quay một hướng và chăm chú với chiếc điện thoại của mình, chẳng ai nói với ai, hoặc có nói thì nói rất ít. Không ít nhà văn hóa đã phân tích, không chỉ là giao tiếp qua thư từ bị mai một, mà những buổi nói chuyện trực tiếp cũng dần bị cắt xén đi.

Các chuyên gia tâm lý học đã từng đúc kết rằng giao tiếp trực tiếp là cách tốt nhất để thể hiện tình cảm, thái độ và qua đó cũng thể hiện văn hóa giao tiếp, cách ứng xử rõ nét nhất của con người. Việc nói chuyện thông qua điện thoại, hay các công nghệ hỗ trợ khác, dù có những tiến bộ, nhưng nếu quá lạm dụng, thì cũng khiến tâm hồn con người ta trở nên chai sạn, có khi là xa cách và mức độ hiểu nhau cũng giảm đi. Khi đó, mỗi người chỉ chăm chút cho thế giới riêng, thế giới ảo của mình, dù ở gần nhau nhưng lại thành… xa nhau. Đối diện với nhau mà lòng cách lòng.

Khi giao tiếp trực tiếp bị giảm sút, thì cũng đồng nghĩa với việc không ít người tìm cách giao tiếp khác trên mạng xã hội. Và khi đó, như để giải phóng năng lượng, giải thoát những bức xúc cá nhân, những nỗi niềm… mạng xã hội chính là nơi được lựa chọn. Người ta sẽ thích phát biểu theo ý mình, nhận thức lệch lạc, chưa chuẩn xác, hoặc “chém gió”, thể hiện bản thân mình, khoe khoang…

Theo tôi lúc này rất khó để kéo các bạn trẻ trở lại thực tại nếu không tìm cách tác động từ chính nhận thức của các bạn trẻ. Giới trẻ vốn hào hứng với những tiến bộ của công nghệ điện thoại, thường xuyên cập nhật những thành tựu mới, nhưng lại bỏ quên trường giao tiếp căn bản của cuộc sống. Không ai khác, gia đình phải là nơi chịu trách nhiệm chính, và định hướng, đưa các em trở về với nề nếp giao tiếp truyền thống, nguyên bản và giàu cảm xúc: Đó là giao tiếp trực diện.

Nhóm phóng viên