11:07 11/11/2014

Văn hóa giao tiếp khi công nghệ lên ngôi - Bài 2

Đánh giá của một chuyên gia tâm lý - xã hội, thói “nghiện” iPhone nói riêng hay smartphone nói chung của chúng ta, đang làm ô nhiễm môi trường công cộng và phá hủy sợi dây liên kết giữa con người với thế giới thực tại.

SỰ PHỤ THUỘC NGUY HẠI CHO GIAO TIẾP

Đánh giá của một chuyên gia tâm lý - xã hội, thói “nghiện” iPhone nói riêng hay smartphone nói chung của chúng ta, đang làm ô nhiễm môi trường công cộng và phá hủy sợi dây liên kết giữa con người với thế giới thực tại.

Giật mình khi nhận ra công nghệ đã khiến chúng ta quên giao tiếp và quan tâm ra sao.


Cuối tháng 10 vừa qua, Starbucks Việt Nam đã tổ chức một chương trình mang tên “Cà phê - Trò chuyện - Không điện thoại”, với yêu cầu tất cả những khách hàng tham dự phải “nhốt” chiếc điện thoại, tablet của mình vào chiếc hộp “Meet Me at Starbucks” trong 1 giờ đồng hồ.

“Với chương trình này, Starbucks mong mỗi người chúng ta sẽ bớt phụ thuộc vào các thiết bị số hơn, sẽ quan tâm nhau hơn và sẽ sống ý nghĩa hơn”. Kết thúc chương trình, rất nhiều chia sẻ của các khách hàng cho thấy, họ giật mình nhận ra lâu nay mình đã phụ thuộc vào chiếc smartphone tới thế nào và họ cảm thấy hạnh phúc khi được trở về với cuộc sống tự do và biết yêu thương, chia sẻ.

H. Trang, một khách hàng viết: “Một tiếng không công nghệ, trở về cái gọi là cà phê đúng nghĩa”. Còn Vương Ngọc thì chia sẻ: “ Mình và bạn có nhiều thời gian hơn để trò chuyện và tâm sự, chứ không chỉ dán mắt vào điện thoại như mọi khi. Nhờ vậy tâm trạng thoải mái hơn rất nhiều...”.

Nhưng có lẽ, tâm sự dưới đây của một người vợ mới thật sự khiến cho ta phải xúc động và lắng lại mà suy nghĩ: “Tôi cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ vì được trao đổi trực tiếp với chồng về công việc kinh doanh và việc học tập của các con, chương trình đã giúp chúng tôi hiểu ra thiết bị điện tử đã chia cách chúng tôi. Nếu không có Iphone bên cạnh, khi đi cà phê cùng chồng và người thân, bạn sẽ vui vẻ hơn. 1 ngày chỉ 1 giờ thôi nhưng là ngày hạnh phúc của tôi”.

 Như trước đây, đó có phải là những điều chúng ta thiếu trong văn hóa giao tiếp? Những cuộc trò chuyện trực tiếp, sự sẻ chia của những người thân với những người thân về những vấn đề chúng ta cùng quan tâm hoặc chúng ta cùng có trách nhiệm? Không, câu trả lời là không. Nhưng nay, thì hóa ra đó lại là điều văn hóa giao tiếp đang thiếu. Sự phụ thuộc vào công nghệ, sự đam mê với những chiếc smartphone đã khiến văn hóa giao tiếp của chúng ta chết dần, chết mòn.

“Chủ nhà phải đứng trước cửa để “cất giùm” điện thoại. Các công ty phải ban hành chính sách “không mang theo thiết bị di động vào cuộc họp”. Tại nhà trường, thầy cô phải tịch thu điện thoại của học sinh. Trong các môi trường vốn yêu cầu thái độ lịch sự và sự tập trung cao độ, phản ứng tiêu cực dành cho smartphone đang dâng cao.

Dĩ nhiên, chúng ta đang sống trong một xã hội tự do. Trừ các rạp chiếu phim, khó có thể nghĩ ra một địa điểm nào đó mà con người nên bị cấm sử dụng điện thoại di động và thậm chí quan điểm cấm smartphone trong rạp chiếu phim cũng đang bị lôi ra tranh cãi. Vào thời đại này, điện thoại chiếm mất vị trí mà con người ta vẫn dùng để bỏ bao thuốc lá. Trên đường đi, trong các công viên, trên xe bus, tàu hỏa, chúng ta bước đi cúi gầm mặt vào “bao thuốc lá” mới mang tên điện thoại - một “bảo bối” của chúng ta”, một chuyên gia tâm lý - xã hội này chia sẻ.

