05:19 25/05/2014

Vẫn gian nan trong chống buôn lậu thuốc lá

Dù cho nhiều giải pháp, phương án, chuyên đề được các cơ quan chức năng xây dựng nhằm chống nạn thuốc lá nhập lậu nhưng việc thực thi vẫn còn nhiều hạn chế.

Dù cho nhiều giải pháp, phương án, chuyên đề được các cơ quan chức năng xây dựng nhằm chống nạn thuốc lá nhập lậu nhưng việc thực thi vẫn còn nhiều hạn chế. Thậm chí ở nhiều địa phương, phương án vẫn chỉ “nằm” trên giấy. Để xử lý triệt để tình trạng thuốc lá nhập lậu, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải , Bộ đang hoàn thiện đề án phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu.

 

Giải mã phương thức

 

Ông Phạm Kiến Nghiệp, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cho biết: Mặc dù bị đưa vào danh mục mặt hàng cấm và xử lý vi phạm hình sự nhưng tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn không giảm. Để không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các đầu nậu đối phó bằng cách xé lẻ lô hàng, thuê dân cư khu vực biên giới vận chuyển bằng nhiều hình thức vào nội địa. Trên thực tế, các lực lượng chức năng quản lý nhà nước như: Biên phòng, hải quan, cảnh sát, quản lý thị trường… đã triệt phá nhiều tổ chức buôn lậu nhưng trung bình mỗi năm bắt giữ và tiêu hủy vẫn chỉ hơn 1% lượng thuốc lá nhập lậu.

 

Lực lượng chức năng kiểm tra thuốc lá lậu bị bắt giữ. Ảnh: Đậu Tất Thành - TTXVN.

Nếu như trước đây, các đối tượng buôn lậu vận chuyển thuốc lá bằng xe máy để vào thị trường nội địa thì gần đây họ chuyển sang vận chuyển bằng xe tải với nhiều hình thức tinh vi hơn. Theo điều tra của phóng viên, Jet và Hero là hai nhãn hiệu thuốc lá được buôn bán công khai và sử dụng khá phổ biến tại Việt Nam, song ít ai ngờ đó là hàng lậu và trên 90% lượng hàng là nhập trái phép từ Campuchia. 2 nhãn hiệu thuốc lá lậu này được vận chuyển bằng đường biển tới Lào (thông qua cảng Bangkok, Thái Lan) và Campuchia (qua cảng Shihanouk-Ville) theo hình thức “tạm nhập, tái xuất”. Tuy vậy, thay vì “tái xuất”, thuốc lá Jet và Hero từ cảng Shihanouk-Ville, thuốc lá Jet và Hero được đưa về Phnom Pênh rồi được vận chuyển đến các kho chứa đặt tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia tiếp giáp giữa tỉnh Long An và Svay rieng, Tây Ninh - Bavet, An Giang - Ta Mâu, Kirivong,… rồi được vận chuyển bằng đường bộ (xe máy, xe tải), đường thủy (vỏ lãi, thuyền cao tốc) vào Việt Nam.

 

Thống kê từ kết quả nghiên cứu của tổ chức kinh tế học Oxford Economic vừa công bố cho thấy thuốc lá lậu đang gây thất thu nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước khoảng 6.500 tỷ đồng/năm. Ông Phạm Kiến Nghiệp cho rằng, do không phải chịu thuế, bất bình đẳng trong cạnh tranh nên thuốc lá lậu rẻ hơn so với thuốc lá hợp pháp và dễ được người tiêu dùng chấp nhận. Đáng báo động là trong 3 năm trở lại đây, tình trạng buôn lậu thuốc lá tại các tỉnh biên giới, nhất là địa bàn Tây Nam Bộ thường diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng buôn lậu đã hình thành mạng lưới rất chặt chẽ, thậm chí làm cả đường hầm để đưa hàng, cất giấu thuốc lá nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ. Bên cạnh đó, cái khó là nhiều chính sách đã tạo điều kiện cho buôn lậu thuốc lá như lộ trình giảm Tar và Nicotine trong sản phẩm thuốc lá sản xuất trong nước trong khiến nhu cầu nhập lậu thuốc lá ngày càng tăng.

