10:06 15/10/2014

Văn hóa chung cư - dở khóc, dở cười

Cộng đồng đô thị đang phải chịu nhiều tác động của sự xen lẫn các yếu tố mới - cũ, nhất là khi người dân phải thích nghi dần với cách tổ chức đời sống kiểu mới nên đã xảy ra rất nhiều chuyện dở khóc dở cười về văn hóa chung cư.

Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các khu đô thị kiểu mới, văn hóa cộng đồng đô thị đang phải chịu nhiều tác động của sự xen lẫn các yếu tố mới - cũ. Đặc biệt, do người dân phải thích nghi dần với cách tổ chức đời sống kiểu mới, nên đã xảy ra rất nhiều câu chuyện về văn hóa chung cư.

Bài 1: Những thị dân “tùy tiện”

Nếu như cách ứng xử ở các chung cư cũ là sự chan hòa, thân thiện, vì đó thường là nhà tập thể của các cơ quan, đơn vị, thì cuộc sống ở các khu đô thị mới lại khác hẳn. Tập hợp “dân tứ xứ” cùng đến ở, nên nếp sống của những cư dân đô thị mới rất phức tạp. Mối quan hệ đằng sau mỗi cánh cửa nhỏ của căn hộ chung cư là rất nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười.

Cư dân chung cư Bemes Hà Đông từng có lần hoảng loạn khi phát hiện khói bốc mù mịt từ ban công căn hộ tầng 12, sau khi mùi khét lẹt lan ra khắp khu nhà. Trong khi đó, chủ nhân của căn hộ lại không có ở nhà, cửa khóa, hàng xóm không biết rõ về nhau nên cũng chẳng ai biết số điện thoại của chủ nhà để liên hệ. Cuối cùng, Ban quản lý tòa nhà buộc phải gọi chính quyền đến để làm chứng, lập biên bản, phá khóa vào nhà để dập tắt đám cháy khi ấy đã lan rộng khắp lan can, bén cả vào đồ đạc trong nhà.

Các khu đô thị kiểu mới “mọc lên” ngày càng nhiều. Ảnh: Hoàng Tuyết


Hết giờ làm về nhà, anh Hưng, chủ căn hộ mới tá hỏa khi thấy cảnh người chen chúc đến xem, khắp tường ban công nhà mình bị lửa bùng lên cháy đen sì, may là chưa lan vào khu chứa bình gas của gia đình. Sau khi ban quản lý điều tra mới rõ, thủ phạm gây ra đám cháy là một thanh niên ở tầng trên “vô tư” ra ban công hút thuốc rồi vứt mẩu thuốc hút dở xuống dưới, rơi trúng cuộn dây điện ở ban công nhà anh Hưng, lửa bén vào dây điện và cháy lan ra xung quanh. Vụ việc trên đã là lời cảnh báo cho sự thiếu ý thức trong môi trường sinh hoạt chung. Tuy nhiên, theo những người ở đây, đó mới chỉ là một câu chuyện nhỏ trong vô vàn những câu chuyện “dở khóc, dở cười” thường xuyên xảy ra trong đời sống ở những khu đô thị kiểu mới này.

“Có những người cùng tầng, sống với nhau bao nhiêu năm mà chả biết hết mặt người nhà bên cạnh”. Anh Nguyễn Văn Hoàng, khu đô thị Linh Đàm

Bác Nguyễn Ngọc Thiện, một cư dân sống ở đây bức xúc: “Là cộng đồng cùng sinh hoạt chung, nhưng nhiều người rất thiếu ý thức, để ảnh hưởng đến người khác. Ở Ban quản lý tòa nhà ngày ngày tiếp nhận và xử lý không xuể những ý kiến phản ánh về nhau của các hộ gia đình để nhờ can thiệp. Chung cư kiểu mới như chúng tôi thường là nơi hỗn hợp dân cư ở nhiều nơi đến sinh sống, mỗi nơi một kiểu sống, mỗi nơi một phong tục, nên nảy sinh nhiều vấn đề. Vì là “dân tứ xứ” nên nhiều người có lối sống ích kỷ, không quan tâm đến lợi ích chung khiến bộ mặt chung cư trở nên xấu xí”.

Bác Thiện kể, có nhà nửa đêm vẫn còn khoan đục tường khiến trẻ con, người già không ngủ nổi. Có người đang bế con đi dưới sân tòa nhà thì bị một túi vừa dưa vừa cà rơi trúng người, hay bị nước từ tầng trên đổ té xuống người dù rõ ràng nhà ai cũng đều có toa lét riêng.

Cũng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là một trong những thành phố lớn, có rất nhiều các khu đô thị kiểu mới, các khu chung cư cao tầng. Với khoảng 1.000 chung cư mới đã đi vào hoạt động và hàng trăm nghìn hộ dân đang sinh sống ở các khu đô thị mới này, việc quản lý và xây dựng được nếp sống văn minh ở môi trường sống hiện đại này không phải là điều dễ dàng.

Anh Đặng Thịnh, Trưởng ban Quản lý khu chung cư An Lộc - An Phúc (quận 2) cho biết: Người dân sống trong khu chung cư này vốn đã quen với lối sống cá nhân, nên khi đến ở chung cư, vẫn còn cư xử rất tùy tiện, ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh. Ví dụ ở chung cư không cho nấu bằng bếp củi, nhưng một số người dân vẫn tận dụng những khoảng không gian trống ở tầng 2-7 để nấu nướng, dù nơi đó là sân tập thể dục của người dân sống trong chung cư. Một số hộ dân dù có bãi giữ xe đạp dưới tầng hầm, song vẫn dắt xe đạp lên nhà, một số khác có thói quen phơi quần áo đầy lối đi, trước ban công… rất mất mỹ quan đô thị. Để giải quyết tình trạng trên, ban quản lý phải phối hợp với tổ dân phố thường xuyên vận động tuyên truyền tới từng hộ dân để người dân dần dần thay đổi thói quen, nhưng đây không phải chuyện một sớm một chiều là làm được.

Với cấu trúc thường thấy của các khu đô thị mới là ngoài không gian sân chơi, tầng 1 thường dành cho siêu thị, trung tâm mua sắm và ki ốt để cho thuê bán hàng. Tuy nhiên không gian sân chơi thường được tận dụng mội cách tối đa để làm bãi gửi xe, có những nơi còn họp chợ cóc ngay dưới chân tòa nhà, không chỉ có các sạp bán rau quả, mà còn có cả tôm cá, khiến nước thải chảy xuống sân bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Nhiều khi dân phản ánh nhiều, Ban quản lý tòa nhà biết nhưng vẫn làm ngơ.


Tạ Nguyên - Hoàng Tuyết