Trên thực tế, Việt Nam không phải là đất nước đầu tiên chịu hậu quả của sự “diệt vong văn hóa giao tiếp” này. Những câu chuyện đau lòng đã xảy ra lâu nay trên thế giới, những lời cảnh tỉnh đã được cả thế giới đưa ra. “Con người ngày càng mất dần khả năng giao tiếp với xung quanh, họ tự cô lập bản thân và dần trở nên cô độc”, một nhà nghiên cứu xã hội cho biết.

Cũng từ câu chuyện về hậu quả của smartphone, mới đây nhiếp ảnh gia Babycakes Romero (Anh) đã chụp một phóng sự mang tên “The Death of Conversation” (Cái chết của sự giao tiếp), ghi nhận sự thay đổi trong cách con người giao tiếp với nhau từ khi điện thoại thông minh xuất hiện. “Hẹn hò, gặp gỡ nhau nhưng mỗi người lại chìm đắm vào thế giới riêng trên chiếc điện thoại, đối thoại thưa dần”, nhiếp ảnh gia này chia sẻ.

Mở đầu phóng sự ảnh là bức ảnh một cặp tình nhân trong quán ăn, mà chàng và nàng đều chúi mắt vào chiếc điện thoại với chú thích: “Hầu hết chúng ta đều trải qua cảm giác khó chịu khi bạn cố gắng nói chuyện với một người nào đó mà họ cứ dán mắt vào màn hình điện thoại, một số người trong chúng ta có thể đã quá quen thuộc và chấp nhận hình ảnh này”.

Và hơn chục bức ảnh tiếp theo của phóng sự ảnh cũng đều tập trung phản ánh sự phụ thuộc công nghệ và cái chết của giao tiếp như vậy: Những người đứng cạnh nhau nhưng không ai nói gì với nhau, dù trên tàu điện, chỗ nhà chờ, hay trong một cuộc hẹn: “Những con người này đang đi bên nhau, ngồi cùng nhau nhưng họ chỉ quan tâm đến điện thoại của họ, chứ không phải người bạn bên cạnh”, nhiếp ảnh gia chia sẻ.

Cũng theo nhiếp ảnh gia này: “Trước khi điện thoại di động được phát minh, người ta không còn lựa chọn nào khác là phải giao tiếp trực tiếp với nhau. Thế nhưng giờ đây mọi người luôn có điều gì đó để làm trên chiếc điện thoại của mình thay vì nghĩ về điều gì để nói với người đối diện. Những cuộc trò chuyện đã bị giết chết. Tôi tin rằng nó là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Tôi nhận thấy điện thoại thông minh đã trở thành rào cản giao tiếp giữa người với người. Tôi thấy mọi người sử dụng nó như một chỗ dựa để che giấu sự lúng túng, để lấp đầy sự im lặng của họ khi đối diện với người nào đó. Về cơ bản, điện thoại thông minh khiến con người ta thu mình thay vì cởi mở với mọi người”.

Sở dĩ bài viết này đề cập nhiều tới phóng sự ảnh của Babycakes Romero, bởi sau khi nó được một tờ báo mạng của Việt Nam đăng lên, thì tốc độ lan truyền của nó nhanh chóng mặt. Thậm chí, một tờ báo mạng khác đã quyết định học tập Babycakes Romero, thực hiện một phóng sự ảnh về việc văn hóa giao tiếp bị công nghệ giết chết trên chính những đường phố Hà Nội, và kết quả, không cần dàn xếp gì, chúng ta cũng có được những bức ảnh gần như giống như 100% về những con người chúi mũi vào điện thoại.

Xem hai phóng sự này, mỗi người đọc dường như đã thấy mình, bạn mình, đồng nghiệp mình, vợ chồng mình ở đó, thấy cái điều mà mình vẫn “day dứt” lâu nay đã được nói hộ. Tôi vẫn nhớ một người bạn của tôi chia sẻ, cô ấy không sợ bị bạn trai bỏ quên trong một cuộc hẹn hò, mà cô ấy sợ việc mình bắt đầu quen và chấp nhận việc bị bỏ quên ấy, bởi có nghĩa là cảm xúc của cô ấy cũng bị mài mòn rồi.

Trong cuộc sống, có những điều đáng sợ hơn cả sự giận dữ, đó là sự lạnh lẽo trong tình cảm của các cá nhân dành cho nhau. Quả là vậy.

Bài cuối: Để văn hóa giao tiếp không “chết”


Nhóm phóng viên