 

Siết chặt kỷ cương

 

Trước thực trạng buôn lậu ngày càng gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang chống từ “đầu vào”, ở các cửa khẩu, biên giới, nhưng biên giới của nước ta rất dài, nhiều lối mòn, ngăn chặn là rất khó. Vì vậy, nên chặn ở “đầu ra”, tức là ở phía người bán lẻ, người mua. Mạnh tay xử lý các cửa hàng bày bán công khai, “đầu ra” giảm thì “đầu vào” tự khắc sẽ giảm. Đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm sẽ tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh thuốc lá từ 12 tháng đến 24 tháng theo quy định của pháp luật.

 

Việc chống buôn lậu thuốc lá hiện nay vẫn chủ yếu thực hiện bằng cách mật phục, triệt phá các đường dây buôn lậu từ Campuchia, Lào về thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, cách làm này không mang lại hiệu quả mà còn gây nguy hiểm cho lực lượng tham gia bắt giữ vì các đối tượng buôn lậu rất manh động, sẵn sàng chống trả để trốn thoát khỏi sự truy bắt...Ngoài ra, liên quan đến hoạt động tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, sau gần 1 năm rưỡi thực hiện thí điểm tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu theo Quyết định 1112/QĐ-TTg ngày 21-8-2012 của Thủ tướng Chính phủ, trong số 28 tỉnh, thành thực hiện chỉ có 10 tỉnh, thành đề nghị tiếp tục thực hiện. Qua việc tái xuất thuốc lá lậu ở nhiều tỉnh, thành thấy không hiệu quả trong khi các các bộ, ngành và UBND các tỉnh phải tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện tốn kém về thời gian và chi phí.

 

Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, thuốc lá nhập lậu được coi là mặt hàng trọng điểm trong công tác chống buôn lậu. Vì vậy, trong năm 2014 việc chống buôn lậu thuốc lá sẽ là trọng điểm của lực lượng Quản lý thị trường. Do đó, lực lượng chức năng đang phối hợp với các chính quyền địa phương kiên quyết triệt phá các đường dây, ổ nhóm, đặc biệt là các đầu nậu. Ngoài ra, các lực lượng đang tích cực kiểm soát nội địa, phạt nặng những người buôn bán thuốc lá lậu, cho dù một gói. Khi thị trường trong nước không chấp nhận thì lúc đó thuốc lá lậu sẽ bị tẩy chay.

 

Thời gian này Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đang phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt mở cao điểm kiểm tra việc kinh doanh thuốc lá điếu tại các chợ đầu mối trên địa bàn Tp từ 1-4 đến 30-6-2014. Kết quả, chỉ một ngày đầu ra quân, lực lượng chức năng đã bắt giữ, tịch thu trên 10.000 gói thuốc lá lậu; trong đó có nhiều loại cao cấp như Cammel, Capri, Equinox, Mond... Do đó, việc lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm soát thị trường nội địa, rà soát các hộ kinh doanh, doanh nghiêp, các tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc lá lẻ một cách sát sao, liên tục sẽ là điều kiện tiên quyết để triệt tiêu thị trường của thuốc lá ngoại nhập lậu.

 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu là thực trạng rất nhức nhối đến nay chưa kiểm soát được hiệu quả, mà một nguyên nhân là "gu" tiêu dùng đã ăn sâu, nên nhiều khi hàng lậu thâm nhập thị trường trong nước rất dễ (mỗi năm có tới 600 - 700 triệu bao thuốc lá lậu vào Việt Nam).

 

Hiện Bộ Công Thương đã yêu cầu các lực lượng chống buôn lậu căn cứ vào tình hình cụ thể của địa bàn quản lí, chủ động nắm tình hình, bám sát địa bàn, xây dựng phương án cụ thể tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát. Đồng thời, các ngành cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp thường xuyên, xây dựng và triển khai kịp thời kế hoạch kiểm tra kiểm soát, tập trung lực lượng đánh mạnh, đánh trúng các tụ điểm buôn lậu lớn, kịp thời phát hiện và xử lí nhiều vụ vi phạm về vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu.

 

Bộ Công Thương cũng đang xây dựng chương trình tuyên truyền để người tiêu dùng quay lưng với thuốc lá lậu. Với những giải pháp mạnh tay cùng những chế tài xử phạt đủ sức răn đe, hy vọng đây là cơ sở để lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước .

 

Uyên Hương