06:22 08/06/2015

Văn hóa biển, sản phẩm du lịch Xứ Thanh

Với đường bờ biển dài 102 km và vùng lãnh hải rộng 17.000 km2, tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển kinh tế từ biển.

Với đường bờ biển dài 102 km và vùng lãnh hải rộng 17.000 km2, tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển kinh tế từ biển. Đặc biệt, Thanh Hóa còn có bề dày lịch sử và văn hóa biển đặc thù của cư dân miền đất mở, nơi hội tụ và giao lưu văn hóa với khu vực và quốc tế. Đây là những thế mạnh để tỉnh phát triển ngành du lịch.

Đa dạng những giá trị

Theo TS Hoàng Minh Tường, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, giao lưu và tiếp xúc của cư dân Việt cổ miền duyên hải xứ Thanh với văn hóa khu vực và hải đảo có từ rất sớm. Thanh Hóa là nơi phát tích của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Những di chỉ văn hóa này chiếm một vị trí quan trọng trong nền cảnh văn hóa sông biển tiền sử Việt Nam. Những di chỉ khảo cổ học Đa Bút (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cho thấy, nơi đây còn tồn tại rất nhiều xương cá biển, gồm các loại cá đuối, cá ó, cá kìm, cá nheo... cùng nhiều hòn chì lưới bằng đá. Rõ ràng cư dân Đa Bút là những người giỏi đánh bắt cá biển. Ở một số di chỉ khác như Cồn Cổ Ngựa, Gò Trũng, Hoa Lộc thuộc văn hóa Đa Bút, các nhà khảo cổ học cũng tìm ra chứng cứ cho thấy cư dân nguyên thủy ở đây sống bằng nghề đánh cá. Các loài nhuyễn thể nước mặn ven bờ như sò gai, điệp, hàu, đốt sống cá, tia vây cá... được sử dụng làm đồ ăn.

Bãi biển Hải Tiến (Thanh Hóa).


Đặc biệt, cư dân Gò Trũng đã biết đan những tấm lưới bằng sợi gai hoặc những loại dây rừng khác, tìm thấy những mảnh đá tròn mài nhẵn, giữa có lỗ, có khả năng là những dọi xe sợi. Người Gò Trũng còn có thể đóng được những chiếc thuyền gỗ bên cạnh bè truyền thống để ra khơi. Như vậy cùng với sự phát triển nghề đánh bắt cá biển cư dân Gò Trũng đã biết nhiều nghề thủ công khác như xe sợi, dệt đan lưới, bện thừng, làm thuyền bè.

Cư dân xứ Thanh do sống trong môi trường biển, trải qua quá trình lấn biển, khai thác biển và tiếp thu từ bên ngoài đã dần hình thành nên truyền thống biển. Những làng nghề đánh bắt hải sản thường tập trung ở các cửa lạch nơi sông thông ra biển như: Lạch Sung (huyện Nga Sơn), Lạch Trường (huyện Hậu Lộc), Lạch Hới (thị xã Sầm Sơn), Lạch Ghép (huyện Quảng Xương) và Lạch Bạng (huyện Tĩnh Gia).

Phát huy tiềm năng

Theo các chuyên gia, trong xu thế hội nhập, giao lưu và phát triển văn hóa ngày càng mạnh mẽ, những giá trị văn hóa biển đảo cần phải được coi trọng và phát huy hơn nữa.

Về vấn đề này, TS Hoàng Minh Tường khẳng định: Để bảo tồn, làm giàu và phát huy những giá trị văn hóa, tín ngưỡng của ngư dân biển xứ Thanh, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân địa phương, cũng như du khách trong nước và quốc tế, để hiểu rõ giá trị lịch sử, văn hóa của cư dân biển. Qua đó nhân lên niềm tự hào đối với truyền thống lịch sử, văn hóa của cha ông và trách nhiệm bảo vệ, phát huy và làm giàu các giá trị của di sản văn hóa. Đồng thời, tăng cường xuất bản các ấn phẩm văn hóa, các tập sách, tranh ảnh… giới thiệu về di sản văn hóa biển đảo tỉnh Thanh. Tuyên truyền về tiềm năng thế mạnh của kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo của tổ quốc, bảo vệ môi trường sinh thái biển.

“Tỉnh Thanh Hóa cần có các cơ chế, chính sách đúng đắn trong đó chú trọng việc lập quy hoạch tổng thể và chi tiết các khu di tích, cảnh quan và các công trình phụ trợ gắn kết hài hòa với thiên nhiên sông biển; ngăn chặn tình trạng xây cất nhà cao tầng tràn lan làm mất dần các làng chài cổ. Phát triển kinh tế du lịch phải đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy các giá trị văn hóa của ngư dân làng ven biển. Cùng với đó, thực hiện nếp sống văn minh và mỹ quan các khu di tích tâm linh và du lịch, nghỉ dưỡng”, TS Hoàng Minh Tường nhấn mạnh.

Cũng theo TS Hoàng Minh Tường, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung khôi phục và bảo vệ các di tích, di vật liên quan tới lịch sử hình thành một số làng chài cổ tiêu biểu ở các làng xã ven sông biển; bảo lưu các phương tiện đánh bắt hải sản như: bè mảng, lưới, ngư cụ, đồ dùng đi biển.... để vừa gìn giữ nếp sống sinh hoạt, tín ngưỡng, phong tục, tập quán cổ xưa, vừa góp phần phát triển kinh tế du lịch, giảm dần xu hướng đô thị hóa lan rộng đã và đang "tấn công" làng chài và những mỹ tục tồn tại lâu đời.

Bên cạnh đó, nghiên cứu mô hình lễ hội du lịch Sầm Sơn, gắn với Hội chợ các làng chài ven sông biển, giới thiệu những đặc sản vốn có và các thao tác chế biến món ăn trở thành văn hóa ẩm thực mang đậm chất biển, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế du lịch, thu hút đầu tư hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh du lịch với các đối tác trong nước và quốc tế; đưa những giá trị văn hóa mới tiến bộ, lành mạnh, văn minh của thế giới đến với khu du lịch văn hóa Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Quảng Cư, Khu du lịch Nam Sầm Sơn… tạo nên những khu vui chơi, giải trí bổ ích, phong phú lành mạnh cho người dân lao động và du khách; kết hợp giữa truyền thống và hiện đại một cách hài hòa để những giá trị văn hóa này phát huy tác dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đối với cư dân chài lưới nói riêng và người dân tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Thu Phương